![]() |
Hoàng Minh Thống tại trung tâm điều khiển Vinasat 1 |
“Ban đầu ai cũng nghĩ muốn phóng vệ tinh, thì sản xuất vệ tinh sau đó phóng lên là xong. Nhưng thực tế không phải vậy, thông thường, vệ tinh thông tin cần xác định vị trí trên quỹ đạo địa tĩnh (quỹ đạo địa tĩnh là vành đai nằm trong mặt phẳng xích đạo cách xích đạo 36.000 km2, hình dung là các đường vòng tròn chuyển động và vệ tinh chuyển động trên đó chu kỳ 24 giờ. Khi vệ tinh nằm trên vành đai này, cùng quay với vận tốc trái đất, khi đó nếu nhìn trực tiếp từ mặt đất, thì có vẻ như vệ tinh và trái đất cùng đứng yên).
Trước đây, khoảng không gian này rất rộng, nhưng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, đã xuất hiện rất nhiều vệ tinh của nhiều quốc gia “chen” chân trên khu vực này. Do vậy, theo quy định của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), quốc gia nào muốn đưa vệ tinh lên, phải chọn vị trí và đàm phán thương lượng để có sự chấp thuận của các quốc gia khác, nhằm đảm bảo vệ tinh khi phát không gây nhiễu cho nhau…
Khi đó, mới thấy việc xác định chủ quyền trên quỹ đạo là rất khó. Nhưng ít ai biết được rằng, quá trình đàm phán để xác định chủ quyền không gian cho Vinasat - 1 kéo dài ròng rã suốt 10 năm (1995-2005).
Về cơ bản, chủ quyền trên không phải có 2 yếu tố. Đó là, phải đăng ký thành công (có 2 việc hoàn chỉnh hồ sơ gửi ITU và thỏa thuận với các nhà vệ tinh khai thác lân cận vị trí của mình để không gây nhiễu cho họ và không bị ảnh hưởng nhiễu từ họ) và có vệ tinh đặt vào đó. Việc này là không dễ, vì để không gây nhiễu cho nhau, trên quỹ đạo địa tĩnh trong một băng tần, chỉ có thể hoạt động không quá 145 quả vệ tinh. Ở thời điểm đó, mỗi vị trí quỹ đạo địa tĩnh đã có mặt 8-10 quốc gia, nghĩa là hầu như các nước đã đăng ký và giữ chỗ hết rồi. Hàng loạt bài toán hết sức mới mẻ được đặt ra: Làm thế nào tìm được “chỗ” và là “chỗ” tốt nhất có thể cho Việt Nam? Trước hết, phải nghiên cứu hồ sơ đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh của các nước đã gửi lên ITU, song số lượng hồ sơ quá nhiều. Rồi phương pháp nào để tính toán can nhiễu vệ tinh? Luật lệ của ITU ra sao?...
Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Tần số vô tuyến điện kết hợp Ban chỉ đạo đề án Vinasat 1 tổ chức các cuộc họp thỏa thuận với các nước trên thế giới. Nói thì dễ, nhưng vào rồi mới thấy khó. “Nhu cầu vệ tinh của Việt Nam đã bắt đầu được đặt ra từ năm 1986 khi tiếp nhận và sử dụng đài mặt đất Hoa Sen. Tuy nhiên, nhu cầu trở nên cấp bách và cần thiết để triển khai bắt đầu tư phải từ năm 1999. Lúc đó ai cũng nghĩ chỉ 4-6 năm, chúng ta sẽ đưa được vệ tinh lên không gian và phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc sản xuất, tổ chức kỹ thuật là chính, chứ không ai biết đàm phán để xác định vị trí đưa vệ tinh lên khó như thế nào”, ông Thống chia sẻ.
Giai đoạn Việt Nam đề xuất vấn đề phóng vệ tinh với ITU mới phát hiện vấn đề đàm phán tìm kiếm vị trí phức tạp như vậy và trong bối cảnh các nước xung quanh đang tranh giành từng vị trí quỹ đạo. Sau khi tìm hiểu thị trường, kết hợp trình xin chủ trương Chính phủ, chúng tôi quyết định phải thuê tư vấn, thì mới có khả năng đảm bảo đúng tiến độ. Dù rằng thuê tư vấn (trả tiền để làm dịch vụ) lúc đó vẫn là một lĩnh vực còn khá mới mẻ với nhiều người tại Việt Nam. Sau này, đây vẫn được xem là bước đi chính xác nhất. Nhiệm vụ tư vấn rất đơn giản thực hiện một bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh cho ITU và tìm vị trí khả thi nhất cho Vinasat 1 “trú ngụ”.
Chỉ trong tuần đầu tiên, đã có kết quả, 7 vị trí được chào mời cho Vinasat 1 gồm 87; 97, 107, 114.5; 116; 122; 132 độ Đông. Tuy nhiên, sau khi tính toán, vị trí xác định tốt nhất là 132 độ Đông, vì đây là vị trí dùng băng tần thông dụng ở trong khu vực.
… đến “ nhọc nhằn” trong đàm phán
Để xác định toạ độ “cắm mốc chủ quyền”, theo yêu cầu của ITU, Việt Nam phải đàm phán thỏa thuận với 20 quốc gia, trong đó có một số quốc gia nổi tiếng “khó tính” như: Trung Quốc (gồm cả các nhà khai thác của Hồng Kông); Nhật Bản; Tonga; Anh; Pháp; Malaysia; Ấn Độ; Thái Lan…
Nội dung đàm phán vẫn chỉ là thỏa thuận để đặt vị trí Vinasat 1 và thống nhất về tần số không gây nhiễu cho nhau (có thể cao hoặc thấp). Tuy nhiên, thông thường các quốc gia đều muốn lấy được tần số phổ thông nhất để có thể dễ dàng “bắt” sóng nhất (dù rằng mỗi quốc gia được ITU cho 1 tần số riêng và không giống nhau, nhưng ít quốc gia nào sử dụng đúng tần số ITU cấp).
