Các nhà khoa học vừa công bố việc phát hiện một hành tinh chứa nhiều nước ở tương đối gần trái đất. Hành tinh này được đặt tên GJ 1214b, lớn hơn trái đất 2,7 lần, quay quanh một ngôi sao nhỏ hơn và ít sáng hơn mặt trời của chúng ta. GJ 1214b quá nóng và có khí quyển quá dày nên khó có thể tồn tại sự sống ở dạng tương tự trên trái đất. Tuy nhiên, phát hiện này được xem là một cột mốc lớn trong việc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.
Hình vẽ mô phỏng hành tinh GJ 1214b quay quanh “mặt trời” của nó |
Trong bài viết công bố việc phát hiện GJ 1214b đăng trên tạp chí Nature tuần này, tác giả David Charbonneau, giáo sư thiên văn học ở Đại học Harvard cho biết: “Phát hiện này rất quan trọng bởi trong nhiều năm qua, giới thiên văn giả định rằng các hành tinh giống trái đất chỉ có thể quay quanh các ngôi sao có kích thước tương đương mặt trời.
Do đó, các nhà khoa học đã không dành nhiều thời gian tìm kiếm các hành tinh quanh các ngôi sao nhỏ. Việc phát hiện GJ 1214b có nước giúp loại bỏ giả thuyết các hành tinh giống trái đất chỉ có thể hình thành dưới những điều kiện tương tự trong hệ mặt trời của chúng ta”.
GJ 1214b được các nhà khoa học phân loại là “siêu trái đất” (super-Earth – các hành tinh giống và có kích thước từ 1-10 lần trái đất). Có thể dễ dàng quan sát GJ 1214b do nó ở khá gần hệ mặt trời của chúng ta, chỉ cách khoảng 40 năm ánh sáng.
GJ 1214b được phát hiện nhờ một kính viễn vọng nghiệp dư 16 inch đặt trên mặt đất chứ không phải các kính viễn vọng “thứ dữ” gắn trên vệ tinh.
(Theo TH. NGUYỄN // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com