![]() |
Những phát minh công nghệ mới đã trao cho người phương Tây sức mạnh phát triển kinh tế trong hai thế kỷ qua. Nhưng nay cán cân về số lượng các phát minh công nghệ mới cũng như việc hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học đang thay đổi, chuyển từ Mỹ sang các nước châu Á trong đó có Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc.... Châu Á đang dần trở thành một trung tâm công nghệ mới.
Đối với những người muốn làm việc trong một môi trường sáng tạo, Mỹ từ lâu là một điểm đến hàng đầu. Nước này có một nền văn hóa hậu thuẫn cho sự sáng tạo: những trường đại học hàng đầu, những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn và những thị trường tài chính mang tính khuyến khích cao.
Câu chuyện thành công của các công ty Mỹ tại Thung lũng Silicon từng mang lại nhiều cảm hứng cho giới doanh nghiệp tại những thị trường đang nổi, như Trung Quốc và Ấn Độ. Dù vậy, một bản báo cáo mới đây cho thấy Mỹ không còn là trung tâm sáng tạo hàng đầu thế giới nữa.
Mối lo về chất lượng nhân lực
Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Boston Consulting Group (BCG) cùng Viện Chế tạo trực thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ tại Washington vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát 110 nước trên thế giới về vấn đề khuyến khích sáng tạo thông qua chính sách của chính phủ và hoạt động của doanh nghiệp.
Theo danh sách xếp hạng những nước khuyến khích sáng tạo nhiều nhất, Mỹ chỉ đứng thứ 8, trước Nhật (thứ 9) và Đức (thứ 19), nhưng xếp sau Singapore (thứ 1) và Hàn Quốc (thứ 2) – hai nền kinh tế được xem là những “con hổ châu Á”.
Điều gì đã khiến Mỹ thua sút các “con hổ châu Á” về mặt sáng tạo? Ông James P. Andrew, phụ trách bộ phận sáng tạo toàn cầu của BCG và là đồng tác giả của bản báo cáo nói trên, cho rằng “chất lượng lực lượng lao động” ở Mỹ là vấn đề lớn nhất mà nhiều người tham gia cuộc khảo sát gặp phải. Như là một phần của cuộc khảo sát, BCG đã đặt câu hỏi cho khoảng 800 quan chức điều hành cao cấp tại các công ty Mỹ, và phần lớn họ đưa vấn đề nguồn nhân lực lên đầu danh sách những mối lo ngại của họ. Những câu hỏi được những người này đặt ra là “Liệu chúng ta (nước Mỹ) đang phát triển các kỹ năng ở cấp trung học? Chúng ta có đang tạo điều kiện để những sinh viên xuất sắc nhất học tập và sinh sống dễ dàng ở Mỹ hay không?”
Những câu hỏi nói trên đang ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là khi cuộc tranh luận về chính sách nhập cư của Mỹ đang nóng lên từng ngày. Các công ty đa quốc gia Mỹ lâu nay vẫn là những người lớn tiếng nhất trong việc kêu gọi chính phủ cho phép người lao động nước ngoài có tay nghề cao làm việc ở Mỹ.
Tuy nhiên, các số liệu công bố gần đây cho thấy phần lớn trong 65.000 visa H-1B được cấp cho người lao động nước ngoài rơi vào tay các công ty gia công của Ấn Độ. Những công ty này đã sử dụng chương trình này để đưa kỹ sư có mức lương thấp từ Ấn Độ sang Mỹ. Trước bối cảnh kinh tế Mỹ suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, các nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi chính phủ siết chặt việc cấp visa H-1B. Điều này có thể dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ ở
Ấn Độ.Bài học từ Singapore
Singapore, nước đứng đầu danh sách nói trên của BCG, từ lâu đã nỗ lực thu hút lao động nước ngoài, đồng thời khuyến khích người dân trong nước ra nước ngoài làm việc để nâng cao kỹ năng. Chẳng hạn như Singapore hằng năm trao 100 học bổng cho sinh viên khoa học và kỹ thuật, tài trợ kinh phí cho chương trình tiến sĩ của họ ở các trường đại học nước ngoài.
Ông Beh Kian Teik, Giám đốc bộ phận khoa học y sinh tại Hội đồng Phát triển kinh tế của Chính phủ Singapore, nhận định: “Để làm tốt, bạn cần những người được đào tạo ở nước ngoài.” Chương trình trị giá 650 triệu đô-la Mỹ này được tiến hành từ năm 2000 và đang đón nhận những tiến sĩ đầu tiên trở về Singapore, nơi họ sẽ làm việc tại các phòng nghiên cứu của chính phủ hoặc các trường đại học địa phương trong vài năm.
Cam kết của Chính phủ Singapore đối với ngành giáo dục là một lý do khiến nhiều tập đoàn dược phẩm quyết định chọn Singapore làm nơi đặt cơ sở nghiên cứu và sản xuất của mình. Chẳng hạn như Novartis đã biến Singapore trở thành trung tâm dành cho các nhà nghiên cứu tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh sốt rét, lao và sốt xuất huyết. Thierry Draganc, phụ trách dự án cho nhóm nghiên cứu sốt rét của Novartis, nói: “Việc giảng dạy khoa học ở đây rất tốt. Ở đây luôn có nguồn người lao động mới ra trường ổn định.”
Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu hiện nay, ông Andrew tin rằng các chính phủ và công ty sẽ không rút lại sự cam kết dành cho hoạt động sáng tạo. Ông cho rằng vào thời điểm khó khăn, “một điều kiện bắt buộc là phải trở nên sáng tạo hơn, chứ không phải ngược lại”. Đối với các công ty, điều này có nghĩa là “làm mọi thứ có thể để tránh thu hẹp ngân sách dành cho sự sáng tạo”. Tương tự, các chính phủ cần phải tiếp tục làm những điều để biến nước họ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty và nhà đầu tư nước ngoài.
Ấn Độ: làn sóng lớn kế tiếp
Chiếc máy đo điện tâm đồ MAC 400 - nặng không quá 1,3 kg - có thể làm 100 bản điện tâm đồ chỉ với một cục pin tiểu. Thiết bị này rất cần thiết cho người dân ở các vùng xa hẻo lánh thuộc các nước đang phát triển, nơi mà điện không phải lúc nào cũng có sẵn và những khu dân cư nằm xa trung tâm chẩn đoán ở thành phố. Nguồn gốc của chiếc máy này cũng đáng nói giống như tính năng của nó vậy. Vì MAC 400 do một nhóm kỹ sư Ấn Độ làm việc tại trung tâm công nghệ John F. Welch của General Electric (GE) tại Bangalore (Ấn Độ) thiết kế. Đây là trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ lớn nhất của GE ở bên ngoài nước Mỹ, được xây dựng trong giai đoạn suy thoái kinh tế (2001-2003). Ngày nay, trung tâm rộng 50 héc-ta này là nơi làm việc của khoảng 3.500 nhà khoa học và kỹ sư – những tác giả của hàng loạt bằng sáng chế về đầu máy, động cơ máy bay và các thiết bị y tế đang và sắp có mặt trên thị trường.
Rất nhiều công ty khác cũng như GE đang chuyển hướng sang Ấn Độ để tìm kiếm tài năng người Ấn Độ trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm mới. Có bốn lý do dẫn đến sự thay đổi này. Thứ nhất là suy thoái kinh tế cộng với xu hướng thu hồi nhanh vốn của các nhà đầu tư. Thứ hai, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt buộc các nhà sản xuất phải liên tục trình làng sản phẩm mới. Thứ ba, nếu những năm 1960, những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ nhập xe Jeep tay lái bên phải về sử dụng thì nay những nền kinh tế này có yêu cầu cao hơn: cần sản phẩm phù hợp với thị trường. Cuối cùng là tình trạng giảm dân số và tỷ lệ sinh viên chọn ngành kỹ thuật thấp ngày càng tệ đi ở các nền kinh tế hàng đầu của thế giới. Những người đứng đầu trong lĩnh vực R&D ở các nước phương Tây không thể tìm được những kỹ sư giỏi nên quay sang tìm kiếm những tài năng ở châu Á để bắt kịp sự phát triển.
Ấn Độ với khoảng 100.000 kỹ sư nói tiếng Anh tốt nghiệp mỗi năm đã trở thành một điểm sáng trong danh sách các quốc gia được chọn đặt các trung tâm sáng tạo. Thêm vào đó, Ấn Độ cũng có những quy chế rõ ràng trong việc đầu tư, quản trị doanh nghiệp khiến các nhà đầu tư an tâm. Lẽ dĩ nhiên tình hình kinh tế suy thoái hiện nay có thể sẽ tác động đến tốc độ phát triển sáng tạo ở nước này. Nhưng sự chững lại trong xu hướng nghiên cứu và phát triển toàn cầu hóa này chỉ là tạm thời.
Sau khủng hoảng, hàng loạt công ty phải đối mặt với thực tế tài chính sẽ tái cấu trúc tổ chức, lộ trình phát triển sản phẩm chiến lược và một số mô hình cũ không còn phù hợp sẽ bị phá bỏ, thay vào đó là những mô hình mới thúc đẩy sự phát minh, sáng tạo công nghệ và sản phẩm mới. Xu hướng tái cấu trúc như vậy cũng từng diễn ra trong thời kỳ suy thoái kinh tế giai đoạn 2001-2003. Những nhà cung cấp công nghệ thông tin như IBM, Tata Consultancy Services (TCS), Infosys Technologies, Wipro, Accenture và nhiều công ty khác ở Ấn Độ cho biết số lượng nhân viên của họ gia tăng nhanh chóng.
Trong môi trường hiện tại, TCS đã mua thêm bộ phận kinh doanh gia công qua đối tác thứ ba với hợp đồng trị giá 1 tỷ đô-la Mỹ. Trong khi đó, Giám đốc công nghệ thông tin Kris Gopalakrishnan của Infosys, trả lời tờ BusinessWeek, nói là đang tuyển dụng, chính xác là “đã có những khách hàng chọn đặt gia công”. Thực sự, sáng tạo sẽ là bước phát triển kế tiếp của ngành công nghệ thông tin và những công ty nào theo xu hướng toàn cầu hóa trong nghiên cứu và phát triển sẽ giành được những lợi thế cạnh tranh, cụ thể là khả năng đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị trường toàn cầu.
(Theo Minh Huy - P. Anh // Thời báo kinh tế Sài Gòn // BusinessWeek)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com