Thực tế, CNSH Việt Nam cũng đạt được một số thành công nhất định, trong các lĩnh vực nghiên cứu: gen, tế bào - mô phôi, enzim - protein, vi sinh. Nổi bật hơn cả là việc các nhà khoa học đã nhanh chóng tạo ra các giống cây trồng thuần chủng nhờ áp dụng công nghệ tế bào - mô phôi. Hàng loạt các dòng lúa, ngô được tạo ra bằng kỹ thuật đơn bội nuôi cấy bao phấn và noãn. Bằng công nghệ in-vitro, Việt Nam đã tạo ra được nhiều cây trồng sạch bệnh trên cây có múi, hoa, dứa, sắn, chuối, khoai tây, cà chua phục vụ sản xuất, quản lý dịch hại cây trồng và bảo vệ môi trường. Cũng nhờ công nghệ này, Việt Nam đã lưu giữ được nhiều giống cây trồng quý phục vụ công tác bảo tồn, khai thác hợp lý và bền vững nguồn gen cây trồng.
Đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu mới của CNSH thế giới vào Việt Nam những năm qua là Viện CNSH. Theo Viện trưởng Viện CNSH Trương Nam Hải, giai đoạn 2001-2009, các nhà khoa học ở đây đã có hơn 440 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế. Viện cũng đã chủ trì thành công các đề tài: Ứng dụng kỹ thuật gen để định danh gen hài cốt liệt sĩ, "trả lại tên" chính xác cho hơn 115 trường hợp; Xây dựng quy trình sản xuất vắcxin phòng chống virút cúm A/H5N1; Xây dựng bộ sinh phẩm phát hiện nhanh virút cúm A/H1N1...
Tuy nhiên, theo PGS-TS Hồ Huỳnh Thùy Dương, ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, hoạt động CNSH thường xuất phát từ các phòng, trung tâm nghiên cứu của các trường ĐH, do đó nặng tính hàn lâm, thiếu tài chính, kiến thức marketing... dẫn tới khó đưa các nghiên cứu vào sản xuất. Thêm nữa, sản phẩm CNSH ra đời cũng gặp nhiều rào cản từ hàng loạt các quy định, giấy phép và phải chứng minh được tính an toàn mới có thể sử dụng. Bởi theo Quyết định 212/2005/QĐ-CP, để được phép sản xuất các sản phẩm CNSH phải có hàng loạt giấy chứng nhận về an toàn. Cụ thể, an toàn đa dạng sinh học thuộc thẩm quyền Bộ NN&PTNT, liên quan đến sức khỏe là Bộ Y tế, nhưng đánh giá những tác động tới môi trường lại thuộc thẩm quyền của cả ba Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Tóm lại là quá nhiều cơ quan liên quan đến một công nghệ nào đó từ nghiên cứu thành công đến triển khai sản xuất. Ngoài ra, việc chưa có được sự liên kết, hỗ trợ từ các đơn vị nghiên cứu, trường học, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước… để thực hiện chuyển giao các kết quả nghiên cứu cũng là rào cản khiến CNSH chưa thực sự phát triển.
Chọn hướng đi nào? Trên thế giới, nhiều công ty dược phẩm đã đầu tư hàng tỷ USD cho CNSH, hướng mạnh vào sản xuất dược phẩm. Theo tính toán của các nhà khoa học nếu đầu tư bài bản cho CNSH, chi phí cho việc thu gom 1 mẫu tế bào gốc dây rốn tại Việt Nam sẽ thấp hơn nước ngoài (hiện tại của Mỹ là 400-500 USD, Xingapo 250-300 USD). Điều đó cho thấy đầu tư vào CNSH sẽ mang lại giá trị lớn và muốn phát triển đất nước, Việt Nam không thể bỏ qua lĩnh vực này.
Nước ta đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Thời gian không còn bao lâu, nhưng lực lượng lao động vẫn còn tới 75% ở nông thôn, 13 triệu hộ nông dân đang sở hữu trên 70 triệu thửa ruộng manh mún, nhỏ bé. "Vậy thì có cách gì để CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong điều kiện như vậy? Theo tôi một trong các giải pháp là phải bứt phá lên bằng chính các thành tựu về CNSH" - GS Nguyễn Lân Dũng (Hội Các ngành sinh học) nhận định.
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, công việc trước mắt là cần đầu tư đủ tầm cho các đơn vị nghiên cứu CNSH trọng điểm sao cho đủ sức nhận các đơn đặt hàng của Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề bức thiết đáp ứng cho nhu cầu trước mắt và lâu dài. Đó là việc tạo giống cây trồng, vật nuôi vừa có năng suất cao vừa có tính đề kháng cao với bệnh tật, tạo chế phẩm sinh học trừ sâu, tạo phân bón vi sinh chất lượng cao, tạo sản phẩm sinh học bổ sung (probiotic) trong thức ăn chăn nuôi, tạo chế phẩm vi sinh xử lý rác và nước thải, tạo khả năng tự túc vắcxin, kháng huyết thanh và một phần chất kháng sinh, đẩy mạnh nghiên cứu về tế bào gốc phục vụ y học, sản xuất các loại enzim tinh hoặc thô phục vụ nghiên cứu và sản xuất đưa công nghệ nuôi cấy mô xuống tận làng xã như ở Vân Nam (Trung Quốc), tạo thực phẩm lên men chất lượng cao, tạo cồn nhiên liệu để xây dựng giao thông sạch…
Một vấn đề cũng cần sớm được cụ thể hóa bằng chính sách là nên cho nhập với số lượng lớn các giống cây trồng chuyển gen (bông, ngô, đỗ tương, thuốc lá…) đang được sử dụng rộng rãi ở
Hoa Kỳ, Trung Quốc và nhiều nước khác để có năng suất cao hơn trong khi giảm được lượng sử dụng thuốc trừ sâu. Nước ta hoàn toàn cũng có thể áp dụng mô hình trồng rau sạch tập trung như ở Quảng Châu (Trung Quốc) theo cách trồng trong nhà lưới trên giá thể sạch mầm bệnh, bón phân hữu cơ vi sinh, tưới bằng dung dịch nguyên tố đa lượng loãng) và đẩy mạnh việc xây dựng các bể khí sinh học ở mọi vùng nông thôn. Đây chính là giải pháp phát triển nông thôn bền vững rất cần thiết trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp đang bị thu hẹp nhanh chóng...
Theo Chương trình nghiên cứu khoa học CNSH trọng điểm Nhà nước giai đoạn 2006-2010, đến cuối thời kỳ này, nước ta sẽ cố gắng làm chủ và ứng dụng được công nghệ nền của CNSH và tạo được sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo các nhà khoa học, để đạt mục tiêu này, ngoài vấn đề đầu tư vốn lớn, hệ thống chính sách đồng bộ còn cần tới nguồn nhân lực, một điểm yếu của ta trong thời gian qua.