Dự án triển khai rộng khắp
Chờ tạnh cơn mưa, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Ðặng Văn Hùng ở xóm 9, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Dẫn chúng tôi xem cơ sở chuồng trại chăn nuôi bò, lợn và dừng lại ở công trình hầm bi-ô-ga, chủ gia đình giới thiệu cho khách đâu là bể phân hủy, bể điều áp, đâu là dụng cụ để theo dõi lượng ga nhiều hay ít hằng ngày. Anh Hùng chia sẻ: Trước năm 2000, qua truyền hình, báo chí gia đình anh cũng xây hầm hình chữ nhật để sử dụng, nhưng vì không có điều kiện tìm hiểu kỹ thuật một cách cụ thể cho nên quá trình khai thác đạt hiệu quả thấp. Từ năm 2003, dự án Khí sinh học của Nhà nước triển khai về địa phương, chúng tôi được đi tập huấn, tiếp thu kỹ thuật xây dựng và vận hành hầm bi-ô-ga. Ðể có đủ phân bón cho gần một ha lúa và màu nhận khoán, gia đình chọn xây dựng công trình loại 9 m3 và được Dự án hỗ trợ một triệu đồng. Hầm bi-ô-ga theo mẫu thiết kế KT1, KT2 của một Viện Khoa học ở Hà Nội, có dạng vòm cầu, nắp cố định; trong đó bể phân hủy đào sâu khoảng 2,5 m; đường vào, đường ra hợp lý nên công trình đưa vào sử dụng bảy năm rồi nhưng chưa có sự cố gì. Có hầm bi-ô-ga, gia đình không chỉ giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường, có thêm phân bón hữu cơ cho các loại cây trồng, mà còn tiết kiệm mỗi tháng từ 300 đến 400 nghìn đồng tiền củi lửa (dùng ga từ khí sinh học đun nấu thức ăn, đèn thắp sáng và cả bình nóng lạnh). Anh Hùng cho biết thêm, xóm 9 của anh đã có 20 hộ xây dựng hầm bi-ô-ga. Thời gian gần đây dịch lợn tai xanh xảy ra cho nên ảnh hưởng đến phong trào tham gia Dự án Công trình khí sinh học trong vùng. Thế nhưng đến nay toàn xã đã có khoảng 60 hộ gia đình xây dựng được hầm bi-ô-ga... Theo Phó Trưởng ban Thường trực Dự án khí sinh học Nghệ An Nguyễn Văn Thắng, từ khi triển khai chương trình đến nay, phối hợp các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh Nghệ An đã tổ chức hơn 400 lớp tập huấn dưới các hình thức khác nhau cho hơn 5.000 hộ có điều kiện và nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học. Giai đoạn một (từ 2003 đến 2005), triển khai ở 14 huyện, thành phố, và giai đoạn hai (từ 2007 đến 2012) có thêm bốn huyện cùng tham gia. Ðến nay, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 6.000 công trình khí sinh học đạt tiêu chuẩn chất lượng dự án. Một số huyện có khá nhiều hộ dân tham gia xây hầm bi-ô-ga như: Diễn Châu (gần 950 hầm), Yên Thành (khoảng 800 hầm), Quỳnh Lưu (hơn 600 hầm), Thanh Chương và Nam Ðàn (hơn 1.100 hầm), thị xã Thái Hòa (gần 500 hầm), Anh Sơn (khoảng 350 hầm)... Ðáng chú ý ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, thấy được lợi ích của công trình khí sinh học cho nên có hơn 700 hộ gia đình xây hầm bi-ô-ga phục vụ công tác chăn nuôi, trồng trọt và đời sống sinh hoạt. Năm 2010 này, tuy có phần ảnh hưởng của dịch lợn tai xanh và lũ lụt vừa kéo dài nhiều ngày, nhưng tỉnh Nghệ An phấn đấu thực hiện khoảng 1.500 hầm bi-ô-ga ở các huyện có tiềm năng.
Tham gia Dự án ở giai đoạn hai (từ năm 2007 đến nay), Hà Nội triển khai chương trình khí sinh học đến 20 huyện, thị xã (trong đó phần lớn là các huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ). Tuy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là một số sai sót về kỹ thuật xây dựng và vận hành công trình, song đến thời điểm này, theo như Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Dự án khí sinh học Hà Nội Nguyễn Văn Thắng cho biết thì thành phố xây dựng hơn 9.000 hầm bi-ô-ga với các loại kích cỡ khác nhau. Phong trào làm hầm bi-ô-ga phát triển mạnh ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ðan Phượng, Thanh Oai... Ngoài Dự án 'Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi' do Hà Lan tài trợ, trên địa bàn Hà Nội, những năm qua còn có các chương trình nông thôn mới, an toàn vệ sinh thực phẩm... cũng đầu tư cho việc xây hầm bi-ô-ga theo các mẫu thiết kế kỹ thuật khác nhau. Một cán bộ ban dự án khí sinh học Hà Nội cho biết, nếu điều tra, thống kê có lẽ cả thành phố có khoảng 20 nghìn hầm bi-ô-ga đang vận hành, khai thác.
Giải thưởng xứng đáng
Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Kim Giao cho biết: Ðược sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV), năm 2003, Dự án 'Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam' được triển khai. Nguồn vốn của dự án bao gồm viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan, vốn ngân sách của Chính phủ nước ta, đóng góp của các hộ dân tham gia dự án và vốn đối ứng của các địa phương. Sau khi kết thúc giai đoạn một (2003 - 2005) triển khai ở 12 tỉnh, thành phố; chuyển tiếp giai đoạn bắc cầu (2006) mở rộng thêm tám tỉnh khác và hiện đang thực hiện giai đoạn hai (2007 - 2012) với kế hoạch triển khai đến khoảng 55 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay cả nước có khoảng 80 nghìn công trình hầm bi-ô-ga tại gần 40 tỉnh, thành phố trong chương trình dự án, đem lại lợi ích nhiều mặt cho khoảng 400 nghìn người dân sống vùng nông thôn. Chất thải của trâu, bò, lợn, gia cầm (kể cả từ công trình vệ sinh gia đình) được kết nối đưa vào bể kín, nơi vi khuẩn được phân giải và tạo ra khí sinh học (thành phần chủ yếu là khí mê-tan, và các-bon đi-ô-xít). Công trình hầm bi-ô-ga không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, sản sinh nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng (hạn chế việc dùng phân hóa học) mà còn tạo nguồn khí đốt cho các hộ gia đình (thay thế củi, than và phụ phẩm nông nghiệp). Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi hầm bi-ô-ga có thể làm giảm hơn hai tấn khí thải CO2/năm và với số công trình khí sinh học hiện có, năm 2009 và 2010 này, nông dân nước ta góp phần giảm thải hơn 170 nghìn tấn khí CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm. Ghi nhận những thành công bước đầu của dự án, năm 2006, chương trình khí sinh học Việt Nam đã được nhận Giải thưởng Năng lượng toàn cầu ở Brúc-xen (Bỉ) vì đóng góp đáng kể vào việc giảm thiểu sự 'nóng lên của trái đất' và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Ngày 8-7 vừa qua tại Luân Ðôn, chương trình khí sinh học Việt Nam (hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước ta và SNV) đã vinh dự được trao giải thưởng Ashden cho những đóng góp có ý nghĩa về hạn chế ô nhiễm môi trường và năng lượng bền vững tại các địa phương ở nước ta...
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Thấy được lợi ích nhiều mặt của các công trình khí sinh học đối với người dân ở nông thôn, trong khi tiềm năng phát triển chăn nuôi ở địa bàn này khá lớn (hơn hai triệu hộ), Văn phòng Dự án khí sinh học T.Ư tiếp tục nhận được sự tài trợ của SNV và đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng 29 nghìn hầm bi-ô-ga trong năm 2010. Dự án cũng đặt mục tiêu đến khi kết thúc (năm 2012) sẽ nhân rộng được 168 nghìn công trình ở khoảng 55 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng kinh phí cho dự án là 41,18 triệu ơ-rô. Tuy nhiên, trong thực tế, cùng với dự án này, nhiều địa phương còn có các chương trình khác như nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, an toàn vệ sinh thực phẩm... cùng hỗ trợ cho dân xây hầm bi-ô-ga, cho nên trên địa bàn cả nước, thậm chí ở một tỉnh có bao nhiêu công trình khí sinh học, vẫn chưa có một tổ chức hay cá nhân nào thống kê được. Bên cạnh đó, do có nhiều chương trình, nhiều mẫu thiết kế hầm bi-ô-ga khác nhau chưa hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật cho nên ở một số nơi xảy ra hiện tượng tai nạn chết người trong quá trình xây dựng hoặc vận hành công trình. Vấn đề đặt ra là cần có một tổ chức, cơ quan đủ thẩm quyền thống nhất điều hành cả về thiết kế mẫu mã công trình, nguồn đầu tư tài chính, phương pháp thẩm định, đánh giá chất lượng công trình để xem mô hình nào hiệu quả nhất... Tránh tình trạng xây dựng hầm bi-ô-ga thiếu đồng bộ về thiết kế, hay có sự cố rò rỉ, nứt lở cục bộ, khiến nhiệt độ phân hủy trong bể thấp dẫn đến sinh khí kém. Nhu cầu phát triển chăn nuôi ở nông thôn nước ta ngày càng lớn, nhưng thu nhập của người nông dân một số nơi còn thấp, trong khi chi phí xây dựng và lắp đặt một hầm bi-ô-ga có thể tích 6 m3, 9 m3, 12 m3, 15 m3... là khá lớn, (hàng chục triệu đồng/hầm). Bởi vậy, một mặt Nhà nước có chính sách cho hộ gia đình vay vốn làm hầm bi-ô-ga phù hợp, mặt khác Dự án 'chương trình khí sinh học' cũng cần có sự điều chỉnh mức hỗ trợ chứ không đánh đồng một triệu đồng hay 1,2 triệu đồng/công trình như lâu nay. Có như vậy mới khuyến khích được các hộ nông dân có điều kiện, nhiệt tình xây dựng công trình khí sinh học. Tại các huyện, xã, muốn xây hầm bi-ô-ga phải dựa vào các kỹ thuật viên và thợ xây có tay nghề cao. Tuy nhiên mặc dù đã được đào tạo, tập huấn, song một số cán bộ, kỹ thuật viên ở Hà Nội cũng như các địa phương khác còn hạn chế trong công tác tuyên truyền, tư vấn; khả năng đọc hiểu các thông số kỹ thuật bản vẽ, việc sử dụng thiết bị định vị GPS, v.v làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng, nghiệm thu công trình và thanh toán hỗ trợ. Ðiều đó, đòi hỏi Ban quản lý Dự án cần có kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ này, bởi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm việc nhân rộng mô hình tại các địa phương. Ðầu tư của Nhà nước, kết hợp khơi dậy phong trào xã hội hóa làm công trình hầm bi-ô-ga ở nông thôn sẽ góp phần giữ vững an ninh năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường trong bối cảnh nguồn nhiên liệu truyền thống ngày càng cạn kiệt và tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt ở nước ta.
( Theo NGUYỄN KHÔI // Báo Nhân dân Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com