Từ tháng 11.2008 đến nay, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khảo cổ di chỉ hang Đông Trong (Vân Đồn, Quảng Ninh), phát hiện khu cư trú (cũng là khu mộ táng) của người tiền sử có niên đại khoảng 4000 năm tuổi.
Tiến sĩ Trình Năng Chung, trưởng đoàn khai quật cho biết, di chỉ này có giá trị về văn hóa và lịch sử, đóng góp những nhận thức mới về văn hóa tiền sử ở vùng duyên hải đông bắc.
Các nhà khảo cổ đã thu được hơn 2.000 di vật gồm đồ đá, gốm, xương và đồ trang sức. Đồ đá có rìu mài, bàn mài, rìu tứ giác nguyên thủy, hòn kê, hòn ghè... Ngoài một số kiểu hoa văn đồ gốm đặc trưng của văn hóa Hạ Long như văn đắp chỉ nổi với nhiều đường song song, hoặc kết hợp với hoa văn chữ S nằm ngang, văn khắc vạch trên mép miệng còn có một số hoa văn khác như văn thừng thô, văn in đập.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu tích một số mộ táng cổ, phần nhiều không còn nguyên vẹn. Di cốt gồm những mảnh hộp sọ, mảnh xương răng quai hàm cùng nhiều xương chi khác được xếp đặt không theo tư thế giải phẫu. Có một số mảnh xương hàm và một số răng lẻ có dấu hiệu bị đốt cháy.
Có mộ táng di cốt được đựng trong những vò gốm có hoa văn thừng. Có di tích mộ được chôn theo một số đồ tùy táng như vòng tay, rìu mài lưỡi... Đặc biệt, có gần 200 hạt chuỗi làm bằng vỏ nhuyễn thể và vòng đeo tay mài nhẵn rất tinh xảo, có kích thước và cách chế tác giống những di vật đồng loại phát hiện được ở trong hang Bái Tử Long.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một vài cục thổ hoàng, một loại khoáng chất màu đỏ thường được cư dân tiền sử sưu lượm, nghiền nhỏ hòa với nước rồi bôi lên cơ thể người chết với quan niệm màu đỏ là màu của sự sống vĩnh hằng.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com