Từ việc ứng dụng công nghệ khí hóa trấu cho lò nung gạch gốm liên tục 4 buồng, các lò gạch sẽ bớt gây ô nhiễm môi trường
Vào ngày 3-6 tới, tại Rwanda, dự án “Xây dựng mô hình lò nung gạch gốm liên tục bốn buồng sử dụng công nghệ khí hóa trấu” của Việt Nam sẽ vinh dự được trao giải thưởng Năng lượng toàn cầu 2009. Đây là dự án do một tổ chức khoa học Việt Nam – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) thực hiện từ đầu năm 2009 tại lò nung gạch gốm của Công ty TNHH Gốm Tân Mai, tỉnh Đồng Tháp.
Nhiều lò gạch tại Đồng Tháp, Vĩnh Long đã ứng dụng mô hình lò nung gạch 4 buồng
Nhiên liệu giảm
Hệ thống lò liên hoàn này có thể chia thành hai phần là lò đốt trấu bán liên tục hoặc kết nối với lò có sử dụng hệ thống khí hóa từ trấu hoặc củi, mạt cưa.
Theo ông Lê Hoàng Việt, Giám đốc Enerteam, thông thường các lò gạch thủ công sử dụng nguyên liệu là trấu, củi, mạt cưa để đốt, do đó thải trực tiếp khói, bụi ra môi trường. Với lò đốt bán liên tục, lượng khí thải ra môi trường giảm thiểu, đạt được tiêu chuẩn VN về khí thải môi trường. Ngoài ra, còn giảm đến 35% lượng trấu sử dụng so với lò gạch thủ công. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn, tỉ lệ phế phẩm dưới 2%.
Ông Mã Khai Hiền, quản lý kỹ thuật Enerteam, cho biết lò gạch đốt bán liên tục được thiết kế thành 4 buồng (nung, gia nhiệt, sấy và làm nguội), hoạt động theo cơ chế tuần hoàn, hoán đổi vị trí liên tục. Hệ thống này cho phép tái sử dụng khói thải nóng từ buồng nung chín dẫn qua buồng gia nhiệt và cho cả buồng sấy. Gạch được chất vào các buồng, các buồng trên sẽ lần lượt thay đổi chức năng cho nhau, do đó quá trình đốt sẽ được duy trì liên tục và gạch cũng được làm nguội cho ra sản phẩm liên tục không bị gián đoạn. Tại buồng làm nguội, gạch thành phẩm sẽ được lấy ra, sau đó cho gạch sống vào buồng làm nguội và buồng này trở thành buồng nung.
Tùy vào quy mô thiết kế, mỗi buồng có sức chứa từ 1.800 viên - 3.000 viên gạch. Mỗi chu kỳ đốt lò cho ra sản phẩm là 12 giờ.
Chất lượng tăng
Lò đốt bán liên tục có thể kết hợp với hệ thống khí hóa trở thành hệ thống hoạt động hoàn chỉnh, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường triệt để. Khi đó, trấu sẽ được đốt trong môi trường hiếm khí (thiếu khí ôxy) của lò phản ứng khí hóa để sinh khí CO. Tại đây, có hệ thống tách lọc bụi, nhựa được lắng xuống bể và được giải nhiệt bằng nước. Nước giải nhiệt sẽ được tuần hoàn để tiếp tục giải nhiệt. Khí CO tạo ra khí “nghèo” với năng lượng thấp cung cấp cho buồng nung để tạo nhiệt nung gạch.
Sử dụng hệ thống khí hóa sẽ tạo nên sức cháy cao, nhiệt độ đồng đều và có cả hệ thống điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho từng loại sản phẩm. Do đó, sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho các sản phẩm cao cấp như gạch tàu, gạch ngói, gốm đỏ hoặc sản phẩm có phủ men.
Mô hình lò gạch nói trên nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành sản xuất sản phẩm đất sét nung, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh khối thay thế nhiên liệu hóa thạch, làm giảm hiệu ứng nhà kính. Đây cũng là giải pháp công nghệ nhằm tuân thủ quyết định của Bộ Xây dựng về việc thay thế các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
(Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com