Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển dịch vụ: Hướng đi nào cho TPHCM?

Ứng dụng khoa học công nghệ, ngành dịch vụ cảng của TPHCM sẽ có thể phát triển mạnh hơn nữa. Ảnh: Lê Toàn.

Không đợi đến khi TPHCM phát động và kêu gọi phát triển dịch vụ, nhiều doanh nghiệp đã thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, với cách làm manh mún và tự phát, họ vẫn gặp khó khăn. Nếu lấy doanh nghiệp công nghệ làm nền tảng để thúc đẩy phát triển dịch vụ, TPHCM còn quá nhiều việc để làm.

Tập trung cho dịch vụ là cần thiết

Áp dụng những tiến bộ của ngành công nghệ thông tin để phát triển dịch vụ không phải là mới so với thế giới và cả các doanh nghiệp trong nước. Nhưng để có một chiến lược dài hơi cho ngành dịch vụ phát triển, tập trung vào khoa học dịch vụ, là hướng đi cần thiết trong xu hướng phát triển hiện nay. Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng. Ước tính ngành dịch vụ tạo ra khoảng 75% GDP ở các nước phát triển và khoảng 45% GDP ở các nước đang phát triển.

Thực tế, tỷ trọng các ngành dịch vụ cao cấp ở TPHCM vẫn còn thấp. Nguyên nhân được ông Tân thừa nhận là thời gian qua, hiệu quả đầu tư cho ngành dịch vụ vẫn còn thấp, chi phí trung gian cao dẫn đến chi phí kinh doanh cao. Hiện doanh nghiệp nhập một container hàng về Việt Nam, chi phí cao hơn nhiều so với những quốc gia khác. Theo tính toán, mỗi container hàng xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều phải qua trung chuyển làm chi phí tăng thêm 400 đô la Mỹ. Chỉ riêng hàng xuất khẩu, Việt Nam phải chịu mất 1,7 tỉ đô la Mỹ mỗi năm do phải trung chuyển.

Ngoài ra, theo Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, ngành dịch vụ ở thành phố thời gian qua chưa phát triển tốt là do hạn chế trong việc áp dụng công nghệ.

Giai đoạn 2011-2015, TPHCM tiếp tục đưa ngành dịch vụ làm trọng tâm trong định hướng phát triển của thành phố. Theo đó, ngành dịch vụ sẽ đóng góp vào cơ cấu kinh tế của khu vực dịch vụ trên 58%, với tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ tăng bình quân 12,3%/năm. Nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng trên cơ sở đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học quản lý và công nghệ thông tin. Phát triển thành phố trở thành trung tâm mua sắm mới của khu vực Đông Nam Á, làm nền tảng để thu hút du lịch mua sắm, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ. “Với mục tiêu trên, phát triển ngành khoa học dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ là vấn đề ưu tiên mà TPHCM sẽ đặt trọng tâm trong năm năm tới”, ông Tân nói.

Phát triển theo hướng nào?

Dù thừa nhận doanh nghiệp là hạt nhân trong quá trình phát triển dịch vụ của TPHCM, nhưng người đứng đầu Sở Khoa học Công nghệ cho rằng, TPHCM chỉ hỗ trợ chủ yếu về mặt chính sách, còn kinh phí thì không có khả năng hỗ trợ.

Trả lời TBKTSG bên lề buổi hội thảo “Phát triển ngành khoa học dịch vụ” ở TPHCM vừa được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công Nghệ, ông Nguyễn Văn Lạng, cho rằng định hướng phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin là phù hợp với thực tế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, ông Lạng tỏ vẻ âu lo về quá trình thực hiện kế hoạch phát triển dịch vụ của thành phố. “Kinh phí thực hiện chương trình là điều quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn để phát triển dịch vụ là tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp phát triển”, ông Lạng nói.

