Từ những ngày đầu sau khi thống nhất nước Đức vào năm 1990, Chính phủ CHLB Đức đã tích cực tìm chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường cho cả nước. Những nỗ lực đó đã mang lại kết quả.
Một bản tường trình khá chi tiết được trình lên chính phủ, sau đó được công bố cho thấy rằng, tại CHDC Đức cũ, sau 40 năm được quản lý, điều hành dưới chính sách kinh tế tập trung, khoảng gần 40% thiên nhiên và môi trường sống đã bị hủy hoại, tàn phá!
Vì thế chính quyền liên bang Đức đã ban hành ngay những biện pháp tích cực, cấp thời để giải quyết vấn đề môi trường, cụ thể là: (i) sửa chữa và xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cung cấp nước và các nhà máy xử lý rác, chất thải; (ii) đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân theo mô hình của Liên Xô và do Liên Xô xây dựng trước đây tập trung tại vùng Greifswald, gần phía Biển Đông của nước Đức; (iii) giảm thiểu và giới hạn tối đa công nghiệp khai thác và xử dụng than nâu (brown coal), thay bằng hệ thống dùng khí đốt để sưởi ấm; (iv) đóng cửa tất cả các nhà máy có công nghệ đã lạc hậu và lỗi thời; sau cùng là (v) khuyến khích, tích cực phát triển các công ty, hãng xưởng sản xuất, chế tạo ra các sản phẩm sạch, dạng năng lượng tái tạo, ít làm ô nhiễm môi trường.
Riêng trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ CHLB Đức đã quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, chỉ cho phép hoạt động đến năm 2020. Thay vào đó là một loạt chính sách và biện pháp phát triển phong điện - một nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm và có hiệu quả kinh tế cao cho dù vốn đầu tư ban đầu khá lớn.
Nhờ những biện pháp này, đến năm 2008, nước Đức đã tiết kiệm 7,8 tỉ euro tiền mua nhiên liệu hóa thạch từ nước ngoài để sản xuất điện năng; tiết kiệm thêm 9,2 tỉ euro cho ngân quỹ chống ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời giảm được 120 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong năm 2008, ngành sản xuất điện từ năng lượng gió (phong điện) của Đức đã góp vào mạng lưới điện quốc gia một công suất là 23.903 Mw, đã xây dựng hoàn chỉnh 20.301 hệ thống cánh quạt gió với nhiều loại công suất khác nhau, trong đó loại có công suất 1,5 Mw chiếm tỷ lệ lớn.
Phong điện đã cung cấp cho nước Đức 40,3 tỉ kWh điện, tăng 1,5% so với năm 2007. Dự kiến trong những năm tới, tốc độ tăng sản lượng hàng năm của ngành phong điện Đức sẽ vào khoảng 6,5% và đến năm 2020 sản lượng điện do sức gió tạo ra mỗi năm sẽ đạt đến 150 tỉ kWh, bằng 25% tổng sản lượng điện của toàn CHLB Đức.
Nhìn ra toàn thế giới, trong năm qua phong điện phát triển rất năng động: cả thế giới đã đạt được công suất 121.188 Mw, nghĩa là tăng thêm 27.281 Mw so với năm 2007 và đạt doanh số khoảng 40 tỉ euro. Cả thế giới đã sản xuất ra 260.000 Mwh điện từ sức gió và bảo đảm công việc làm cho hơn 440.000 con người.
Điều thú vị là trong năm vừa qua, lần đầu tiên Mỹ đã vượt qua CHLB Đức, chiếm vị trí hàng đầu trong số các nước xây dựng nhiều hệ thống phong điện nhất thế giới; chỉ riêng trong năm 2008, nước Mỹ đã xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống phong điện có tổng công suất 25.170 Mw, tương đương công suất của mười nhà máy thủy điện Sơn La vùng Tây Bắc nước ta.
Tập đoàn General Electric (GE) là một trong những hãng có đóng góp rất lớn, giúp cho nước Mỹ chiếm được vị trí số một này. Mặc dù GE chỉ hoạt động tích cực trong lĩnh vực này từ năm 2002, nhưng họ đã dám đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ cho việc nghiên cứu và phát triển, nhờ đó trong năm qua GE đã sản xuất, cung cấp và bảo đảm vận hành an toàn 8.500 hệ thống cánh quạt gió loại công suất 1,5 Mw cho nhiều quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.
Trong những năm qua tại bờ biển Bắc của châu Âu, các nước như Đan Mạch, Hà Lan, CHLB Đức… đã xây dựng thành công một số công viên phong điện trên biển (Offshore-Windpark) với những hệ thống cánh quạt gió có công suất lớn, loại 5M, mỗi hệ thống có công suất 5 Mw, tạo một bước nhảy vọt trong công nghệ phát triển ngành năng lượng này.
Tại Việt Nam, các tỉnh vùng duyên hải miền Trung có nhiều đồi dốc nằm dọc theo bờ biển và cả vùng biển cạn gần bờ của đất nước là cả một nguồn tài nguyên phong phú, vô tận cho việc xây dựng và sử dụng các hệ thống phong điện. Vấn đề là cần có chính sách thích hợp để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vào công cuộc sản xuất điện từ gió, dạng năng lượng tái tạo vừa hiệu quả, vừa không gây ô nhiễm môi trường.
(Theo TS.Trần Văn Bình (CHLB Đức) - Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com