Báo cáo của chương trình đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu do FAO thực hiện năm năm một lần cho biết, lượng khí thải các-bon đi-ô-xin do việc mất rừng gây ra đã được cải thiện đáng kể do tỷ lệ chặt phá rừng giảm và diện tích rừng trồng mới tăng thêm. Trong những năm 1990, mỗi năm trái đất mất khoảng 16 triệu héc-ta rừng cho các mục đích sử dụng khác hoặc do các nguyên nhân tự nhiên. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến 2010, diện tích rừng biến mất hằng năm đã giảm xuống con số 13 héc-ta.
Phó giám đốc Ban quản lý rừng của FAO Ê-đu-a-đô Rô-gia nói: "Ðây là lần đầu tiên, chúng tôi có thể chỉ ra được nạn chặt phá rừng đang giảm trên toàn cầu nhờ vào những nỗ lực mạnh mẽ cả ở cấp độ khu vực và quốc tế". Ông Rô-gia cho biết, các nước trên thế giới không chỉ cải thiện các chính sách và luật bảo vệ rừng mà còn giao rừng cho người dân địa phương để họ trực tiếp bảo tồn đa dạng sinh học và các chức năng môi trường khác của rừng. Một số quốc gia đã đạt được kết quả đáng kể từ những cố gắng này như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Mỹ và Việt Nam.
Bên cạnh việc ca ngợi những cải thiện trong mười năm qua, FAO cũng không quên cảnh báo rằng, tỷ lệ chặt phá rừng vẫn rất cao ở nhiều nước và mật độ rừng sẽ tiếp tục suy giảm nếu con người không tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa. Số lượng rừng biến mất hàng năm trong 10 năm qua tương đương với diện tích của Cô-xta Ri-ca. Hiện trên toàn thế giới chỉ còn khoảng bốn nghìn tỷ hec-ta rừng, chiếm 31% diện tích đất liền trên trái đất.