Cá sấu nuốt đá để lặn
Dạ dày của cá sấu vốn không chừa bất cứ con mồi nào từ rùa, cá, chim đến hươu cao cổ, trâu, sư tử... Chúng thậm chí ăn thịt cả đồng loại khi tranh giành lãnh địa. Nhưng điều đáng kinh ngạc nhất là cá sấu còn ăn cả đá. Loài bò sát này nuốt vào bụng những hòn đá lớn và “món ăn” ở lại trong dạ dày chúng mãi mãi. Theo các nhà khoa học, cá sấu nuốt đá vào bụng để tạo sức nặng giúp chúng lặn xuống nước dễ dàng.
Sữa cá voi cực kỳ béo
Nuôi con mới sinh là kỳ công “không nhỏ” của cá voi. Cá voi con thường nằm trong bụng mẹ 10-12 tháng và chiếm đến 1/3 chiều dài cơ thể cá mẹ (đối với cá voi xanh, cá non dài hơn 9 m). Khi cho con bú, cá voi mẹ phun sữa vào miệng con bằng cách sử dụng các cơ xung quanh tuyến vú. Với 50% là chất béo, sữa cá voi béo hơn sữa mẹ gấp 10 lần. Đó là lý do một số cá voi con mỗi ngày tăng trọng thêm gần 100 kg.
Chuột chũi không mù
Với đôi mắt kém phát triển và cuộc sống quanh năm dưới lòng đất, chuột chũi châu Phi bị lầm tưởng là mù lòa. Nhiều người cho rằng loài này sử dụng mắt để cảm nhận sự thay đổi của không khí hơn là để quan sát. Tuy nhiên, vài cuộc nghiên cứu gần đây lại chứng minh chuột chũi có thị giác rất tinh. Chúng không thích những gì chúng nhìn thấy. Ánh sáng có thể khiến chúng nghĩ rằng có kẻ thù bò vào hang.
Gà con rất thương đồng loại
Thật sai lầm nếu nghĩ rằng quá trình tiến hóa tạo ra những động vật ích kỷ, chỉ lo cho sự tồn tại của riêng mình. Lòng tốt tràn đầy tại những nơi mà sự giúp đỡ có thể duy trì sự sống của đồng loại. Chẳng hạn, gà con tìm họ hàng bằng cách kêu chíp chíp trong lúc ăn. Tiếng kêu này báo cho những gà con khác gần đó rằng ở đây có thức ăn và rủ chúng đến ăn cùng.
Một số loài cá thay đổi cơ quan sinh dục
Hành động lưỡng tính kỳ lạ này phổ biến ở cá hơn ở các loài có xương sống. Một số loài cá bỗng dưng thay đổi giới tính khi có sự thay đổi của chu kỳ hoóc-môn hoặc môi trường. Một số loài cá khác lại sở hữu đồng thời cả cơ quan sinh dục của con đực và con cái.
Hươu cao cổ cũng gặp khó khăn với chiều cao
Những con hươu với chiếc đầu cao ngất ngưởng gần 5 m tất nhiên có lợi thế hơn những con vật khác khi giành ăn lá cây. Tuy nhiên, chúng cũng gặp không ít khó khăn với chiều cao quá cỡ. Tim của hươu cao cổ phải làm việc gấp đôi so với trâu bò để bơm máu lên não. Sinh vật này còn có hệ tuần hoàn phức tạp để máu không dồn lên đầu khi chúng cúi xuống. Đồng thời, do nằm dưới quả tim 5 m nên chân hươu cao cổ phải có lớp da thật chắc để tránh máu tống xuống bộ guốc.
Chim biết đánh dấu đường đi
Bồ câu có thể vượt hàng ngàn cây số tìm về tổ mà không gặp bất cứ khó khăn nào khi dò đường. Một số loài chim khác như nhạn biển cũng thường thực hiện những chuyến đi về khoảng 40.000 km mỗi năm. Nhiều loài lông vũ khác sử dụng từ trường trái đất để định hướng. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Hành vi động vật năm 2006 cho thấy bồ câu còn biết sử dụng các cột mốc quen thuộc dưới mặt đất để nhớ đường về nhà.
Voi có trí nhớ phi thường
Loài voi có bộ não nặng tới 5 kg, to hơn tất cả những loài có vú khác. Chúng có sử dụng triệt để lượng chất xám đó không? Dù trí thông minh khó có thể xác định bằng số lượng tế bào não nhưng có thể được phản ánh trung thực qua chỉ số EQ - tỷ lệ giữa kích cỡ bộ não con vật với kích cỡ bộ não cần có trên tổng trọng lượng cơ thể. EQ trung bình của loài voi là ....1,88 (ở người, EQ dao động từ 7,33 đến 7,69; tinh tinh trung bình 2,45, heo 0,27).
Với hải ly, ngày dài hơn vào mùa đông
Hải ly thường trở nên yếu sức vào mùa đông, chỉ sống nhờ vào thức ăn khô hoặc lượng mỡ dự trữ trong đuôi. Chúng bảo tồn năng lượng bằng cách hạn chế ra ngoài trời lạnh, thay vào đó chỉ ru rú trong những hốc cây tối tăm. Hệ quả là loài gặm nhấm vốn thức dậy lúc hoàng hôn và chợp mắt lúc bình minh này không có ánh sáng để đưa chúng vào giấc ngủ. Do đồng hồ sinh học thay đổi nên vào những tháng mùa đông, một ngày của hải ly thường kéo dài đến 29 giờ.
Vẹt không chỉ bắt chước
Trước giờ, âm thanh loài vẹt phát ra được xem chỉ là những tiếng kêu sao chép. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong 30 năm qua cho thấy vẹt có khả năng tự nói hơn là chỉ bắt chước. Loài lông vũ này có thể xử lý ngôn ngữ tương tự như đứa bé 4-6 tuổi. Vẹt có thể nói được những từ như “giống”, “khác”, “lớn”, “nhỏ”, “không” và đếm số thứ tự. Đáng ngạc nhiên là chúng có thể kết hợp các từ và cụm từ lại với nhau theo cách riêng. Các nhà khoa học từng đề xuất nghiên cứu quá trình học nói của vẹt để phát triển khả năng ngôn ngữ cho robot.
BẢO TRÂM (Theo LiveScience)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com