Sau 11 năm tổ chức, "Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka" ở TP Hồ Chí Minh nhận được 3.615 đề tài tham gia. Riêng năm 2009, có hơn 1.000 sinh viên của 27 truờng đại học gửi 502 đề tài.
![]() |
Mô hình xe tự cân bằng của SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. |
Nói về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành Ðoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Lê Quốc Phong, nhận xét: "Nghiên cứu khoa học là nhu cầu và là hoạt động thường xuyên của đông đảo sinh viên."
Từ tình yêu và niềm đam mê nghiên cứu
Trong 64 đề tài lọt vào vòng chung kết "Giải thưởng Eureka" 2009, đề tài "Từ điển điện tử giáo khoa dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ" đoạt giải nhất. Ðây là công trình nghiên cứu của các bạn Ðỗ Minh Luân, Phạm Hải Lê và Huỳnh Nguyễn Thùy Dung, sinh viên Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Không cùng khóa, cùng khoa nhưng cả ba bạn sinh viên này có chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Và trên hết là tấm lòng, tình yêu đối với những em nhỏ khuyết tật, phải chịu nhiều thiệt thòi.
Trong giáo dục chuyên biệt, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ là rất gian khó. Mỗi em là một cá thể, một thế giới hoàn toàn riêng biệt. Trong khi đó, sách giáo khoa dành riêng cho các em được xây dựng từ chương trình học chung cho trẻ cùng độ tuổi. Không có tài liệu riêng, phương pháp giảng dạy cũng không khác là bao, do vậy cả việc dạy của thầy, lẫn việc học của trò đều rất khó, hiệu quả chưa cao. Sau những lần thực tập ở các trường chuyên biệt, các lớp hòa nhập có trẻ khuyết tật trí tuệ, các bạn Luân, Lê, Dung nhận thấy khả năng tiếp thu của trẻ chậm trí tuệ kém. Dạy từ, giải nghĩa cho các em rất khó nếu không có hình ảnh minh họa. Không hẹn mà gặp, cả ba đều có chung ý tưởng phải làm cái gì đó giúp thầy cô giảng dạy đỡ vất vả hơn, các cháu tiếp thu nhanh hơn, đặc biệt là học kỹ năng sống tốt hơn.
Ðược sự khuyến khích, giúp đỡ của cô giáo Chủ nhiệm khoa, từ ý tưởng, ba bạn quyết tâm nghiên cứu, xây dựng cuốn "Từ điển điện tử giải nghĩa giáo khoa lớp 1 (khuyết tật trí tuệ)". Với cuốn từ điển này, khi giảng dạy một từ nào đó, ngoài nghĩa của từ được ghi bằng chữ, qua máy tính hoặc màn chiếu, giáo viên đứng lớp có thể cho các em xem thêm hình ảnh minh họa. Nhiều từ ngoài ảnh tĩnh còn có cả những đoạn vi-đê-ô clíp miêu tả hành động giải nghĩa từ. Thí dụ như, với từ "rửa tay" có một đoạn vi-đê-ô clíp diễn tả toàn bộ quá trình thao tác rửa tay của một bé gái. Từ "bác sĩ" có ảnh chụp người thầy thuốc đang khám, chữa bệnh cho người bệnh... Học bằng phương pháp này, lớp học trở nên rất sinh động, các cháu rất thích thú, hiểu bài nhanh, nhớ bài lâu, làm theo chuẩn xác. Nhiều cháu còn biết tự tra tìm những từ theo ý muốn, không khí lớp học trở nên vui vẻ, thoải mái, hiệu quả giảng dạy, học tập nâng lên rõ rệt.
Ðể hoàn thành cuốn từ điển hơn 2.000 từ, trong đó hơn 1.000 từ có ảnh minh họa, hơn 100 từ có phim minh họa, suốt ba năm trời, các bạn phải tìm đọc hàng nghìn trang tài liệu, tuyển chọn xây dựng danh mục, giải nghĩa từ, sưu tầm hình ảnh hoặc tự chụp, tự quay phim, dàn dựng các vi-đê-ô clíp minh họa... Bên cạnh đó còn phải tự học nâng cao kiến thức tin học, tự viết phần mềm chương trình.
Ðây là cuốn từ điển mở, phần mềm không khóa, cho phép sao chép nhân bản. Người sử dụng, nhất là giáo viên có thể dễ dàng chỉnh sửa, đưa thêm vào nhiều từ mới, hình ảnh, phim minh họa phù hợp với yêu cầu thực tế giảng dạy cho nhiều loại đối tượng ở nhiều vùng miền khác nhau. Sau gần một năm thử nghiệm tại mười trường chuyên biệt và trường hòa nhập ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Lâm Ðồng, Ðác Lắc, cuốn từ điển được tất cả giáo viên đứng lớp đánh giá rất cao. Không chỉ với trẻ khuyết tật, từ điển còn có thể đưa vào giảng dạy cho tất cả học sinh lớp 1. Về sản phẩm của mình, các bạn Luân, Lê và Dung cho biết đang nhờ cơ quan chức năng đăng ký bản quyền, sau đó tìm nguồn tài trợ in, tặng tất cả các trường có nhu cầu.
Ở TP Hồ Chí Minh, hẻm là một bộ phận không thể tách rời của toàn bộ đô thị. Ngoài chức năng là huyết mạch giao thông, hẻm còn là nơi cư ngụ của phần đông cư dân thành phố với mảng không gian riêng, nét văn hóa riêng. Với ý tưởng đề xuất những biện pháp nhằm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của những người dân sống trong hẻm, bạn Ðinh Thị Thanh Trúc, sinh viên năm thứ 4, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng chọn vấn đề "Văn hóa hẻm" làm đề tài nghiên cứu. Qua nhiều tháng lăn lộn khảo sát hàng nghìn con hẻm, vượt qua khó khăn, điều Thanh Trúc muốn gửi gắm qua công trình nghiên cứu của mình là văn hóa hẻm luôn gắn liền với lối sống của người dân trong hẻm. Nét đẹp văn hóa ở đây được thể hiện trong cách sống giản dị, chân thật, chăm chỉ, cần cù lao động, "tình làng nghĩa xóm" lúc "tắt lửa tối đèn" luôn đùm bọc lẫn nhau đầy cảm động... Nếu biết gìn giữ, phát huy và nhân rộng những nét đẹp văn hóa đó, chắc chắn đời sống tinh thần của nhân dân thành phố sẽ thêm phong phú.
Tham gia nghiên cứu khoa học, năm bạn Phạm Tấn Ðạt, Nguyễn Duy Toàn, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Ðình Nam và Nguyễn Thanh Tòng, sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật chọn đề tài hỗ trợ điều khiển giao thông. Sau một năm tìm tòi, nghiên cứu, rô-bốt điều khiển giao thông được chính tay các bạn chế tạo thành công. Rô-bốt cao 1,70m, nặng 65kg; đầu, cổ, tay linh cử động khá linh hoạt, có khả năng thao tác hướng dẫn như một cảnh sát giao thông thực thụ. Hoàn thiện thêm một bước về kiểu dáng, khả năng chịu mưa nắng cùng một vài thiết bị đi kèm, khả năng ứng dụng của đề tài nghiên cứu này vào thực tế đời sống xã hội khá cao.
Sự trợ giúp của nhà trường, Ðoàn, Hội
"Không thể có kết quả nghiên cứu nếu không có sự trợ giúp của nhà trường, tổ chức Ðoàn, Hội" là nhận định của tất cả các bạn sinh viên có đề tài nghiên cứu. Quả vậy thành công của mỗi sinh viên, ngoài công sức của chính họ còn có đóng góp của giáo viên hướng dẫn, sự quan tâm của nhà trường, của tổ chức Ðoàn Thanh niên, Hội Sinh viên. Thông thường, khi vào năm thứ nhất, cùng với việc trang bị kiến thức cơ bản cho sinh viên, Ban giám hiệu các trường đại học chú trọng khơi dậy niềm say mê nghiên cứu cho sinh viên. Trong lĩnh vực này, tổ chức Ðoàn, Hội có vai trò không nhỏ. Bằng các "Câu lạc bộ học thuật", "Câu lạc bộ nghiên cứu", "Câu lạc bộ những nhà khoa học trẻ"... Ðoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường không chỉ tạo sân chơi khoa học cho các bạn mà còn khích lệ niềm đam mê sáng tạo cho nhiều sinh viên. Mỗi năm học, các khoa, các trường đều tổ chức các cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo" trong sinh viên. Trên cơ sở hàng trăm ý tưởng sáng tạo đó, Ban chủ nhiệm khoa, Ban giám hiệu trường sẽ chấm, chọn những ý tưởng tốt, tính khả thi cao trợ giúp kinh phí, cử giảng viên hướng dẫn nâng lên thành đề tài nghiên cứu.
Tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, Câu lạc bộ nghiên cứu Khoa học trẻ được thành lập từ năm 2005 nhằm tập hợp, giúp đỡ các bạn sinh viên thực hiệc các đề tài nghiên cứu khoa khọc. Thạc sĩ Lê Tấn Cường, giảng viên bộ môn Cơ điện tử, khoa Cơ khí chế tạo máy cho biết, hầu hết các đề tài, công trình nghiên cứu của sinh viên đều được thực hiện tại câu lạc bộ. Tất cả rô-bốt của các đội robocon của trường tham gia các cuộc thi quốc gia, quốc tế đều được các bạn sinh viên nghiên cứu, chế tạo. Ngoài chức năng giáo dục - đào tạo, câu lạc bộ còn là cầu nối giữa nhà trường với các doanh nhiệp bên ngoài thông qua các hợp đồng nghiên cứu, chế tạo thiết bị, máy móc theo đơn đặt hàng. Hoạt động này không chỉ đem về nguồn thu giúp câu lạc bộ duy trì hoạt động mà còn giúp sinh viên cập nhật thông tin nắm bắt nhu cầu thực tế ngoài xã hội...
Tại Trường đại học Tôn Ðức Thắng, Ban giám hiệu coi hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là mục tiêu chất lượng đào tạo của trường. Ðể khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu, ngoài việc cấp kinh phí, mỗi năm trường đều tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá chất lượng, khuyến khích, biểu dương những sinh viên có đề tài có chất lượng, tính khả thi cao... Sự quan tâm của trường đã tạo thêm động lực, lôi kéo thêm nhiều sinh viên tham gia.
Chưa thể đòi hỏi chất lượng thật cao ở các đề tài nghiên cứu của các bạn sinh viên. Cũng chưa thể hy vọng phần lớn đề tài của các bạn được đưa vào ứng dụng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, như nhiều bạn sinh viên tâm sự, sau một đề tài nghiên cứu, các bạn thấy mình học hỏi được nhiều điều. Cùng với học thuật, điều quý hơn mà các thu nhận là kinh nghiệm, phong cách làm việc, niềm đam mê. Ðó là sự tập dượt cho những bước tìm tòi sáng tạo về sau.
(Theo Bài, ảnh: Xuân Hùng và Ðức Thắng // Báo Nhân dân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com