Vừa leo bậc thang vừa bắn
Xuất phát từ nhu cầu thực tế khi tham dự các lễ hội, hội nghị, đám cưới, sinh nhật..., các tác giả nhận thấy việc bắn pháo hoa thủ công có nhiều hạn chế và không an toàn cho sức khỏe con người. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng chế tạo các robot tự hành để phục vụ trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, quân sự, y học... Vậy thì sao không có một robot phục vụ nhu cầu bắn pháo hoa của con người?
Bắn biểu diễn pháo hoa bằng robot. Ảnh: VŨ QUỲNH
Sau khi bàn bạc, chỉ mất khoảng một tuần bắt tay vào nghiên cứu, hai thạc sĩ đã cho ra đời sản phẩm robot bắn pháo hoa. Robot này có khả năng vượt chướng ngại vật, di chuyển trên những địa hình lồi lõm phức tạp, có thể leo bậc thang để trình diễn những màn bắn pháo hoa tuyệt đẹp dưới sự điều khiển của đạo diễn.
Với robot này, những màn bắn pháo hoa tại các buổi lễ hội, sự kiện... sẽ thực sự ấn tượng, có thể di chuyển địa điểm bắn pháo hoa một cách nhanh chóng chứ không chỉ cố định một chỗ như lâu nay và tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra cho những người trực tiếp thực hiện việc bắn pháo hoa.
Nâng hạ linh hoạt
Về đặc tính kỹ thuật, robot được thiết kế mỗi bên gồm 5 bánh răng ăn khớp với nhau. Nguyên lý di chuyển như sau: Khi robot leo lên nấc thang thứ nhất thì trọng lượng của robot sẽ dồn lên mặt phẳng thứ 2; khi robot leo lên nấc thang thứ 2 thì thân của robot sẽ nằm trên mặt phẳng thứ nhất. Chính vì vậy, khi leo cầu thang hay di chuyển trên địa hình phức tạp, robot không bị ngã.
Để bắn pháo hoa ở nhiều vị trí cao, thấp khác nhau, phần thân của robot được thiết kế với một cơ cấu nâng hạ linh hoạt. Robot có thể bắn cả pháo điện lẫn pháo giấy thông qua một hệ thống đặt ở trên đỉnh. Hệ thống bắn gồm 9 quả pháo điện và 4 quả pháo giấy được điều khiển bởi đạo diễn.
Quy trình bắn như sau: Đầu tiên, khi leo lên bậc thang, 4 quả pháo điện sẽ bừng sáng. Sau đó, thân robot sẽ tự xoay tròn để tạo sự chú ý của khán giả. Sau đó, 2 quả pháo hoa trên cánh tay robot sẽ bắn lên, rồi robot tiếp tục vươn cao và bắn thêm 3 quả nữa. Cuối cùng, 4 quả pháo giấy được bắn lên một cách đầy ấn tượng để kết thúc màn biểu diễn.
Theo thạc sĩ Lê Phương Long, để điều khiển trong bán kính 30 m - 50 m, robot được trang bị công nghệ thu, phát sóng RF, giải thuật lập trình bằng cách dò dữ liệu hiệu chỉnh tần số thu, phát sóng và câu lệnh. Nhờ hệ thống này, người điều khiển sẽ tránh được việc bị pháo hoa văng, bắn hoặc rơi vào người gây thương tích. Hướng nghiên cứu sắp tới của các tác giả là sẽ thêm một số tính năng khác để đưa vào ứng dụng trong việc rà mìn, làm việc trong môi trường khắc nghiệt...
Sẽ biểu diễn tại đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội Sau khi ra đời, robot đã được đưa đi trưng bày và biểu diễn tại vòng chung kết cuộc thi Robocon 2010 tổ chức ở tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, sau khi trình diễn ở một số nơi, nhiều người rất thích thú với sản phẩm sáng tạo độc đáo này. Mới đây, nhà trường đã nhận được lời đề nghị từ đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc đưa robot tham gia biểu diễn bắn pháo hoa trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|