Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vườn ươm công nghệ cao: Gian nan khẳng định tính hiệu quả

Trong những năm gần đây, các vườn ươm doanh nghiệp khoa học – công nghệ lần lượt ra đời và phát triển nhưng theo các chuyên gia, cần thêm một quãng thời gian để khẳng định hiệu quả. Ảnh minh họa chụp tại phòng lab một trung tâm nghiên cứu tại Khu công nghệ cao TP.HCM – nơi triển khai vườn ươm từ năm 2006. Ảnh: Quốc Hùng.

Trong thời gian gần đây, một loạt các vườn ươm doanh nghiệp khoa học - công nghệ đã lần lượt ra đời và phát triển tại các khu công nghệ cao lẫn các trường đại học. Mục đích của các vườn ươm này là nuôi dưỡng các dự án “hạt giống tốt”, để từ đó cho ra đời các doanh nghiệp có năng lực. Tuy nhiên, dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong quá trình thành lập và phát triển, các vườn ươm vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Hồi tháng Ba năm ngoái, Công ty Green Age tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã giới thiệu một sản phẩm ra thị trường là bộ LIT thử độc tố nấm; hiện tại chủ dự án này đang đăng ký thành lập doanh nghiệp, đồng thời hợp tác với một giáo sư ở Đại học Sydney (Úc) trong việc nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm.

Công ty Help ở khu công nghệ cao cũng vừa cho ra mắt dịch vụ y bạ điện tử và chăm sóc sức khỏe từ xa. Hiện doanh nghiệp này đang hoàn thiện kế hoạch kinh doanh và đã huy động được hơn 1 tỉ đồng từ các quỹ đầu tư. Một số chủ dự án trong “vườn ươm công nghệ cao” này hiện đang triển khai công tác tiếp thị, quảng bá và liên kết với các doanh nghiệp khác nhằm tìm đường phát triển ra thị trường. Năm 2010, khu này tiếp nhận năm doanh nghiệp vào chương trình ươm tạo, trong đó ba đơn vị đã chuyển từ giai đoạn tiền ươm tạo sang ươm tạo và hai đơn vị đang ở giai đoạn tiền ươm tạo.

Hiệu quả chưa như mong đợi

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, đồng thời là Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) cho biết tại Hòa Lạc hiện có 28 nhóm doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực ươm tạo công nghệ cao, gồm 13 nhóm độc lập và 15 nhóm liên kết, thu hút hơn 500 nhân lực tham gia công tác nghiên cứu và triển khai. Trong 13 nhóm đang hoạt động kể trên, đã có năm doanh nghiệp thành danh trong nước và bắt đầu “bước ra ngoài với doanh số nhiều tỉ đồng”.

Vườn ươm của Công viên Phần mềm Quang Trung, ra đời vào cuối tháng 5-2005, được coi là mô hình ươm tạo doanh nghiệp phần mềm đầu tiên ở Việt Nam và được nhận nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại từ Liên minh châu Âu (EU). Vườn ươm này được xem là một mô hình tham khảo đối với các vườn ươm khoa học - công nghệ và vườn ươm doanh nghiệp chuyên ngành do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai sau này.

Năm 2006, vườn ươm trực thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM được thành lập, và hai năm sau đó trường Đại học Nông lâm cũng cho ra đời một mô hình của riêng mình. Vào tháng Giêng năm 2010, trường Đại học Bách khoa TP.HCM khai trương vườn ươm của mình với sự trợ giúp của Sở Khoa học và Công nghệ, với năng lực ươm tạo 10 doanh nghiệp, và hiện đã có năm doanh nghiệp đang thực hiện các công việc “tạo hạt giống tốt” của mình. Cũng trong khoảng thời gian này, một vườn ươm nữa thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM mở cửa.

Ở Hà Nội, hai khu vườn ươm cũng ra đời và đi vào hoạt động, một tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, đánh giá chung về các mô hình vườn ươm này, giới chuyên gia cho rằng kết quả vẫn chưa được như mong đợi.

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Ngọc Tuấn, Đại học Bách khoa TP.HCM, nói rằng hiện nay ở Mỹ có hơn 1.200 vườn ươm, và 92% doanh nghiệp trong đó ra đời, tiếp tục phát triển và thành công sau năm năm, so với tỷ lệ chỉ 21% doanh nghiệp ngoài vườn ươm còn tồn tại được sau khoảng thời gian đó. Còn ở Việt Nam, theo một cuộc nghiên cứu sơ bộ, 30% doanh nghiệp “chết” trước một tuổi, 50% chết trước hai tuổi và 80% doanh nghiệp chết sau chưa tới ba năm hoạt động.

Những nút thắt cần gỡ

Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHBI). Ảnh: Thảo Ly.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ là chưa có đầu vào tốt (hạt giống tốt) và thiếu công cụ hỗ trợ, nhất là công cụ tài chính như các quỹ đầu tư mạo hiểm, bởi lẽ đầu tư vào lĩnh vực này cũng được xem là đầu tư mạo hiểm. Ngay cả khi có hạt giống tốt, thì những khâu liên quan như tiếp thị, quảng bá, thương mại hóa các công trình nghiên cứu vẫn là một công việc đầy khó khăn và các doanh nghiệp vẫn phải tự bươn chải.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng cho rằng các cơ chế chính sách, nhất là chính sách tài chính, để hỗ trợ cho các vườn ươm và các doanh nghiệp như hiện nay, vẫn “chưa tốt lắm”. Dù đã có Quỹ Phát triển Khoa học - Công nghệ nhưng các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chưa được hình thành. Một triển vọng sáng sủa, theo ông, đó là quỹ đầu tư mạo hiểm do ngân sách nhà nước cấp vốn đang được hình thành bên cạnh một loại hình tài chính hỗ trợ nữa, gọi là ngân hàng phát triển, được phép sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay triển khai các đề tài tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng và giá trị cao. Thế nhưng, khó khăn hiện nay là vẫn chưa có các tiêu chí cụ thể và chưa có tổ chức, cơ quan phụ trách việc giám định, xác định tính hiệu quả của dự án cùng cơ chế để giải quyết thông thoáng những vướng mắc giữa người cho vay và người vay vốn.

Theo ông Lạng, để phát triển được mô hình vườn ươm doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Việt Nam cần phải học kinh nghiệm của các nước đi trước trong việc này và phải thực thi một cách quyết liệt. Các quốc gia phát triển thường đầu tư xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng và có một nguồn lực tài chính dồi dào. Họ tập trung cho khâu đào tạo nhân lực cùng các dịch vụ tư vấn để hỗ trợ tối đa cho tất cả những cá nhân, tổ chức có ý tưởng, có công nghệ muốn thương mại hóa hay muốn thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các vườn ươm này cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế hạ tầng bằng 1/10 so với các khu công nghiệp bình thường khác. Chính vì thế, hàng trăm doanh nghiệp ươm tạo như thế đã ra đời, và 80% số doanh nghiệp tại các vườn ươm ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ gần Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… là những điển hình thành công.

Hiện tại, một số vườn ươm cũng đã được hình thành ở các trường đại học và đang tạo ra nguồn lực cho ngành nhưng theo các chuyên gia, việc phát triển thành các doanh nghiệp hay tiến hành việc thương mại hóa các công trình nghiên cứu ở quy mô lớn thì vẫn không khả thi. “Các vườn ươm trong đại học ban đầu rất thành công, nhưng do khả năng tổ chức, hạ tầng, khả năng nuôi dưỡng của các trường đại học là không có hoặc rất ít, các mô hình đó vẫn chưa thể phát triển”, ông Lạng nói.

Một trong những lý do là khi các trường tự bỏ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng thì điều này không hề dễ dàng. Hơn nữa, việc mở rộng quy mô, triển khai trên diện rộng các trường đại học vẫn chưa thể kham nổi, bên cạnh một yêu cầu khó khăn không kém là cân đối giữa công tác giảng dạy, nghiên cứu và triển khai việc ươm tạo của đội ngũ các nhà khoa học ở trường. Một khi thiếu những điều kiện kể trên thì không thể làm tốt nhiệm vụ ươm tạo, hoặc nếu được thì chỉ có thể thành công ở quy mô nhỏ.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Năm 2014, Việt Nam phóng vệ tinh viễn thám
  • Chế tạo, lắp ráp thiết bị khử mặn lớn nhất thế giới
  • Xét nghiệm thành công bệnh vi bào tử ở tôm sú
  • Xây dựng công nghệ điều hành liên hồ chứa ngăn lũ
  • Sử dụng công nghệ tiết kiệm điện cho đèn đường
  • TPHCM cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
  • Điện toán đám mây: Công nghệ mới vẫn còn nhiều thách thức
  • Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển dịch vụ: Hướng đi nào cho TPHCM?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị