Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ti-vi tương lai: nhiều kỳ vọng lẫn thách thức

Chiếc ti-vi Cell Regz có thể hiển thị tám kênh truyền hình trong tám cửa sổ khác nhau trên màn hình cùng một lúc.

Chiếc ti-vi trong tương lai sẽ mỏng hơn, phẳng hơn, nhiều tính năng hơn hay kết hợp cả ba điều ấy ? Các nhà sản xuất biết rõ rằng chỉ có cải tiến công nghệ hay tìm ứng dụng công nghệ mới mới có thể giúp các nhà sản xuất tăng doanh số và giành thêm thị phần cho mình.

Ti-vi màn hình phẳng không thể phẳng thêm nhiều nữa trong khi người tiêu dùng cũng không muốn màn hình ti-vi rộng hơn. Vì thế, các nhà sản xuất ti-vi Nhật đang tích cực tìm kiếm và ứng dụng những công nghệ mới cho thiết bị này trong nỗ lực thúc đẩy doanh số, giành lại thị phần từ những đối thủ Hàn Quốc và đối phó với những công ty mới từ Trung Quốc và Đài Loan.

Từ ti-vi di động…

Tại cuộc triển lãm điện tử Ceatec vừa diễn ra ở Tokyo, Nhật, hãng Hitachi đã giới thiệu nguyên mẫu chiếc ti-vi sử dụng một bộ cảm biến để cho phép người xem điều khiển nó bằng cử chỉ. Trong khi đó, hãng Toshiba giới thiệu chiếc ti-vi Cell Regza 55 inch, mỏng với ổ đĩa cứng dung lượng 3 terabyte, sử dụng chip Cell do Sony, Toshiba và IBM phát triển. Thông điệp của Toshiba được chuyển tải khá rõ ràng qua Cell Regza: ti-vi di động.

Trung tâm điều khiển của chiếc ti-vi Toshiba Cell Regza được đặt trong một thiết bị có dạng hình hộp như chiếc đầu đọc đĩa DVD cũ, cho phép ti-vi, ở cùng một thời điểm, có thể hiển thị tám kênh truyền hình trong tám cửa sổ khác nhau trên màn hình (xem ảnh minh họa). Chưa hết, nó còn có thể thu cả tám kênh này liên tục trong 26 giờ đồng hồ. Đặc biệt, độ phân giải các file ghi được lên đến 3.840 x 2.160 pixel, cao gấp ba lần độ phân giải 1.080 pixel của ti-vi Full-HD hiện có trên thị trường. Toshiba cũng trang bị ổ đọc Blu-ray cho Cell Regza bên cạnh việc tích hợp đầu ghi ổ cứng dung lượng 1 terabyte.

Ngoài ra, ti-vi hỗ trợ duyệt web với trình duyệt Opera, bộ bảy chiếc loa ngoài gắn ở bên dưới màn hình và hoạt động tương thích với bất kỳ hệ thống ampli cao cấp nào sử dụng cho gia đình. Vấn đề còn lại là, người tiêu dùng nào dám bỏ ra một triệu yen (khoảng 11.000 đô-la Mỹ) để tậu chiếc ti-vi này ? Trước khi bắt đầu sự kiện công nghệ Ceatec, Toshiba đã công bố giá bán chính thức của chiếc Cell Regza cao hơn các loại ti-vi cùng kích cỡ hiện có từ 30% đến 40% và sẽ bán chính thức ở Nhật vào tháng 12. Sau đó, Toshiba sẽ giới thiệu phiên bản khác cho thị trường Mỹ và châu Âu vào năm 2010.

Năm 2004, các kỹ sư của Toshiba đã bắt đầu suy nghĩ về việc phát triển ti-vi di động, ngay cả trước khi các công việc thử nghiệm trên chip Cell hoàn tất. Họ đã dành khoảng năm năm cho dự án, bước đầu chỉ là việc tranh luận làm thế nào để sử dụng chip Cell và những tính năng nào cần đưa vào chiếc ti-vi, rồi  xây dựng nguyên mẫu. Chiếc ti-vi đã thành hình trong hai năm cuối cùng của dự án.

Năm năm là một thời gian vô tận nếu bạn xem xét ở góc độ hãng Toshiba thường thêm công nghệ mới và làm mới toàn bộ đội ngũ sản xuất ti-vi mỗi sáu tháng. Theo Shigenori Tokumitsu, người đứng đầu bộ phận sản xuất ti-vi Cell Regza, tiến độ chậm một phần là do việc thiết kế phần mềm. Một chiếc ti-vi và một chiếc máy chơi trò chơi sử dụng chip theo những cách khác nhau. Chip Cell thực hiện việc tính toán dữ liệu lớn cần thiết để mang lại cho ti-vi hình ảnh sắc nét.

“Nhưng tâm điểm của công nghệ xử lý hình ảnh của bộ xử lý lại là phần mềm. Và nó phải được thực hiện bởi một nhóm kỹ sư riêng,” ông Tokumitsu nói.

Ti-vi Cell Regza có thể cải thiện độ phân giải của video chất lượng kém từ YouTube, nhưng lại không thể xử lý hình ảnh đồ họa 3D và độ phân giải cao hơn. Đó là chưa kể đến những thách thức khác như thiết kế một hệ thống làm mát để giữ cho chip Cell bớt nóng, bớt ồn và tạo kiểu dáng bên ngoài của chiếc ti-vi sao cho bắt mắt.

Sự ra đời của Cell Regza được xem như là một minh chứng cho khả năng kết hợp ăn ý giữa các nhóm kỹ sư phần cứng và phần mềm ở Toshiba. Nhưng hãng này quan tâm nhiều hơn đến tiềm năng hoạt động của phần mềm. Cụ thể là tạo ra một mô hình kinh doanh dựa trên sự cải tiến hiệu năng của mạng ti-vi di động. Chiếc ti-vi đóng vai trò như là một cổng dịch vụ mà các nhà sản xuất ti-vi, chương trình ti-vi có thể gửi gắm các chương trình hay sản phẩm của mình.

Ông Tokumitsu nói rằng, các kỹ sư của Toshiba phải làm việc thêm để có thể hạ giá thành phẩm dòng ti-vi di động này cũng như khắc phục các nhược điểm của ti-vi Cell Regza trong những phiên bản kế tiếp.

…đến ti-vi 3D

Một chiếc ti-vi3D của Sony được giới thiệu tại cuộc triển lãm điện tử Ceatec vừa diễn ra ở Tokyo, Nhật.

Tuy nhiên, ti-vi ba chiều (3D) mới là một công nghệ mà các nhà sản xuất Nhật đặt nhiều hy vọng. Hai trong số này là Panasonic và Sony đang hy vọng ti-vi 3D độ phân giải cao sẽ là sản phẩm chủ đạo của tương lai trong bối cảnh họ đang nỗ lực chặn đà giảm giá và làm sống lại thị trường bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tại cuộc triển lãm Ceatec năm nay, một nguyên mẫu của chiếc ti-vi plasma 3D 50 inch của Panasonic đã thu hút đông đảo khách tham quan. Công nghệ 3D của Panasonic hoạt động bằng cách thay đổi nhanh chóng giữa khung hình trái và khung hình phải của đoạn video.

Người xem đeo một loại kính chuyên dụng được đồng bộ hóa với ti-vi thông qua tín hiệu hồng ngoại. Khung hình bên phải chỉ được xem bằng mắt phải và khung hình trái chỉ được xem với mắt trái, tạo ảo giác về độ sâu.

Panasonic hy vọng rằng việc đánh bại các đối thủ trong thị trường mới này sẽ giúp thúc đẩy công nghệ plasma vốn đang thua sút công nghệ màn hình tinh thể lỏng (LCD). Masayuki Kozuka, người đứng đầu nhóm 3D của Panasonic, khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ thành công khi nào phân nửa số lượng ti-vi bán ra là ti-vi 3D”.

Trong khi đó, Sony cũng giới thiệu một công nghệ tương tự mà công ty này hy vọng sẽ được ứng dụng vào trong một số ti-vi dòng Bravia và dòng máy tính xách tay Vaio vào năm 2010. Ngoài ra, máy chơi game PlayStation 3 cũng có thể được trang bị công nghệ 3D.

Vẫn còn nhiều thách thức

Ngành công nghiệp điện ảnh là lĩnh vực ủng hộ công nghệ 3D nhiệt thành nhất. Trong những năm gần đây, Hollywood đã tăng cường tung ra phim 3D để thu hút thêm khán giả đến rạp hát. Sony cho biết sẽ có khoảng 7.000 phim 3D vào cuối năm 2009. Các nhà sản xuất ti-vi hy vọng sự nhiệt tình này sẽ giúp thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn trải nghiệm 3D ở nhà. Họ cũng hy vọng rằng với sự phổ biến của công nghệ 3D trên màn ảnh rộng, các đài truyền hình sẽ tiếp bước Hollywood bằng cách bắt đầu sản xuất chương trình 3D, dù chi phí vẫn còn là một trở ngại không nhỏ.

Một số nhà phân tích tỏ ra lạc quan về triển vọng của ti-vi 3D. Alfred Poor, nhà phân tích của công ty GigaOM Network, gần đây dự báo rằng khoảng 46 triệu ti-vi 3D có thể được tung ra thị trường vào năm 2013. Ông cho rằng giá cả của sản phẩm này sẽ giảm nhờ vào việc sản xuất với số lượng lớn. Trong khi đó, các nhà phân tích của công ty Gartner đưa ra một lịch trình từ 5 đến 10 năm để ti-vi 3D trở nên phổ biến.

Dù vậy, không ít thách thức đang chờ đón các nhà sản xuất ti-vi 3D phía trước. Trước hết, người xem sẽ cần phải đeo một loại kính chuyên dụng để xem ti-vi 3D, một điều bị xem là gây phiền toái. Bên cạnh đó, hệ thống 3D - bao gồm ti-vi 3D, kính chuyên dụng và đầu Blu-ray DVD - được dự báo là có giá khá cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sự đón nhận của người tiêu dùng. Cả Sony lẫn Panasonic đều chưa thông báo giá cho những sản phẩm 3D của mình. Theo Panasonic, việc nghiên cứu thị trường cho thấy chiếc ti-vi 3D 50 inch của họ có thể được bán với giá 2.000 đô-la Mỹ, trong khi chiếc kính chuyên dụng có giá 50 đô-la.

Một cuộc thăm dò của công ty nghiên cứu In-Stat cho thấy 64% người được hỏi có quan tâm ít nhiều đến việc xem phim 3D ở nhà. Tuy nhiên, chỉ có 25% trong số người này nói sẽ không chi nhiều hơn số tiền dành cho một chiếc ti-vi thông thường. David Gibson, người phụ trách bộ phận nghiên cứu tại công ty Macquarie Capital Securities, nói: “Xét trên quan điểm của người tiêu dùng, tôi không khỏi hoài nghi (về tiềm năng của ti-vi 3D) vì tôi không nhìn thấy người tiêu dùng chịu mang kính khi xem ti-vi 3D ở nhà. Đây là một ý tưởng hay, nhưng thị trường dành cho thiết bị này hiện vẫn còn hạn chế.”

Nguyên mẫu một chiếc ti-vi 3D của Toshiba.

 

Là tên gọi tắt của Cell Broadband Engine Architecture, Cell vốn là cấu trúc vi xử lý được Sony, Toshiba và IBM phát triển trong một dự án hợp tác trị giá khoảng 400 triệu đô-la Mỹ bắt đầu từ năm 2001. Cấu trúc vi xử lý này nhấn mạnh vào các ứng dụng xử lý vector và đa phương tiện, được tích hợp đầu tiên trên máy chơi game PlayStation 3 của Sony và cả trên máy chủ của IBM.

(Theo Minh Huy - Phương Anh // Thời báo kinh tế Sài Gòn // BusinessWeek // Cnet)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Google chính thức tìm kiếm bằng giọng tiếng Hoa
  • Vòng đua mới của các nhà mạng
  • Cải thiện cuộc sống bằng công nghệ di động
  • Khi khoảng cách giữa thế giới ảo và thật hẹp dần
  • 4 lý do để sử dụng dịch vụ IMAP
  • Thời của máy tính “xanh”
  • 7 dịch vụ tiện ích trên cổng thông tin mới của VNPT
  • Apple sẽ tung ra Tablet PC vào năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị