Các nhà khoa học cảnh báo, một loạt thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra có thể khiến giá các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc, vượt quá khả năng của nhiều người nghèo trên thế giới.
Mặc dù thiên tai dữ dội nhưng thế giới đang kỳ vọng vào vụ lúa mỳ bội thu nhất từ trước tới nay. |
Marcus Prior, Người phát ngôn cao cấp khu vực châu Á của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, vẫn còn sớm để nói đến một cuộc khủng hoảng lương thực. Tuy nhiên, WFP lo ngại với giá lúa mỳ đang tăng và bất cứ sự tăng giá đáng kể nào cũng như tính bất ổn của các thị trường lương thực có thể ảnh hưởng đến những người nghèo.
Trong ngắn hạn: Hy vọng vào các kho lương thực dự trữ
Viện Nghiên cứu chính sách lương thực thế giới ước tính, đợt hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra ở Nga đã hủy hoại 20% sản lượng vụ mùa lúa mỳ. Và với việc Nga chiếm khoảng 8% sản lượng lúa mỳ thế giới, thiệt hại hiện nay tương đương với việc tổng nguồn cung lúa mỳ toàn cầu sẽ giảm 1,6%.
Song theo Samarendu Mohanty, người phụ trách bộ phận Khoa học Xã hội của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) tại Philippines, may mắn là thế giới đang kỳ vọng một vụ lúa mỳ bội thu nhất từ trước đến nay. Nên cho dù thiên tai ở Nga, Ukraina và Kazakhstan có thể làm giảm sản lượng lúa mỳ nhưng các kho dự trữ sẽ giúp giữ giá cả tương đối ổn định.
Thêm vào đó, các kho dự trữ gạo có thể đủ ứng phó mọi nhu cầu vì đã có 90 triệu tấn dự trữ (40 triệu tấn ở Trung Quốc, 20 triệu tấn ở Ấn Độ, 30 triệu tấn ở các nước khác). Ngay Philippines, vốn từ lâu là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng có 2,5 triệu tấn dự trữ.
Nước biển dâng là thách thức lớn nhất của biến đổi khí hậu, cũng là tác động lớn nhất với an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh minh họa |
Về dài hạn: Sản xuất lúa gạo chịu ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu
IRRI cũng cảnh báo về một viễn cảnh dài hạn không mấy sáng sủa. Theo đó, do hậu quả của băng tan ở các địa cực và sông băng tan chảy cũng như nhiệt độ nóng lên khiến mực nước biển có thể tăng trung bình khoảng 1 m vào cuối thế kỷ 21. Khi đó, sản xuất lúa gạo trên quy mô toàn cầu sẽ giảm đáng kể.
Ai cũng biết cây lúa được trồng ở những vùng châu thổ và duyên hải địa hình thấp tại châu Á. Cây lúa cũng là một trong những loại cây trồng dễ chịu hậu quả nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Ví dụ ở Việt Nam, hơn 50% sản lượng lúa gạo là từ châu thổ sông Mekong mà tất cả khu vực này được dự báo sẽ bị ảnh hưởng do nước biển dâng.
Khó mà dự đoán hậu quả chính xác nhưng lũ lụt do mực nước biển dâng cao có thể khiến 20 triệu ha đất ở các khu vực trồng lúa gạo “giáp mặt” với nguy cơ bị nhấn chìm. Thêm vào đó, lượng khí CO2 và nhiệt độ tăng có thể làm giảm sản lượng lúa gạo. Ví dụ nhiệt độ ban đêm tăng thêm 1 độ có thể làm giảm 10% sản lượng lúa gạo.
Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) ước tính toàn thế giới đang có 1,02 tỷ người thiếu ăn và điều này càng khiến mục tiêu giảm được một nửa tỷ lệ người thiếu ăn vào năm 2015 khó thành hiện thực./.
(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com