Công tác quy hoạch bảo vệ môi trường, khảo sát chất lượng nước của một dòng sông, các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, lỏng độc hại; biện pháp làm cho môi trường thân thiện hơn với con người... đã và đang là những đề tài, dự án có tính thời sự của đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học - công nghệ môi trường.
Lò đốt chất thải rắn y tế độchại VHI - 18 B dùng cho bệnhviện đa khoa tuyến huyện. |
Tiến sĩ Nguyễn Thế Ðồng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đưa tôi đi xem công trình lò đốt chất thải rắn, độc hại VHI - 18B đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế số 4271 (27-4-2004). Từ đó đến nay đã có hơn 30 đơn vị phần lớn là các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh ở Sơn La, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... hợp đồng cung cấp, lắp đặt và chuyển giao công nghệ sử dụng để xử lý chất thải rắn (CTR) y tế độc hại. Quá trình CNH, HÐH đất nước ngày càng phát sinh ra một lượng CTR khổng lồ, trong đó có hàng nghìn tấn CTR y tế độc hại/năm, trong khi diện tích đất dành cho chôn lấp nhanh chóng bị co hẹp. Thiêu đốt là một trong những biện pháp phổ biến hiện nay trên thế giới để xử lý CTR nói chung, nhất là CTR y tế độc hại. Ưu điểm của phương pháp này là xử lý tương đối triệt để các chất thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời làm giảm tới mức thấp nhất khối lượng chất thải, thuận lợi cho khâu cuối cùng là chôn lấp tro, xỉ... Lò đất CTR độc hại VHI - 18B áp dụng nguyên lý đốt đa vùng hiện đang được sử dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới. CTR y tế được đưa vào buồng đốt sơ cấp, duy trì ở nhiệt độ 500 - 800oC, không khí được cấp bằng phương pháp cưỡng bức cho quá trình đốt thiêu hủy. Khói bốc lên từ buồng đốt sơ cấp được hòa trộn với không khí theo nguyên lý vòng xoáy rồi đi vào buồng đốt thứ cấp. Tại buồng đốt thứ cấp, các sản phẩm cháy tiếp tục được phân hủy ở nhiệt độ khoảng từ 1.050 đến 1.200oC, với thời gian lưu cháy đủ lớn (hai giây). Từ đây, khói được đưa qua hệ thống xử lý khí thải để loại trừ bụi, kim loại nặng và các thành phần gây ô nhiễm môi trường như NO2, SO2, HCl..., mặt khác, làm lạnh nhanh khí thải xuống dưới 200oC nên tránh được tình trạng tái sinh đi-ô-xin. Có lẽ do tính tiện ích, giá cả lại rẻ gấp năm, bảy lần so với các thiết bị nhập khẩu, cho nên hơn hai năm qua đã có 10 địa phương trong cả nước mua lò đốt CTR y tế của Viện Công nghệ môi trường.
Với chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường; triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, dịch vụ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường... những năm qua, đội ngũ cán bộ của viện đã xác định năm hướng nghiên cứu KH và CN ưu tiên. Ðó là quy hoạch môi trường, công nghệ xử lý ô nhiễm, công nghệ thân môi trường, độc chất môi trường và công nghệ sinh học môi trường. Bây giờ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên ở đây đã được cải thiện, nhưng hơn năm năm về trước vượt lên sự khó khăn cả về nhân lực, trang thiết bị, ngược xuôi tìm kiếm đề tài, dự án, những người làm công tác khoa học và công nghệ môi trường từng bước khẳng định là đơn vị đầu ngành của cả nước trong lĩnh vực này. Không kể hơn 30 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp bộ, hàng chục đề tài nghiên cứu cơ bản, năm năm trở lại đây các cán bộ của viện đã thực hiện một số đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước. Ðáng chú ý trong đó phải kể đến đề tài "Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến và đề xuất các giải pháp kiểm soát mưa a-xít ở Bắc Bộ, Việt Nam". Trên cơ sở theo dõi, điều tra và phân tích các dữ liệu, những người thực hiện đã xây dựng được quy trình cảnh báo mưa a-xít ở khu vực miền bắc nước ta; Ðánh giá tổng lượng phát thải và lắng đọng a-xít, những ảnh hưởng, tác động của mưa a-xít đến hệ sinh thái nước ta. Ðồng thời đề xuất các giải pháp kiểm soát nguồn gây a-xít nước mưa và hạn chế tác hại của nó lên hệ sinh thái, môi trường. Ðây là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên có tính hệ thống về mưa a-xít ở nước ta, đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước nghiệm thu và đánh giá đạt loại xuất sắc. Ðó là đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng thực vật để cải tạo đất bị ô nhiễm kim loại nặng tại các vùng khai thác khoáng sản" do GS, TS Ðặng Ðình Kim làm chủ nhiệm đề tài (thực hiện trong ba năm 2007 - 2009). Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được danh mục các loài thực vật (157 loài) tại các vùng mỏ đã khảo sát, mô tả hình ảnh những loài thực vật có khả năng hấp thụ và tích lũy cao một số kim loại nặng. Tuyển chọn được sáu loài thực vật và triển khai, xây dựng hai mô hình trình diễn sử dụng các loài thực vật nói trên trong xử lý đất ô nhiễm kim loại nặng Pb, Cd, As, Zn với diện tích hơn 1.000 m2. Ngoài ra ở quy mô nhỏ, lẻ hằng năm những người làm công tác khoa học môi trường đã ký và thực hiện 45 - 50 dự án với các ngành và cơ sở sản xuất phục vụ đời sống trong cả nước, nhằm quan trắc các chỉ tiêu môi trường, điều tra, xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra, xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng, thiết bị thiêu đốt CTR y tế độc hại, khử trùng chống nhiễm khuẩn cho một số cơ sở khám, chữa bệnh... Cũng nhờ sự năng động, mấy năm gần đây, năng lực hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ môi trường của Viện KH và CN Việt Nam được tăng cường, thông qua quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là việc thực hiện hai dự án JICA (Nhật Bản) và KOICA (Hàn Quốc) với tổng kinh phí gần mười triệu USD, kéo dài đến sau năm 2010. Cán bộ được đào tạo cơ bản, trang thiết bị hiện đại được bổ sung, trong đó phòng thí nghiệm với các máy móc chuyên dụng khảo sát, phân tích... tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học - công nghệ môi trường.
Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, sự ra đời của nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, sự bung ra của các làng nghề... nhưng ít người quan tâm đến bảo vệ môi trường, đang đặt ra cho các cấp quản lý và những người làm công tác khoa học chuyên ngành nhiều vấn đề bức xúc về môi trường. PGS, TS Nguyễn Hoài Châu, Viện trưởng Công nghệ môi trường trao đổi ý kiến với chúng tôi: Khắc phục chất lượng thiếu đồng đều trong đội ngũ cán bộ, từng bước thiết lập được các nhóm nghiên cứu chủ lực để có thể giải quyết được những đề tài, dự án quy mô; tháo gỡ và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà khoa học - nhà doanh nghiệp... Nghị định 115 của Chính phủ đang mở ra khả năng, triển vọng hoạt động tích cực đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ môi trường.
(Theo Bài và ảnh: NGUYỄN KHÔI // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com