Sân chơi, sân thể thao, vỉa hè... làm từ gạch cao su, thảm cao su giúp người sử dụng an toàn hơn khi té ngã
Hằng năm, cả thế giới thải ra khoảng 5,5 triệu tấn lốp xe. Đây là một lượng rác khó phân hủy khá lớn, cần phải được xử lý. Nhiều nước đã áp dụng các giải pháp tái chế nhưng ở Việt Nam vấn đề này vẫn chưa được chú trọng. Từ thực tế đó, TS Mai Ngọc Tâm (Trung tâm Vật liệu xây dựng miền Nam – Viện Vật liệu xây dựng) đã nghiên cứu sử dụng cao su phế thải để sản xuất các loại vật liệu làm dải phân cách đường giao thông và vật liệu xây dựng.
Một đoạn dải phân cách đường bằng cao su được lắp đặt thử nghiệm tại đường
Nguyễn Văn Trỗi, quận 3 - TPHCM
Tận dụng nguồn rác cao suĐể chế tạo dải phân cách bằng cao su, tác giả đã sử dụng 2 nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam là cao su phế thải (đã được xay nhỏ) và cao su thiên nhiên với tỉ lệ (50/50) cùng các phụ gia hóa chất cần thiết khác để cán luyện thành nguyên liệu cao su bán lưu hóa. Từ nguyên liệu này có thể ép lưu hóa thành các dải phân cách đường. Giải pháp này có ưu điểm là sử dụng nguyên liệu sẵn có được thực hiện trên hệ thống máy móc hiện có của các xưởng cán cao su nguyên liệu.
Sản phẩm gạch cao su hoặc thảm cao su được chế tạo theo công nghệ đơn giản hơn là trộn bột cao su phế thải với các chất kết dính là keo PU cùng các loại phụ gia và màu. Sau đó, hỗn hợp nguyên liệu được đổ khuôn thành gạch hoặc cán mỏng để thi công trực tiếp trên nền bê tông thành các lớp phủ cao su (thảm cao su). Vật liệu này có màu sắc đẹp, mềm dẻo, chống trơn trượt rất tốt. Thảm cao su dạng này hiện nay đang được thi công thành các sân thể thao chất lượng cao tại nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam. Đến nay, tác giả đã tạo ra thực tế được 100 m dải phân cách đường từ cao su phế thải và đã lắp đặt thử nghiệm 50 m. Do là cao su, có tính đàn hồi nên dải phân cách sẽ giảm khả năng gây chấn thương cho người đi đường khi có va chạm so với các dải phân cách làm bằng bê tông, xi măng, kim loại... đang được sử dụng hiện nay. Riêng gạch cao su thì đã chế tạo được 50 m2 và cho lót thử nghiệm làm sân chơi cho học sinh tiểu học. Ngoài ra, gạch cao su còn có thể ứng dụng để lót sân chơi thể thao, làm đường chạy marathon, sân chơi công cộng, thảm lót vỉa hè... nhằm giúp người sử dụng được an toàn hơn khi có va chạm, té ngã.
TS Mai Ngọc Tâm và sản phẩm dải phân cách từ cao su phế thải. Ảnh: N.T
Rẻ hơn so với vật liệu truyền thống
Sản phẩm dải phân cách đường bằng cao su đã được đem lắp đặt thử tại một đoạn trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận 3 – TPHCM). Ngoài ra, sản phẩm gạch cao su đã được sử dụng thử nghiệm tại Trường Tiểu học Huỳnh Khương Ninh (quận 1-TPHCM). Kết quả cho thấy các sản phẩm nói trên có hiệu quả ứng dụng rất tốt.
Theo TS Tâm, ước tính chi phí chế tạo trong quá trình nghiên cứu là 622.000 đồng/m dải phân cách đường, 149.000 đồng/m2 gạch cao su. Nếu đưa vào sản xuất đại trà, chi phí này sẽ giảm xuống còn khoảng 70%. Mức giá của dải phân cách cao su này rẻ hơn so với dải phân cách làm từ bê tông (khoảng 650.000 đồng/m) và dải phân cách bằng kim loại (khoảng từ 800.000 đồng-1,7 triệu đồng/m).
TS Tâm cho biết sắp tới sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ để đưa vào sản xuất đại trà một cách sớm nhất nhằm cho ra sản phẩm phục vụ đời sống của người dân.
(Theo Thanh Lê // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com