Những năm qua, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng khô hạn thường xảy ra, dịch bệnh phát sinh... tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, sản lượng lương thực hằng năm đều tăng, góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đưa xuất khẩu lương thực đứng thứ hai trên thế giới. Có được những thành tích trên, một phần là nhờ sự đóng góp của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) với việc nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa thích ứng cho từng vùng, chống chịu sâu bệnh, hạn hán...
Giống lúa thích hợp cho từng vùng
Liên tục trong các năm qua, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện lúa ÐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với sản xuất lúa. Nổi bật nhất là Viện lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công nhận 33 giống lúa cho phép phổ biến vào sản xuất tại các tỉnh phía nam: 12 giống lúa chính thức: OM 4498, OM 5930, OM 4900...; 21 giống lúa sản xuất thử: OM 2088, OM 5239, OM 4668... Ðối với từng tỉnh với những kiểu sinh thái khác nhau, Viện có những giống lúa phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao: xác định được bốn giống lúa OM 6377, OM 4101, OM 5472, OM 5490, là những giống lúa rất có triển vọng phát triển tốt ở tỉnh Ðồng Tháp về năng suất, tính chống chịu rầy nâu và bệnh vàng lùn, lợi nhuận thu được từ 18- 22 triệu/ha. Nghiên cứu và xác định được giống lúa thích hợp cho vùng phèn, mặn của tỉnh Trà Vinh, đưa năng suất lúa vùng này từ 2 tấn/ha lên 5 tấn/ha. Ðóng góp nhiều bộ giống lúa mới thông qua công nghệ di truyền, đưa năng suất lúa của tỉnh Hậu Giang tăng từ 0,2 tấn/ha - 0,5 tấn/ha trên diện tích 15.448 ha. Ðã chọn được một giống lúa tẻ và một giống lúa nếp chống chịu rầy nâu, có phẩm chất gạo ngon, đạt năng suất 7 tấn/ha (lúa tẻ), 6 tấn/ha (lúa nếp), thời gian sinh trưởng 90-100 ngày phù hợp vùng đầu nguồn lũ, giúp tỉnh tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu lúa gạo.
Hằng năm Viện đã đưa ra hàng chục giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90-100 ngày. Với những giống lúa này giúp nông dân có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né tránh lũ, tăng năng suất và sản lượng. Viện đã chọn tạo được 25 dòng lúa triển vọng chịu được khô hạn; năm giống lúa chính thức trồng xuất khẩu cho vùng ÐBSCL: OM 4498, OM 5930, OM 4900, OM 6073 và OM 6161, cho năng suất từ 7-9 tấn/ha. Ngoài ra, Viện đã tạo ra và sắp đưa vào sản xuất đại trà những giống lúa theo bốn chỉ tiêu: giống lúa có thể chịu được ngập mặn, nắng nóng, khô hạn, ngập úng.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương, tổng số 6,88 triệu ha gieo trồng lúa cả nước thì diện tích sử dụng giống lúa do Viện chọn tạo đã đạt hơn 2,4 triệu ha, chiếm 34,87%. Trong 10 giống lúa được trồng phổ biến cả nước, Viện đã đóng góp năm giống. Ðặc biệt tại ÐBSCL, trong 10 giống được trồng phổ biến nhất đã có chín giống do Viện chọn tạo. Không chỉ thế, các giống lúa do Viện chọn tạo được trồng phổ biến ở các vùng duyên hải miền trung và Tây Nguyên với tổng diện tích gần 100 nghìn ha, chiếm 37,68%, ở vùng Ðông Nam Bộ trên diện tích 221 nghìn ha, chiếm 45,38%.
Ngoài ra, những giống lúa đặc sản của vùng như: nàng thơm Chợ Ðào, Nanh Chồn và Nàng Nhen cũng được Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gien lúa địa phương, góp phần tạo nên thương hiệu và giữ vững thương hiệu gạo đặc sản. Trong hơn 30 năm qua, kết quả nghiên cứu của Viện lúa đã góp phần đưa sản lượng lúa ÐBSCL từ 4,2 triệu tấn năm 1976 lên hơn 20 triệu tấn. Ðây là con số cho thấy những đóng góp to lớn của Viện đối với vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp và an ninh lương thực cả nước.
Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Cùng với công tác nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, Viện đã tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và quy trình công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trong vùng, trong đó đáng chú ý nhất là chuyển giao các giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu với sâu bệnh, phẩm chất tốt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Viện cũng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất lúa an toàn để tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho người trồng lúa ở ÐBSCL, đã giảm chi phí sản xuất 395.000 đồng/ha, tương đương 5% chi phí; lợi nhuận tăng 1.304.000 đồng/ha, tương đương 17%. Viện còn xây dựng được 13 quy trình và giải pháp kỹ thuật đưa vào áp dụng cho sản xuất tại các tỉnh ÐBSCL như giải pháp 'mạ mùng' kết hợp né rầy trong sản xuất giống các cấp; giải pháp gieo sạ đồng loạt và né rầy nâu trên diện rộng để phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá ở ÐBSCL đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Thực tế trong thời gian qua, giải pháp gieo sạ đồng loạt đã giúp hạn chế dịch bệnh rầy nâu. Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ÐBSCL: lúc đó các nhà khoa học trên thế giới đều thắc mắc tại sao Việt Nam có thể khống chế được dịch bệnh rầy nâu đang hoành hành trên nhiều nước.
Ðể đem lại hiệu quả cao nhất cho các vụ lúa, Viện chú trọng nghiên cứu các kỹ thuật canh tác phù hợp nhất là những giải pháp canh tác tiết kiệm nước tưới. Cơ cấu hai vụ lúa/năm: áp dụng quản lý nước ngập khô luân phiên, tiết kiệm được nước trong vụ hè thu là 543 m3/ha, tương đương 32%, trong vụ đông xuân là 26,7% so với ruộng ngập thường xuyên. Với cơ cấu ba vụ lúa/năm, trong vụ xuân hè tiết kiệm nước tưới là 545 m3/ha, tương đương 36,6%, trong vụ hè thu là 32%, trong vụ đông xuân là 26,7% so với ruộng ngập thường xuyên.
Viện lúa ÐBSCL là một trong những cơ quan đi đầu trong việc thực hiện liên kết vùng, liên kết 'bốn nhà' thông việc ký kết hợp tác với các trường đại học: An Giang, Cửu Long, Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh. Viện cũng đã ký kết với Công ty ADC về việc sản xuất và phân phối lúa giống cho ÐBSCL. Viện còn cử nhiều cán bộ tham gia giảng dạy, và cho phép các sinh viên các trường đến tham quan, thực tập giáo trình và thực tập tốt nghiệp tại Viện.
( Theo Lan Phương // Báo Nhân dân Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com