Sở KH-CN TPHCM phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBX-HN) vừa tổ chức Hội nghị Quán triệt quy chế đảm bảo ATBX nhằm loại trừ mối hiểm họa tiềm ẩn phát tán nguồn phóng xạ. Tại đây, 50 đơn vị có sử dụng nguồn phóng xạ cùng chung tay ký cam kết đảm bảo ATBX vì…
Không lo xa... họa đến gần!
TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục ATBX - HN dẫn một câu chuyện xảy ra ở thị trấn Goiania (Brazil). Một cơ sở y tế “lỡ” bỏ quên nguồn xạ trị Cs-137 khi chuyển sang địa điểm mới, chất phóng xạ bên trong bị phát tán khiến 112.800 người phải được theo dõi dài lâu, 271 người bị nhiễm phóng xạ, 74 chết và bị thương, 101 ngôi nhà bị nhiễm phóng xạ, 58 điểm công cộng được tẩy xạ… và hậu quả của lần “bỏ quên” ấy dai dẳng đến 10 năm để thị trấn khôi phục lại hoạt động bình thường…
Câu chuyện xảy ra ở đất nước Nam Mỹ xa xôi khiến nhiều đại biểu rùng mình. Người dân Hà Nội vẫn chưa quên được sự kiện năm 1997 khi nguồn phóng xạ của Viện Công nghệ xạ hiếm (Hà Nội), không hiểu vì sao, bị “lạc mất”. Mặc dù các cơ quan chức năng đã phát hiện kịp thời, nguồn phóng xạ Eu-152 có hoạt độ không cao, nhưng hậu quả để lại cũng khá nặng nề.
Cụ thể, phải thực hiện tẩy xạ ngôi nhà và theo dõi diễn biến sức khỏe của 100 người dân trong khu vực phường Bạch Đằng. Đáng lo ngại hơn, sự cố đã gây tâm lý hoang mang trong dân vì 25.000 người trong khu vực xung quanh vẫn có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ.
Nguồn phóng xạ đã trở thành công cụ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích không thể phủ nhận cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính điều đó cũng dẫn đến mối lo ngại của nhiều nhà quản lý: nếu không được quản lý đúng đắn, hợp lý thì họa sẽ đến gần.
Theo nhiều đại biểu, nguy cơ xảy ra tai nạn về phóng xạ là do chúng ta đang quản lý khá lỏng lẻo. Hiện chỉ có 19 tiêu chuẩn VN về ATBX - tỷ lệ rất thấp so với các nước phát triển. Thêm vào đó, các cơ sở có nguồn phóng xạ thiếu ý thức trong đảm bảo ATBX: Một số cơ sở có nguồn phóng xạ lại không khai báo, chưa được cấp phép; nguồn phóng xạ thường sử dụng lưu động rất khó kiểm soát; nhiều nhân viên chưa hiểu biết đầy đủ về ATBX…
Cần một cơ chế quản lý đồng bộ
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: “Hiện TPHCM có 397 cơ sở bức xạ, trong đó có 53 cơ sở có nguồn phóng xạ với 644 nguồn phóng xạ. Công tác quản lý đã được triển khai từ trước. Nhưng đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ là nội dung mới và để thực hiện hiệu quả cần một cơ chế quản lý thống nhất, tập huấn hướng dẫn từ cơ sở đến nhân viên. Mà cụ thể là Quyết định 115/2007/QĐ-TTg về Quy chế Đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ và Luật Năng lượng nguyên tử có hiệu lực từ 1-1-2009.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí, chỉ ra những thiếu sót: Hoạt động của công ty là phục vụ công tác dò tìm khai thác dầu khí cho khoảng 50 nhà thầu. Mỗi năm khoảng 4 - 5 lần nhập xuất chất phóng xạ nhóm B (có tỷ số hoạt động cao thứ 2 trong số 4 nhóm chất phóng xạ) và thường xuyên di chuyển nên vấn đề đảm bảo ATBX là cần thiết.
Mặc dù nhân viên đã được chuyên gia nước ngoài hướng dẫn công tác vận chuyển và sử dụng nhưng vẫn chưa có nhiều buổi tập huấn về động tác, hướng xử lý cụ thể khi có sự cố, vẫn chưa nắm vững nguyên lý chung để ứng phó khi gặp sự cố… Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên mở rộng các lớp tập huấn cho các đơn vị.
Theo đánh giá của Sở KH-CN TPHCM, các cơ sở sử dụng và bảo quản nguồn phóng xạ chưa đúng yêu cầu. Tại nhiều bệnh viện, suất liệu sử dụng tại phòng khám, chữa trị cao gấp 24 lần suất liệu cho phép, phòng chờ và cửa ra vào còn “khủng” hơn, vượt 40 lần so với suất liệu được phép.
Đó là chưa kể trong quá trình thao tác, nhiều phòng chụp X-quang, CT hoạt động song song cùng lúc 2 máy, thiếu che chắn cho người điều trị, thiết bị cũ kỹ… Đó là thực trạng tại TPHCM, nơi có nhiều bệnh viện, cơ sở lớn, trang thiết bị hiện đại, huống hồ những địa phương vùng sâu, vùng xa, việc bảo đảm ATBX càng khó khăn hơn.
Để giải quyết vấn đề này, ông Khuất Duy Vĩnh Long, Sở KH-CN, đề xuất: Cần tăng cường tập huấn về an toàn và an ninh nguồn phóng xạ cho người phụ trách ATBX cơ sở; tăng cường kiểm tra thiết bị và hoạt động kiểm định nhà nước; xây dựng kho lưu giữ nguồn phóng xạ không sử dụng và cần phải có lộ trình loại bỏ thiết bị bức xạ thế hệ cũ để nâng cao hiệu quả sử dụng và ATBX.
(Theo Sài gòn giải phóng )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com