Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ sở dữ liệu và con đường cho chính phủ điện tử

Ở nhiều cơ quan Nhà nước, dữ liệu chủ yếu được lưu giữ theo cách truyền thống (văn bản) nên rất khó tiếp cận và lưu trữ lâu dài. Thời gian tới, cần phải chuyển đổi việc lưu trữ sang dạng số (digital). Ảnh: Tư Liệu.

Sự thất bại của Đề án 112 đã thúc đẩy những nhà quản lý tìm ra con đường khác để hướng tới một nền chính phủ điện tử dựa trên dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia vừa mới được khởi động.

Cơ sở dữ liệu ngày nay được biết đến như là một thư viện, một nguồn thông tin đáng tin cậy mà trong đó cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn thông tin có độ tin cậy và tính pháp lý cao. Mọi thông tin đều có thể được truy cập, tiếp cận từ hệ thống các cơ sở dữ liệu khác nhau và có tính mở, nhờ đó các thông tin, dữ liệu đều được chia sẻ và trở thành tài sản chung của cộng đồng.

Trong mỗi ngành hiện nay đã có một kho tàng dữ liệu phong phú được tích lũy từ nhiều thế kỷ và cũng đã có một đội ngũ chuyên gia để xây dựng, khai thác kho tàng này. Vì vậy, để tiến tới chính phủ điện tử, các ngành cơ bản như tài nguyên-môi trường, dân cư, tài chính và thương mại đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu với việc xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin gồm những đặc trưng cơ bản nhất để làm nền tảng và sẽ được mở rộng cùng với sự phát triển của các ngành cũng như nhu cầu của người dân và chính phủ.

Ông Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), đơn vị đang triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam chưa hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế đã và đang tồn tại nhiều cơ sở dữ liệu có liên quan như cơ sở dữ liệu dân số, bảo hiểm y tế, hộ tịch, lao động, giấy phép lái xe, thẻ chứng minh nhân dân do nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý”.

Theo ông Vệ, việc lưu giữ thông tin dữ liệu tại nhiều bộ ngành khác nhau hầu như đang ở dạng thô sơ trên giấy tờ hành chính, chưa áp dụng CNTT và nhiều dữ liệu có sự chồng chéo bất hợp lý. “Vì vậy, mục tiêu của dự án là làm sao có thể thu thập, thống nhất được các nguồn dữ liệu thành một cơ sở dữ liệu chuẩn phục vụ cho việc xây dựng chính phủ điện tử”, ông Vệ nói.

Đặt những viên gạch đầu tiên

Ngay từ tháng 3-2008, Chính phủ đã ra quyết định ứng dụng CNTT trong hoạt động quốc gia, trong đó có dự án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an triển khai. Mục tiêu của dự án này là xây dựng dữ liệu dân cư quốc gia thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức của chính phủ và người dân khi có nhu cầu. Một trong những tiện ích của hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư là cấp chứng minh thư điện tử cho người dân và tích hợp các thông tin liên quan đến mỗi công dân như y tế, hộ khẩu, các loại giấy phép như lái xe, hành nghề… Những thông tin này sẽ phục vụ cho mục đích quản lý nhà nước và từng bước phục vụ nhu cầu của người dân khi giao dịch trong môi trường chính phủ điện tử.

Hiện dự án đã đi đến giai đoạn khảo sát toàn diện các công tác đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc, khảo sát thực địa tại các địa phương, tham vấn các tổ chuyên gia tư vấn… Còn Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng đang trong quá trình thu thập các dữ liệu để đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường. Các dữ liệu tại bộ này chủ yếu được lưu giữ theo cách truyền thống (bằng văn bản) nên có một khối lượng lớn thông tin đang được lưu trữ, quản lý chủ yếu ở dạng tương tự (analog). Khối thông tin này thường khó tiếp cận và khó lưu trữ lâu dài, cần được chuyển đổi sang dạng số (digital).

Hiện, Bộ Tài nguyên-Môi trường đang tập trung vào việc thu thập, xử lý và hệ thống hóa các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu, trang bị máy móc, thiết bị và tăng cường năng lực để vận hành cơ sở dữ liệu này.

Ông Trần Kiêm Dũng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên-Môi trường), đơn vị đang thực hiện dự án cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, cho biết hầu hết các thông tin, dữ liệu phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng chiến lược và chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến nay vẫn chưa được thu thập, lưu giữ và tổ chức quản lý tương xứng với giá trị, tầm quan trọng của chúng.

Theo ông Dũng, dự án này sẽ thiết lập và phát triển hệ thống thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý tích hợp đồng bộ hóa dữ liệu, chia sẻ và phân phối thông tin trực tuyến qua hệ thống mạng thông tin trong ngành tài nguyên-môi trường. Điều này nhằm hướng tới việc cung cấp các dịch vụ công trên môi trường Internet, góp phần vào việc thực hiện chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Dự án này đã khởi động từ đầu năm nay và dự kiến kết thúc vào năm 2014.

Những điều bất cập

Một trong những điều bất cập lớn nhất trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường, dân cư, địa chính… là nhiều dữ liệu phân tán, trùng lắp, không được quản lý thống nhất và có tình trạng lãng phí trong việc mua bán số liệu.

Ông Dũng cho biết theo thống kê sơ bộ, các đơn vị trong Bộ Tài nguyên-Môi trường mỗi năm phải bỏ ra hơn 50 tỷ đồng để mua số liệu của nhau. Trong khi đó, tất cả nguồn vốn đều lấy từ một chỗ là ngân sách nhà nước.Ví dụ, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia bán số liệu cho Cục Quản lý tài nguyên nước. Trong khi đó, cơ quan này lại được hưởng nguồn vốn từ Vụ Tài chính thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường. “Đây là vấn đề bất cập trong quản lý số liệu vì thiếu chính sách chia sẻ dữ liệu”, ông Dũng nói.

Vấn đề thứ hai là việc trùng lắp số liệu thường xảy ra ở các đơn vị thực hiện các cuộc điều tra cơ bản.

Ông Dũng lấy ví dụ trong thực tế là việc quan trắc lưu lượng một con sông để cung cấp cho các đơn vị liên quan đến khí tượng và môi trường. Một đơn vị điều tra cơ bản đến lấy mẫu quan trắc mức độ ô nhiễm của một con sông nhưng không công bố. Sau đó một đơn vị khác là Cục Cảnh sát môi trường lại lấy mẫu quan trắc mức độ ô nhiễm phục vụ cho công tác điều tra. “Những cuộc điều tra như vậy đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng của Nhà nước khi các đơn vị tiến hành các cuộc điều tra, thu thập dữ liệu một cách riêng rẽ và không công bố, không chia sẻ thông tin và dữ liệu”, ông Dũng nói.

Tại Bộ Tài nguyên-Môi trường hiện nay đã có thông tư quy định rõ ràng các đơn vị chức năng chia sẻ dữ liệu gì và quản lý ra sao.

Điều bất cập tiếp theo là hiện các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đang sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển, do đó có tốc độ giải ngân nhanh chóng. Tuy nhiên, mặc dù đã có nghị định về việc sử dụng nguồn vốn đầu tư và phát triển cho dự án CNTT song lại chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng nguồn vốn.

Một trong những điều bất cập nữa là chi phí thuê tư vấn. Theo quy định dành cho công tác đầu tư cho CNTT thì chi phí thuê tư vấn là không lớn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng dự án, trong khi đối với một dự án đầu tư có quy mô lớn, phức tạp như xây dựng cơ sở dữ liệu thì kinh phí dành cho tư vấn phải lớn. “Hầu như các dự án không đủ kinh phí thuê tư vấn và quá trình thực hiện dự án chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của chủ đầu tư”, ông Dũng cho biết.Theo ông Dũng, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường không tìm đâu ra công ty tư vấn chỉ với khoản kinh phí 300 triệu đồng. Vì vậy, ông Dũng kiến nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường nên sửa đổi thông tư để có nguồn kinh phí cho việc này.

Ngoài vấn đề trùng lắp số liệu và bất cập về nguồn vốn thì vấn đề khó nhất hiện nay trong việc thực hiện các dự án là việc đồng bộ hóa dữ liệu với khối lượng vô cùng lớn. Ngành tài nguyên môi-trường đang sử dụng một hệ thống thông tin địa lý trên nền bản đồ số, do đó, số liệu có dung lượng lớn và mang tính không gian, những người thực hiện dự án phải giải quyết vấn đề đồng bộ hóa số liệu hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó dự án phải đáp ứng các yêu cầu như việc ứng dụng và phân phối dữ liệu phải theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo đảm cho dữ liệu không những được cung cấp trực tiếp mà còn tích hợp hệ thống nền địa lý của dữ liệu để có thể cung cấp ngược trở lại cho ngành. Theo thống kê, hiện có khoảng 60% dữ liệu về tài nguyên-môi trường là dữ liệu số, tuy nhiên chưa được chuyển đổi và chưa được chuẩn hóa để phục vụ cho việc tích hợp.

(Theo Thu Hiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Việt Nam đặt mục tiêu vào top 10 nước gia công phần mềm
  • Hà Nội khai trương cơ sở sản xuất RAT VietGap Giải bài toán rau sạch
  • Chuyên ngành Ngoại khoa Hà Nội: Ứng dụng kỹ thuật: Thước đo trình độ
  • Việt Nam giành giải nhì cuộc thi Robocon quốc tế
  • Nghiên cứu điều trị bệnh xuất huyết não
  • Việt Nam sản xuất được cồn tuyệt đối độ sạch cao
  • Thử nghiệm tạo trầm trên cây dó bầu
  • Việt Nam quan tâm đến vấn đề an toàn sinh học
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị