Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gian nan ngành thiết kế vi mạch

Các kỹ thuật viên đang làm việc tại Phòng thí nghiệm công nghệ Nano, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Kinh Luân.

Cách đây từ 20 đến 30 năm, một số nền kinh tế châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc đã thúc đẩy đầu tư vào ngành vi mạch điện tử, và ngày nay các nền kinh tế này đang thụ hưởng những thành quả của mình. Trong khi đó, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, dù đã được khuyến khích từ những năm 1970, đến nay cũng mới chỉ dò dẫm ở khâu thiết kế, và việc chế tạo chỉ mới được thực hiện trong phòng thí nghiệm của… các quốc gia khác.

Giáo sư Đặng Lương Mô, cố vấn công nghệ của Đại học Quốc gia TP.HCM, kể rằng ngay từ sau khi đất nước thống nhất, chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. Hai người bạn của ông là tiến sĩ Lương Bạch Vân và tiến sĩ Nguyễn Bình, vốn là Việt kiều Pháp, đã về nước sau năm 1975 để tham gia xây dựng một quy trình khép kín về sản xuất linh kiện bán dẫn, nhưng công việc này đã không thành công.

Đi sau hai thế hệ

Hai mươi năm trước, từ Nhật Bản trở về Việt Nam, giáo sư Đặng Lương Mô đã nhận thấy cả chính quyền và giới khoa học đều quan tâm đến việc làm sao để ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới. Giáo sư Mô, bằng các mối quan hệ của mình, đã bắt tay cùng Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng một nền tảng cho ngành công nghiệp này, bao gồm việc thành lập phòng thí nghiệm thiết kế và mô phỏng vi mạch ở Đại học Bách khoa TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) và xây dựng chương trình sau đại học chuyên về vi điện tử. Cả ba phần việc này được ông xem là một quy trình khép kín cho việc nghiên cứu và đào tạo về thiết kế vi mạch.

Sự ra đời của ICDREC, với sản phẩm đầu tay là một con chip cấp thấp 8 bit, có tên là SigmaK3, đánh dấu một bước khởi đầu. Thêm các chip khác được phát triển, sản xuất thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt, nhằm mục tiêu phục vụ việc sản xuất các thiết bị điện dân dụng, y tế, giao thông, tiết kiệm năng lượng…

Ngành thiết kế chip ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn chỉ mới chú trọng đến việc trình diễn, và phần lớn những kết quả nghiên cứu vẫn nằm trong một số đề án công trình, chưa đi vào ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù vẫn còn những mối băn khoăn chưa biết nên bắt đầu từ công nghệ tạo ra wafer hay nên đi từ công nghệ tạo ra chip, thì một số công trình nghiên cứu đã có địa chỉ ứng dụng như các chip về tiết kiệm năng lượng, kiểm soát giao thông.

Nhìn lại một chặng đường hơn 20 năm gắn bó với ngành thiết kế vi mạch của Việt Nam, giáo sư Mô nói rằng ngành này vẫn còn đi sau thế giới hai thế hệ. Với xu thế thiết kế chip ngày càng nhỏ, hiện nay công nghệ tiên tiến nhất là khoảng 65 nanomet, còn ở Việt Nam hiện còn nằm ở 130 nanomet. Chỉ riêng việc sản xuất ra con chip 90 nanomet, ông đánh giá phải mất 3-5 năm nữa thì mới có thể.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá rằng một trong những tín hiệu lạc quan của ngành này là nghiên cứu thiết kế vi mạch được xếp vào một trong những ưu tiên của chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước. Trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học - Công nghệ, cho biết trong cả hai chương trình sắp tới của chính phủ là sản phẩm quốc gia và phát triển công nghệ cao thì ngành thiết kế vi mạch được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên.

Theo ông Lộc, để ngành này có cơ hội phát triển, ngoài việc tập hợp đội ngũ chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực thì còn phải xây dựng các phòng thí nghiệm, các cơ sở thiết kế đúng tiêu chuẩn và xác lập một thị trường riêng cho ngành thiết kế. Đà tăng trưởng của nền kinh tế và nhu cầu của thị trường trong nước hiện nay đã đủ để ngành công nghiệp này từ chỗ mới ở bước thiết kế chuyển sang bước chế tạo vi mạch. Tuy nhiên, theo ông Lộc, việc chế tạo vẫn chưa thể ở một tầm mức quá cao, vấn đề đặt ra là cấp quản lý sẽ phải chọn ra một con đường là chế tạo những vi mạch ở một phân khúc thị trường đủ lớn, với một công nghệ vừa phải, phù hợp với điều kiện trong nước.

Lỗ hổng nhân lực

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, kể rằng từ những năm 1996-1997, một số dự án nhỏ về thiết kế vi mạch đã được thực hiện ở một số trường đại học, nhưng dấu ấn của ngành chỉ trở nên rõ nét từ khi tập đoàn Intel đầu tư vào Việt Nam, khi đó tiềm năng của ngành mới được đánh thức. Cũng khi đó, những lỗ hỗng về trình độ công nghệ và nguồn nhân lực mới được nhận diện.

Giáo sư Mô cho rằng việc những tập đoàn khổng lồ về công nghệ như Intel đầu tư vào Việt Nam là một tín hiệu vui, tuy nhiên ông nói rằng mình không khỏi chạnh lòng khi những gì mà họ thể hiện ở Việt Nam chỉ là những khâu đơn giản, trình độ thấp. Theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là việc nguồn nhân lực trong nước chưa thể đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Do đó, cần có sự quan tâm và sự đầu tư đúng mức của nhà nước, kết hợp với chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia.

Tiến sĩ Phạm Bá Tuân, Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ EM Microelectronic, Thụy Sĩ, nói rằng hơn mười năm qua, các tập đoàn quốc tế quan tâm đầu tư vào Việt Nam vẫn chỉ vì lợi thế giá nhân công rẻ và chi phí đầu tư thấp, họ vẫn chưa thể hiện trình độ công nghệ như vốn có của họ. Để đưa đến quyết định đầu tư về công nghệ cao, họ cần phải tính toán chi phí, cần lực lượng lao động có tay nghề cao và có trình độ ngoại ngữ, mà cả hai điều này thị trường nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng tốt. “Tuyển sinh viên mới ra trường vào làm việc thì chỉ có các tập đoàn lớn mới có thể kham được chi phí cho khâu đào tạo, còn các công ty trung bình thường tuyển dụng người đã có sẵn kinh nghiệm, mà những người này ở Việt Nam thì không nhiều”, ông Tuân nói.

Tiến sĩ Đặng Mậu Chiến, Giám đốc Phòng Thí nghiệm công nghệ Nano, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc nghiên cứu và chế tạo nanochip về RFID ở Việt Nam hiện cũng đã có cơ sở. Tuy nhiên, ông Chiến nói rằng vẫn còn quá nhiều khó khăn để các thành quả nghiên cứu được đưa ra thị trường. Phòng thí nghiệm đã hợp tác với Pháp từ năm 2004, và chủ đề nghiên cứu của năm nay là chuyên sâu về RFID. Hiện phòng thí nghiệm đã chuyển giao công nghệ sản xuất bóng đèn LED và pin mặt trời cho doanh nghiệp, đang hoàn tất thủ tục chuyển giao công nghệ chế tạo gạch men thông minh.

Ông Chiến cho rằng, dù chức năng chính là nghiên cứu và đào tạo, tuy nhiên, việc nghiên cứu vẫn hướng đến việc phục vụ các doanh nghiệp đưa vào ứng dụng với chi phí thấp, giá thành giảm. “Chúng tôi thực hiện một chu trình khép kín, từ việc nghiên cứu, chuyển giao đến ứng dụng. Tuy nhiên, vì chỉ là một phòng nghiên cứu nên chúng tôi mới chỉ dừng lại ở mô hình chuẩn, còn giới doanh nghiệp mới có thể sản xuất hàng loạt”, ông Chiến nói.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Hết ngại bê tông mái dốc
  • Để có 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin năm 2020
  • Gỗ sinh thái làm từ trấu
  • Dấu ấn trong đời sống
  • Giúp báo tin người thân gặp nạn
  • Nông dân lập phòng cấy mô
  • Dẫn thuốc đến tế bào ung thư
  • Gắn kết doanh nghiệp và nhà khoa học
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị