Năm 2010, trung bình mỗi ngày có hơn 160.000 máy tính bị nhiễm virus. |
Trong năm 2010, người dùng máy tính tại Việt Nam thiệt hại khoảng 5.900 tỷ đồng, do tác động của lây nhiễm virus máy tính, theo kết quả một nghiên cứu độc lập của công ty Bkav thực hiện và công bố.
Mức thiệt hại được tính dựa trên mức thu nhập của người sử dụng máy tính và thời gian công việc của họ bị gián đoạn do các trục trặc gây ra bởi virus máy tính.
Theo đó, bình quân mỗi người sử dụng máy tính tại Việt Nam bị thiệt hại 1.192.000 đồng trong năm 2010. Với ít nhất 5 triệu máy tính đang được sử dụng thường xuyên trên cả nước thì mức thiệt hại do virus gây ra trong 2010 lên tới 5.900 tỷ đồng.
Khảo sát của Bkav cho thấy, tỉ lệ máy tính bị nhiễm virus ở Việt Nam đã giảm nhẹ trong năm 2010, còn 93% máy tính bị nhiễm virus ít nhất một lần. Tình hình này đã được cải thiện so với các năm trước (khoảng 97%) nhưng không nhiều.
Hơn 1/3 số máy tính (36%) bị nhiễm virus ít nhất 1 lần trong 1 tháng. Trong đó, USB tiếp tục là một trong những nguồn lây nhiễm virus phổ biến nhất. Có tới 96% người tham gia khảo sát cho biết, USB của họ đã từng bị nhiễm virus trong năm qua.
Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 1, hệ thống giám sát virus của Bkav cho biết, năm 2010, 58,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus. Trung bình hơn 160 nghìn máy tính bị nhiễm virus/ngày, con số báo động về tình hình virus máy tính tại Việt Nam.
Đã có 57.835 dòng virus xuất hiện mới, nhưng virus lây lan nhiều nhất lại là dòng virus cũ W32.Conficker.Worm, từng “nổi đình đám” trên toàn cầu từ cuối năm 2008. Theo Bkav, có tới 6,5 triệu lượt máy tính bị nhiễm Conficker trong năm 2010.
Kết quả khảo sát còn cho hay, nhận thức của người sử dụng về các vấn đề an ninh cũng được cải thiện so với các năm trước. 93% số người tham gia khảo sát cho rằng, để diệt virus hiệu quả thì cần sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền.
Nếu sử dụng phần mềm không có bản quyền, khi xảy ra các sự cố, người dùng sẽ gặp khó khăn vì không thể đề nghị nhà sản xuất phần mềm diệt virus tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật.
Về cách xử lý sự cố với virus máy tính, 49% người sử dụng cho biết họ sẽ nhờ nhà sản xuất phần mềm diệt virus hỗ trợ khi gặp các vấn đề về virus máy tính, trong khi năm 2008 chỉ có 34% người sử dụng dùng phương cách này.
Một tín hiệu đáng mừng là người sử dụng đã cảnh giác trước các đường link được gửi qua chat hoặc email. Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ người sử dụng dễ dàng bấm vào các đường link lạ chỉ là 10%.
Có tới 67% người tham gia khảo sát cho biết sẽ xác nhận lại nguồn gốc của đường link nếu đường link đó được gửi từ người quen và sẽ bỏ qua những đường link được gửi từ người lạ. Đây cũng chính là cách xử lý an toàn nhất trong tình huống này.
Tuy nhiên, vẫn có tới 53% người sử dụng chưa quan tâm đúng mức tới việc bảo vệ mật khẩu.. Việc lập mật khẩu mạnh và thay đổi thường xuyên là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh của máy tính.
Chưa hết, có tới 63% người sử dụng không thường xuyên hoặc chưa bao giờ thực hiện thao tác khóa máy tính khi rời khỏi bàn làm việc, cho dù thao tác này rất đơn giản, chỉ cần bấm tổ hợp phím “Windows + L”.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 1, khi đánh giá về tình hình an ninh mạng năm 2011, Bkav cho rằng, Rootkit sẽ là một xu hướng mới khi đã trở thành công cụ “đại chúng hóa” chứ không còn là “đặc quyền” của một số tin tặc “biết nghề” như trước.
Các dòng virus siêu đa hình sẽ kết hợp nhiều kỹ thuật mới để tạo ra những sự lây lan dai dẳng kéo dài trong nhiều năm. Năm 2010, loại virus này đứng trong top 3 những dòng lây nhiễm nhiều nhất và là nỗi ám ảnh với người dùng máy tính tại Việt Nam.
Cùng sự phổ biến của Windows 7 với khả năng đảm bảo an ninh cao và mọi quyết định thực thi quan trọng trên máy tính sẽ thuộc về người sử dụng, xu hướng virus đánh lừa người sử dụng bằng cảm quan sẽ phát triển mạnh.
Trường hợp các virus giả mạo file dữ liệu (Fake icon) là những biểu hiện đầu tiên và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2011.
Virus mang động cơ chính trị-xã hội sẽ xuất hiện nhiều, lợi dụng các trang download phần mềm phổ biến để phát tán, tạo ra mạng botnet, tấn công có chủ đích các mục tiêu định trước, lấy trộm các thông tin bí mật của tổ chức, cá nhân.
Sẽ có nhiều cuộc tấn công, lừa đảo trên điện thoại di động trong năm 2011. Có thể sẽ ghi nhận những cuộc phát tán mã độc đầu tiên trên điện thoại di động, với hình thức tấn công chủ yếu dưới dạng các trojan, ẩn náu và ăn cắp thông tin cá nhân.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com