Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chạy đua giành tài nguyên Bắc cực

Thiết bị lặn Mir-2 của Nga được hạ thủy từ tàu nghiên cứu “Viện sĩ Fedorov” ngày 2-8, chuẩn bị cuộc thám hiểm lòng Bắc Băng Dương - Ảnh: AP

Hai thiết bị lặn có người lái Hòa Bình-1 (Mir-1) và Hòa Bình-2 (Mir-2) đã bắt đầu khảo sát đáy Bắc Băng Dương vào hôm qua, 2-8.

Đây là một phần trong khuôn khổ chuyến thám hiểm mang tên “Bắc cực - 2007”, với sứ mệnh cắm cờ Nga xuống đáy biển đang “vô chủ” này.

4.300m là mục tiêu mà đoàn thám hiểm muốn đạt tới và đó là độ sâu mà chưa tàu lặn nào có thể vươn tới. Đợt khảo sát đầu tiên đã thành công như dự kiến. Mir-1 đã chạm đáy Bắc Băng Dương ở độ sâu 4.261m, vào 12g08 giờ Matxcơva (tức 15g08 giờ VN). Còn Mir-2 chạm đáy ở độ sâu 4.302m, lúc 12g35 giờ Matxcơva (tức 15g35 giờ VN).

Hơn sáu giờ sau đó, hai thiết bị đã an toàn nổi lên mặt biển. Atur Chelingarov, chỉ huy đoàn thám hiểm trên tàu nghiên cứu khoa học “Viện sĩ Fedorov”, cho biết Mir-1 và Mir-2 có thể làm việc ở độ sâu đến 6.000m.

Tương tự “cắm cờ trên Mặt trăng”

Điều kiện lặn trong ngày hôm qua được cho là lý tưởng: gió yếu, tầm nhìn tới 20km. Hai thiết bị lặn nối tiếp nhau xuống nước. Chỉ huy Mir-1 là giáo sư, nhà hải dương học Anatoli Salagevich; trên đó còn có chủ tịch Hiệp hội Các nhà thám hiểm vùng cực, anh hùng Liên Xô Atur Chelingarov. Trên Mir-2 là thủy thủ đoàn quốc tế, với chỉ huy người Nga Yevgeni Chernyayev, cùng hai nhà nghiên cứu vùng cực Úc và Thụy Điển.

Trong quá trình lặn, có một giờ các nhà thám hiểm làm việc dưới lòng biển: thu thập các mẫu đất và sinh vật. Một chi tiết không kém quan trọng: họ sẽ để lại một lá cờ Nga và một thông điệp cho thế hệ tương lai trong một khoang kín, đồng thời thiết lập đường liên lạc video với Trạm không gian quốc tế (ISS).

Người phát ngôn của Viện Nghiên cứu vùng cực St. Petersburg giải thích: “Đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng cho nước Nga, thể hiện những khả năng của chúng tôi trên Bắc cực. Nó cũng giống như việc cắm cờ trên Mặt trăng vậy”.

Sứ mệnh cắm cờ Nga ở đáy biển Barents được xem là một động thái nhằm khẳng định chủ quyền của Nga đối với vùng biển này. Thành phần đặc biệt của đoàn thám hiểm lần này, ngoài Atur Chelingarov là phó chủ tịch Hạ viện Nga, còn có phó chủ tịch Ủy ban luật pháp của Hạ viện Nga Vladimir Gruzdyev cùng các đại diện của hơn mười viện nghiên cứu hàng đầu của Nga và thế giới, cho thấy quyết tâm của người Nga trong cuộc đua “giành đất”.

Khảo sát của các nhà địa chất học Mỹ cho thấy vùng đáy biển Bắc (Bắc cực) chứa đựng 25% lượng dầu mỏ và khí tự nhiên của thế giới chưa được khai thác. Ngoài ra, khu vực này có khả năng tiềm tàng chứa các loại khoáng sản quí như niken và kim cương...

Với việc khí hậu Trái đất đang nóng dần lên, trong vòng 20 năm qua khối lượng băng tại Bắc cực đã giảm 20%, tạo thuận lợi cho việc đi lại và thăm dò tài nguyên thiên nhiên tại khu vực này. Các quốc gia có đường biên giới với khu vực Bắc cực, trong đó có Mỹ, đang tích cực cạnh tranh trong các kế hoạch thăm dò, khai thác tài nguyên biển Bắc, trong đó bao gồm cả việc khảo sát các tuyến giao thông mới, ngắn hơn, nối châu Âu, châu Á với Tây bán cầu.
 