“Nhọc” nhất vẫn là đàm phán với Trung Quốc. Mặc dù ban đầu việc đàm phán rất khó khăn, nhưng sau khi bị phía ta thuyết phục, phía Trung Quốc đã chấp thuận, cả hai bên còn rủ nhau ăn mừng. Thế nhưng, khi soạn biên bản gửi lại, họ từ chối thẳng thừng và mọi việc lại bắt đầu từ đầu. Việc đàm phán tiếp tục kéo dài hơn 1 năm, cuối cùng họ cũng đồng ý.
Sau Trung Quốc, hai quốc gia khó nhất khi chọn vị trí 132 độ Đông là Nhật Bản và Tonga. Với Nhật Bản, cuộc đàm phán diễn ra hơn 2 năm. Đặc biệt, 2 quốc gia này không chịu nhân nhượng, vì họ cho rằng, công suất phát Vinasat nếu không thay đổi sẽ gây nhiễu cho hoạt động vệ tinh của họ. Trong khi hồ sơ đăng ký vị trí quỹ đạo có hạn đến ngày 17/2/2006 - tức là chỉ còn 2 năm để đàm phán quỹ đạo, chế tạo vệ tinh và phóng vệ tinh (thông thường sản xuất vệ tinh cần tối thiểu 2 năm).
Với sự phối hợp của Cục Tần số, anh em chúng tôi phải họp lại với nhau và thống nhất muốn thành công trong đàm phán phải đổi mới tư duy, không thể duy trì quan điểm cứng nhắc về cấu hình vệ tinh. Mặt khác, để tránh trễ hẹn với ITU (có nguy cơ phải làm lại từ đầu), chúng tôi phải sử dụng hồ sơ đăng ký dự phòng 4A2, nhằm kéo dài thời hạn quỹ đạo đến ngày 23/5/2008.
Ấn tượng nhất là phiên đàm phán cuối cùng kéo dài 1 tuần, phái đoàn Việt Nam phải làm việc “hết ga, hết số” và phải dời lịch bay 2 lần, “đến đêm cuối cùng cuộc đàm phán kéo dài đến gần nửa đêm, vừa kết thúc đàm phán về khách sạn là chúng tôi phải lao ngay vào việc hoàn thiện văn bản để gửi cho phía Nhật Bản ký trước 6 giờ sáng, để còn kịp giờ mang biên bản về báo cáo”, ông Thống nhớ lại.
Tương tự, Tonga là một cái tên lạ hoắc, có một chuyện vui “khi đoàn đàm phán trình hộ chiếu cho hải quan thông báo quốc gia đến là Tonga, các anh công an cửa khẩu phải mất thời gian tìm kiếm xem Tonga là quốc gia nào…” (Tonga nằm ở Đông Nam Thái Bình Dương, vị trí ngang Australia, gần đảo Fiji, gần đường deadline, nơi nhìn thấy đầu tiên sự thay đổi giữa đêm và ngày). Ngày 30/11/2005, biên bản phối hợp cuối cùng được ký với Tonga. Chủ quyền vị trí quỹ đạo 132 độ Đông của Việt Nam được khẳng định.
Vinasat 1 chỉ là bước khởi đầu
Sau khi có vị trí, Ban chỉ đạo Dự án đã gấp rút phối hợp với nhà thầu hoàn thành đúng tiến độ triển khai và đúng 5 giờ 17 phút ngày 19/4/2008, Vinasat – 1, vệ tinh đầu tiên mang cờ Việt Nam đã lên quỹ đạo, khẳng định “sự có mặt” của Việt Nam trên không gian vũ trụ, tạo nên cột mốc mới trong hành trình phát triển của ngành viễn thông Việt Nam lên ngang tầm quốc tế.
Phát huy thành quả Vinasat - 1, các “chiến sĩ thầm lặng” của Ban quản lý các dự án viễn thông - VNPT và Cục Tần số vô tuyến điện lại tiếp tục tổ chức đàm phán thành công vị trí cho Vinasat - 2 là 131,8 độ Đông, tiệm cận vị trí Vinasat – 1. Đây là một kết quả rất có ý nghĩa, vì với 2 vị trí gần nhau, 2 vệ tinh của Việt Nam có thể hỗ trợ, bọc lót, lưu trữ dữ liệu bổ sung cần thiết cho nhau mỗi khi một trong 2 vệ tinh có sự cố, hoặc vào quy trình bảo dưỡng, thay thế.
Xin mượn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ngay tại buổi lễ phóng vệ tinh Vinasat - 1 thay cho lời kết: “Việt Nam đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian vũ trụ với VINASAT - 1, ngành viễn thông Việt Nam bước lên một tầm cao mới với năng lực làm chủ bầu trời, mặt đất, mặt biển, năng lực vươn tới mọi miền thuộc chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Tổ quốc, mà không phụ thuộc vào điều kiện địa hình và thời tiết... Với VINASAT - 1, Việt Nam trở thành nước thứ 93 trên thế giới và là nước thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á có vệ tinh riêng”.
(Theo Quang Minh // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com