Nâng cao trình độ nghiên cứu của các nhà khoa học, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ cũng như trình độ công nghệ trong doanh nghiệp... chính là bài thuốc trước mắt để trị căn bệnh của ngành khoa học công nghệ hiện nay.
Ngày 26/12, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo "Khoa học và Công nghệ với sự phát triển kinh tế - xã hội", có sự góp mặt của gần 500 đại biểu đại diện các Bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp, Sở KH&CN, các nhà khoa học...
Hội nghị nhằm đánh giá lại một cách khách quan về vị trí, vai trò và đóng góp của các cá nhân, tổ chức KH&CN trong các ngành, lĩnh vực đối với phát triển kinh tế xã hội thời gian qua; đồng thời nhận diện những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan nghiên cứu, triển khai và doanh nghiệp để đưa ra giải pháp khắc phục những tồn tại, tạo điều kiện tốt nhất để KH&CN tiếp tục đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế xã hội.
500 đại biểu đại diện các Bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp, Sở KH&CN, các nhà khoa học... tham dự hội thảo. Ảnh:Tiến Dũng. |
Trong báo cáo tổng quan, Thứ trưởng KH&CN Lê Đình Tiến cho biết, thời gian qua, hoạt động KH&CN đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Điển hình, lĩnh vực khoa học tự nhiên đã nghiên cứu được nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao như xử lý và nhận dạng chữ Việt, sản xuất bộ chẩn đoán bệnh do virus; lĩnh vực công nghiệp đã sản xuất loạt tàu 53.000 tấn, đang đóng tàu chở dầu thô 100.000 tấn; lĩnh vực thông tin truyền thông đã tiếp nhận, vận hành và khai thác hiệu quả vệ tinh Vinasat 1...
Từ một nước thiếu lương thực triền miên, nhờ tiến bộ của ngành nông nghiệp nên 10 năm trở lại đây chúng ta đã đảm bảo được an ninh lương thực và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, thứ tư về xuất khẩu cao su... Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2009 dự kiến ước đạt hơn 15 tỷ USD.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Lê Đình Tiến, tiềm lực KH&CN cũng được tăng cường, đáng kể nhất là số lượng và trình độ đội ngũ nhà khoa học được nâng lên, đạt mức tiên tiến ở khu vực. Cùng với việc xây dựng văn bản pháp luật, Bộ còn đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN theo hướng tự chủ tự chịu trách nhiệm, phát triển thị trường công nghệ, ứng dụng kết quả vào đời sống.
"Việt Nam đã có quan hệ hợp tác KH&CN với gần 70 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, đang thực hiện hơn 80 hiệp định hợp tác KH&CN cấp Chính phủ và Bộ. Từ năm 2000 đến nay đã có hơn 540 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế về KH&CN được thực hiện, hơn 400 nhiệm vụ Nghị định thư đã và đang được thực hiện từ năm 2005", ông Tiến cho biết thêm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH&CN cũng phải thừa nhận, chất lượng đội ngũ cán bộ còn thấp, thiếu chuyên gia giỏi đầu đàn trong nhiều lĩnh vực, đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế; chưa có một viện, trường, trung tâm nghiên cứu nào đạt đẳng cấp quốc tế hoặc khu vực; hầu hết phòng thí nghiệm còn nghèo nàn trang thiết bị, không đáp ứng các yêu cầu nâng cao chất lượng...
"Đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN ở nước ta còn rất thấp, chỉ đạt 5 USD (năm 2007) trong khi Trung Quốc là khoảng 20 USD (năm 2004) và Hàn Quốc khoảng 1.000 USD (năm 2007). Khoản đầu tư này chủ yếu là từ nguồn ngân sách của Nhà nước, trong khi từ khu vực doanh nghiệp còn rất hạn chế", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh thực trạng.
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: "Các nhà quản lý KH&CN hiện nay giống như các bác sĩ". Ảnh:Tiến Dũng. |
Chiều 26/12, chia sẻ ý kiến, trăn trở của các nhà khoa học, Bộ trưởng KH&CN Hoàng Văn Phong cho rằng để thúc đẩy khoa học trong nước, trước mắt cần phải nâng cao trình độ nghiên cứu của các nhà khoa học, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ cũng như trình độ công nghệ trong doanh nghiệp.
"Đây là việc nhiều năm nay ta vẫn kêu gọi nhằm gắn kết giữa nghiên cứu và doanh nghiệp. Khi mà doanh nghiệp không đủ sự quan tâm, không đủ tầm để đón nhận công nghệ cũng như đặt đầu bài cho các tổ chức khoa học cùng với mình giải quyết vấn đề thì đây chính là cái vam để đóng kênh chúng ta mong muốn và cũng chính là những cái ách tắc mà trong nhiều định hướng phát triển chúng ta chưa đủ tỉnh táo để nhận biết", người đứng đầu ngành khoa học công nghệ chia sẻ.
Coi cơ chế, chính sách là rào cản của tiến trình phát triển khoa học công nghệ, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong ví von đây cũng là một cơ thể sống và cũng có bệnh. Và các nhà quản lý KH&CN hiện nay giống như các bác sĩ. Muốn chữa cho bệnh nhân thì phải khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc rồi xem có khỏi bệnh không.
"Hội thảo hôm nay đã giúp một phần cho hội đồng hội chẩn trong đó chúng tôi là những thành viên. Mọi người được mời đến phát biểu để đề xuất những cái xấu, cái cản trở cũng như nêu ra những hướng tốt để nên tăng cường phát huy.
Theo Bộ trưởng Phòng, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào vấn đề xây dựng, lựa chọn chiến lược khoa học công nghệ khôn ngoan để tạo ra những đột phát. Đồng thời, xác định rõ xương sống của cơ chế chính sách tài chính cho khoa học công nghệ bởi đổi mới cơ cấu tài chính là "cuộc chiến" chưa biết bao giờ kết thúc.
Theo điều tra mới nhất của Bộ KH&CN, cả nước hiện có gần 1.200 tổ chức KH&CN được Bộ quản lý. Số người thuộc các viện nghiên cứu được hưởng chế độ chi thường xuyên là 15.000 người, với tổng chi là 600 tỷ đồng. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện có 56.000 cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng nhưng chỉ có khoảng 1.100 giảng viên (3%) tham gia nghiên cứu khoa học và rất ít giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu.) |
(Theo Vnexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com