Hội đồng nghiệm thu đang cho chiếc máy bóc tách vỏ chôm chôm vận hành
Thay thế 30-40 lao động
Trong một lần đi công tác ở vùng ĐBSCL, thạc sĩ Quang nhận được lời đặt hàng chế tạo một chiếc máy bóc vỏ trái chôm chôm từ những nông dân làm vườn, do trái chôm chôm đang ngày càng được ưa chuộng nên các nhà vườn có nhiều đơn hàng để đóng hộp. Lượng chôm chôm bóc vỏ cần đáp ứng với số lượng lớn và tốc độ nhanh nhưng khó khăn nhất đối với họ là chỉ bóc tách bằng tay, năng suất thấp, mỗi lao động chỉ bóc được khoảng vài chục ký/giờ, không đáp ứng kịp nhu cầu đóng hộp.
Ban đầu, thạc sĩ Quang cũng hơi e ngại vì chưa biết phải làm thế nào. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh hàng trăm người phải cặm cụi ngồi bóc chôm chôm suốt ngày, anh lại thấy áy náy. Vì vậy, ngay sau khi về lại TPHCM, thạc sĩ Quang lao vào nghiên cứu. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng chiếc máy ra đời và đó cũng là chiếc máy bóc vỏ chôm chôm đầu tiên được chế tạo ở nước ta.
Để sử dụng, chỉ cần đổ chôm chôm nguyên liệu vào bộ phận cấp liệu, từng trái chôm chôm sẽ theo băng chuyền và máng dẫn đưa tới bộ phận cắt và tách vỏ. Ở đầu ra, phần thịt và vỏ được tách riêng và đưa ra ngoài. Điều đặc biệt là lưỡi dao chỉ cắt đúng tới phần vỏ, không hề phạm vào phần thịt nên khi ra khỏi máy, phần thịt trái chôm chôm không bị dập nát. Mỗi giờ, chiếc máy này có thể bóc tách được 2 tấn chôm chôm nguyên vỏ. Với năng suất này, một máy có thể thay thế từ 30-40 lao động thủ công. Ngoài ra, khâu vệ sinh cũng được bảo đảm hơn so với cách bóc tách thủ công.
Sẽ tách hạt khỏi phần thịt
Tại buổi nghiệm thu đề tài, sau khi nghe tác giả báo cáo và cho máy vận hành sản xuất bóc tách mẻ chôm chôm đầu tiên, các thành viên hội đồng nghiệm thu rất tâm đắc và đánh giá cao kết quả này. Một thành viên trong hội đồng còn nhấn mạnh rằng việc chế tạo thành công thiết bị này sẽ tạo nên bước đột phá trong ngành chế biến thực phẩm.
Không chỉ dừng lại ở chức năng bóc tách vỏ, hiện nay thạc sĩ Quang và các cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu thêm chức năng tách phần thịt chôm chôm ra khỏi hạt. Việc tách thịt ra khỏi hạt không phải dễ bởi trái chôm chôm có đặc tính là thịt dính với hạt rất chặt. “Chúng tôi đã nghiên cứu được cách lấy hạt ra mà chỉ làm thủng 2 lỗ rất nhỏ ở hai đầu của phần thịt chứ không làm rách hay biến dạng phần thịt của trái chôm chôm. Tuy nhiên, các đơn vị sử dụng còn yêu cầu cao hơn thế, họ đang đặt hàng cho chúng tôi làm thế nào để lấy được hạt ra mà chỉ chọc thủng một đầu của phần thịt để có thể cho thêm các vật liệu khác vào trong. Và đây chính là hướng nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi trong tương lai”- thạc sĩ Quang cho biết thêm.
40 - 200 triệu đồng/máy Theo thạc sĩ Nguyễn Lê Quang, để chế tạo được một chiếc máy như thế, nếu chỉ tính nguyên vật liệu thì cần khoảng 40 triệu đồng, làm bằng thép thường. Nếu làm bằng thép không gỉ thì khoảng 200 triệu đồng/máy. Hiện nhóm nghiên cứu đã làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cho máy bóc tách vỏ trái chôm chôm và tiến hành các thủ tục để chuyển giao cho tỉnh An Giang đưa vào sản xuất. |