Ảnh báo chí Nga chụp ngày 29-7 nói máy bay Mỹ theo dõi cuộc lặn thử của Nga - Ảnh: rutv

NATO và Mỹ theo dõi

Trước đây, Nga vẫn khẳng định một khu vực hình tam giác của Bắc Băng Dương - gồm từ bờ bán đảo Kola ở phía tây đến đỉnh của bán đảo Chukotka ở phía đông, với đỉnh tam giác là Bắc cực - là thuộc Nga. Tam giác này có diện tích khoảng 1,2 triệu km2, bằng tổng diện tích của Ý, Đức và Pháp.

Từ những năm 1920, vùng này đã được đánh dấu là hải phận của Liên Xô và về sau này là của Nga trên các bản đồ Nga. Tuy nhiên, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển đã qui định năm nước có lãnh thổ nằm trong vành đai Bắc cực gồm Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch, được phép tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển 320km kể từ bờ biển của mình. Đặc biệt, các nước có thể đòi hỏi thêm nếu chứng minh thềm lục địa của họ rộng hơn.

Mỹ không thông qua công ước nói trên vì nói nó làm ảnh hưởng chủ quyền của Mỹ tại Bắc cực. Trong khi đó, Nga đã phê chuẩn và muốn dùng chính công ước trên để khẳng định lại chủ quyền của mình: chứng minh dải đất ngầm Bắc cực mang tên Lomonosov và Mendeleyev (vươn tới tận Greenland của Đan Mạch) chính là phần tiếp nối của thềm lục địa Siberia của Nga.

Năm năm trước, Nga là quốc gia vùng cực đầu tiên đệ trình Liên Hiệp Quốc lập một ủy ban đặc biệt để xem xét qui chế này, tuy nhiên các chuyên gia quốc tế nói họ vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục. Nga đang xác lập các bằng chứng bằng chuyến thám hiểm này.

Báo chí Nga nói NATO đang theo dõi cuộc thám hiểm “Bắc cực - 2007” của Nga. Nhật báo Vesti đã chụp được ảnh máy bay do thám Mỹ quần đảo trong khu vực thăm dò vào ngày 29-7, khi Nga cho hai thiết bị Mir-1 và Mir-2 lặn thử nghiệm.

Tàu Mir


Ngày hôm qua, RIA Novosti khẳng định tàu phá băng hạng nặng Mỹ Healy thuộc Cơ quan tuần tra bờ biển Mỹ sẽ ra khơi ngày 6-8 từ cảng Seattle để thám hiểm Bắc Băng Dương.

Trong khi đó, tờ USA Today ngày 31-7 cho biết Chính phủ Mỹ đang quan ngại về khả năng Mỹ để mất một phần tài nguyên dầu mỏ tiềm tàng cùng một số tài nguyên thiên nhiên khác ở vùng biển Bắc trừ phi Quốc hội Mỹ hành động.

John Bellinger, cố vấn luật pháp của chính quyền Mỹ cùng nhiều quan chức Mỹ đã kêu gọi quốc hội thông qua công ước để các công ty Mỹ có thể sớm tiến hành các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên ở biển Bắc mà không có sự rắc rối nào từ phía các quốc gia có đường biên giới với khu vực biển này.
 

“Chúng tôi chăm chú theo dõi tình hình”

Trả lời báo giới về cuộc thám hiểm vùng Bắc cực của Nga, hôm qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Casey thừa nhận hành động của Nga là phù hợp pháp luật: “Chúng tôi đang chăm chú theo dõi tình hình. Việc chính quyền Nga làm hiện nay ở Bắc cực là căn cứ trên Công ước quốc tế về luật biển để chứng minh yêu sách của mình”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Không ai, kể cả Mỹ, cho rằng đấy là việc đã được quyết định.”

(Itar-Tass)

 

(Theo NG. THANH - DUY VĂN // TuoiTre Online/Newsru, Vesti, RIA Novosti)

  • Xoáy âm dương khổng lồ kỳ bí ở Anh
  • Nhật Bản giới thiệu tàu siêu tốc thế hệ mới
  • Người cổ đại ăn gì?
  • Gia tăng xung đột giữa con người và tự nhiên
  • Vật liệu ô tô từ xơ dừa
  • Tiếp tục khai quật mộ Tần Thủy Hoàng
  • Chỉ số IQ của teen Anh giảm sau 30 năm
  • Chế được “thảm tàng hình”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị