Các nhà thiên văn tuyên bố hành tinh nhỏ nhất từng được phát hiện bên ngoài hệ Mặt Trời có bề mặt bằng đá giống địa cầu.
Hành tinh CoRoT-7b được phát hiện vào tháng 2 năm nay. Nó có khối lượng gấp 5 lần trái đất. Sau khi xác định được đường kính và khối lượng của CoRoT-7b , các nhà thiên văn cho rằng nó có bề mặt rắn và mật độ vật chất giống hành tinh của chúng ta.
Didier Queloz, một chuyện gia của Đài thiên văn Geneva (Thụy Sỹ), cho biết, giới khoa học phát hiện khoảng 330 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời xoay quanh ngôi sao riêng. Phần lớn chúng được tạo nên bởi chất khí và có các đặc tính giống như sao Hải Vương.
Nhưng nghiên cứu của Queloz và cộng sự cho thấy, CoRoT-7b có những điểm khác biệt. Theo Reuters, nó chỉ cách ngôi sao riêng khoảng 2,5 triệu km và mất 20 giờ để xoay hết một vòng quanh ngôi sao ấy. Nhiệt độ bề mặt của nó là 1.000-1.500 độ C, nghĩa là quá nóng đối với sự sống. Đường kính của nó lớn hơn trái đất chừng 80%.
Trong một bài viết trên tạp chí Astronomy and Astrophysics, Didier Queloz và các cộng sự cho rằng CoRoT-7b nên được xếp vào danh sách những hành tinh giống trái đất bên ngoài hệ Mặt Trời.
“Chúng ta từng tìm thấy hàng chục hành tinh giống địa cầu, song đây là lần đầu tiên chúng ta đo được mật độ vật chất của một hành tinh nhỏ”, nhóm nghiên cứu nhận xét.
Theo Telegraph, phát hiện của nhóm Queloz chứng tỏ rằng nhiều hành tinh giống CoRoT-7b có thể đang tồn tại ngoài hệ Mặt Trời và môi trường của chúng có thể hỗ trợ sự sống.
(Theo Vne // Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com