Trung tâm Dữ liệu quốc gia về tuyết và băng của Mỹ cho biết, diện tích băng tan trung bình mỗi ngày tại Bắc Cực trong tháng trước là 106.000 km vuông, gấp 3 lần diện tích nước Bỉ. Tốc độ tan băng này tương đương với tốc độ của tháng 7-2007. Vào tháng 9 năm đó diện tích băng ở Bắc Băng Dương xuống tới mức thấp kỷ lục là 4,3 triệu km vuông). Tính tới thứ năm tuần trước thì diện tích băng là 6,75 triệu km vuông.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0,6 độ C trong thế kỷ trước do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng nhiệt độ ở cực bắc trái đất tăng gấp đôi, thậm chí cao hơn mức đó. Vào cuối tháng 7 vừa rồi nhiệt độ tại một số nơi thuộc Bắc Cực lên tới 30 độ C - con số khó tin ở vùng cực.
Trong một bản báo cáo, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về tuyết và băng của Mỹ nói rằng các điều kiện khí hậu tại Bắc Cực trong mùa hè năm nay giống hệt mùa hè năm 2007. Một khối không khí áp suất cao khiến bầu trời ở phía trên biển Beaufort (một nhánh của Bắc Băng Dương và nằm về phía tây bắc Canada) luôn quang mây. Tình trạng đó khiến băng ở đây tan nhanh do nhận được nhiều nắng.
"Tốc độ tan băng tăng lên trong tháng 7 và giảm trong vài ngày gần đây. Đặc tính của băng và khí hậu Bắc Cực đã thay đổi cơ bản trong vài năm gần đây. Những tảng băng dày đang nhường chỗ cho những tảng băng mỏng hơn", Walt Meier, một nhà khoa học của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về tuyết và băng, phát biểu.
Các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng gấu trắng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc chiến sinh tồn khi băng ở Bắc Cực tan với tốc độ lớn hơn.
Vào mùa đông, mặt trời lặn bên dưới đường chân trời trong nhiều tháng nên nhiệt độ tại Bắc Cực sẽ giảm. Trong khoảng thời gian đó bóng tối và băng sẽ bao phủ Bắc Băng Dương. Diện tích băng sẽ tăng lên so với mùa hè, song phần lớn khối băng mới sẽ mỏng và yếu hơn so với những khối băng cũ.
Tại một hội nghị toàn cầu tại Copenhagen vào tháng 3 năm nay, các nhà khoa học tuyên bố biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự đoán của con người. Họ khẳng định tình trạng tan băng chóng mặt ở Bắc Cực là một trong những bằng chứng sống động nhất về vấn đề này. Một tháng sau đó, Cơ quan Đại dương và Khí quyển Mỹ dự báo rằng Bắc Cực có thể không còn băng vào mùa hè trong vòng 30 năm tới.