Miền Bắc đang xôn xao trận lũ đầu mùa, đến nay đã làm hơn 200 trăm người chết, bị thương và mất tích. Nhưng với ngành điện, đây là một dấu hiệu cho thấy lại sắp qua đi một mùa thiếu điện và cắt điện tràn lan. Chỉ trước đây một tuần, đài phát thanh vẫn đưa tin các hồ thủy điện đang ở mực nước chết.
Đặc điểm của nguồn nước cho thủy điện là mang tính thời vụ. Vào mùa mưa, các đập phải xả đáy do thừa nước. Vào mùa khô, người dân và doanh nghiệp lại giật mình thon thót khi nghe thông báo đập nước này hay hồ kia xuống đến mực nước chết. Mặc dù những thông báo này chẳng đáng giật mình, vì chuyện này năm nào cũng xảy ra. Còn ngành điện thì đến hẹn lại lên, xin người dân thông cảm cho lý do khách quan!
So sánh cơ cấu nguồn điện
Từ việc hàng năm cứ đến mùa khô lại thiếu điện nghiêm trọng, liệu có nên nhìn lại: công cuộc hiện đại hóa của Việt Nam có phải là “con tin” của thời tiết?
Tính đến cuối năm 2006, thủy điện chiếm 43% công suất ngành điện toàn Việt Nam. Có những thời điểm thủy điện đã chiếm đến 70% sản lượng điện quốc gia (theo báo cáo trong một hội thảo năm 2007). Trong khi đó, trên thế giới thì thủy điện chỉ chiếm 16-19% tổng lượng điện phát ra.
Ở Thái Lan, năm 2008 thủy điện chiếm 6% tổng sản lượng điện, con số này đã giảm so với 6,6% vào năm 2003.
Ở Mỹ, thủy điện chiếm 9% tổng sản lượng điện cả nước.
Ngay cả ở Trung Quốc, nơi có những đập thủy điện thuộc hàng lớn nhất thế giới, thì vào năm 2008 thủy điện chỉ chiếm 15% tổng sản lượng điện cả nước.
Bài viết này tuyệt đối không phản đối việc phát triển thủy điện. Tuy nhiên, rất cần đặt câu hỏi tại sao các nguồn điện khác ở Việt Nam lại không phát triển kịp, để đến nay các nguồn này chiếm chiếm tỉ lệ quá thấp so với thế giới?
Đối chiếu với tiềm năm, các chuyên gia năng lượng ước tính đến năm 2015 Việt Nam sẽ cơ bản khai thác hết tài nguyên thủy điện. Trong khi đó, một nghiên cứu của Liên hợp quốc năm 2005 cho thấy thế giới mới khai thác 15% tiềm năng của thủy điện.
Tuy thủy điện có cho phí vận hành thấp, nhưng chi phí đầu tư để xây dựng thủy điện lại cao hơn nhiều so với loại hình sản xuất điện khác. Việt Nam là một nước nghèo, nhưng về tỉ lệ thủy điện của chúng ta lại vượt trên thế giới, vượt trên cả những nước giàu hơn chúng ta. Có phải Việt Nam dư thừa vốn?
Việt Nam thiếu hay thừa vốn? |
Câu chuyện về dư thừa vốn (hay lãng phí) không chỉ thấy ở một ngành. Một ví dụ là khoản đầu tư gần nửa tỉ USD cho cầu Thanh Trì ở Hà Nội, cầu đã hoàn thành từ tháng 11/2006, nhưng đã gần 2 năm vẫn chưa chính thức đưa vào khai thác. Theo một ước tính, mỗi ngày chậm đưa vào khai thác làm thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng. Cầu Thủ Thiêm tại TP. HCM đã thông xe từ ngày 9/1/2008 với công bố: hoàn thành trước kế hoạch… 1 ngày! Nhưng từ đó đến nay, cây cầu 6 làn xe này vẫn chủ yếu để đi bộ ngắm cảnh. Đường dẫn ở cả hai đầu vẫn là những mớ ngổn ngang, và thậm chí im lìm bất động. Phần xây dựng cầu đòi hỏi cao về công nghệ và vốn thì đã hoàn thành. Phần đường dẫn chưa thể hoàn thành vì những lý do như quy hoạch và giải tỏa. Thế mới thấy, vấn đề không phải là vốn hay công nghệ, mà là trình độ quản lý. |
(Theo VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com