Để phát triển lĩnh vực dịch vụ vấn đề cần ưu tiên là loại bỏ những rào cản trong việc tiếp cận và gia nhập thị trường của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần thúc đẩy tư nhân hóa và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ.

Hiện Nhà nước vẫn có vai trò chi phối trong nhiều ngành dịch vụ, cản trở sự phát triển và tăng trưởng của dịch vụ. Trong một số lĩnh vực, các doanh nghiệp nhà nước có vị thế độc quyền, còn ở một số lĩnh vực khác các doanh nghiệp này trên thực tế là độc quyền hoặc thâu tóm toàn bộ ngành. “Đơn cử, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đứng đầu về công nghệ thông tin, với tỷ lệ người sử dụng Internet, thuê bao điện thoại chiếm tỷ lệ cao trên thế giới là do chúng ta đã mạnh dạn mở cửa thị trường viễn thông”, Thứ trưởng Lạng dẫn chứng. Việc mở cửa và tự do hóa thị trường sẽ tạo nên động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng được hưởng lợi từ những dịch vụ cung cấp này.

Nỗi âu lo của Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cũng chính là những khó khăn thường trực mà doanh nghiệp đang phải đối mặt hàng ngày.

Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty Phương Thịnh Phát, đơn vị là tác giả hệ thống giữ xe thông minh bằng công nghệ nhận dạng vô tuyến, vẫn “đau đáu” với nỗi lo tồn tại của mình. “Những sản phẩm phát minh của công ty đưa ra thị trường, dù đã được ứng dụng tốt một số nơi nhưng vẫn chưa được thương mại hóa đại trà”, ông Thịnh chia sẻ. Thực tế khi đi chào hàng, những khách hàng là các cơ quan nhà nước, sau khi dùng thử sản phẩm và đánh giá dịch vụ tốt, nhưng ít cơ quan chọn mua. Dù không nói lý do, nhưng ông Thịnh vẫn biết là khách hàng thích những nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài hơn, vì lý do giá bán cao hơn và được... “lại quả” nhiều hơn. “Chúng tôi chỉ là doanh nghiệp nhỏ, không đủ chi phí để quảng bá những sản phẩm dịch vụ của công ty mình. Có thể khách hàng đã tin tưởng chất lượng sản phẩm, nhưng họ vẫn chần chừ trong việc chọn mua, vì nhiều lý do...”, ông Thịnh nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ cần một sân chơi công bằng và minh bạch hơn trong việc nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm dịch vụ. Bên cạnh đó, với vai trò quản lý và khuyến khích phát triển dịch vụ, Nhà nước cần quảng bá và tuyên truyền tốt hơn cho những sản phẩm dịch vụ nội địa nhằm tạo thuận lợi hơn cho khách hàng tiếp cận dịch vụ.

Kế hoạch phát triển ngành khoa học dịch vụ ở TPHCM giai đoạn 2010-2020

Sở Khoa học Công nghệ TPHCM sẽ hợp tác với Công ty IBM xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển ngành khoa học dịch vụ tại TPHCM” giai đoạn 2010-2020.

Về nhân lực, TPHCM sẽ gửi đi nước ngoài đào tạo 20 chuyên gia nòng cốt có thể giảng dạy và tư vấn. Đưa bộ môn khoa học dịch vụ vào giảng dạy tại một số trường đại học ở bậc cử nhân/kỹ sư và thạc sĩ. Mục tiêu có khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp vào năm 2012. Đào tạo khoảng 10 chuyên viên làm việc trong khối doanh nghiệp...

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Chế tạo thành công máy biến áp 500 kV
  • Doanh nghiệp Việt làm máy tính bảng: “Quá khó!”
  • Cà Mau ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
  • Thành công ương giống cá bớp bằng sinh sản nhân tạo
  • Dịch vụ thu phí thông minh tại cầu Cần Thơ bị ế
  • “Việt Nam tổn thất 5.900 tỷ đồng vì virus máy tính”
  • Sản xuất chế phẩm thuốc trừ sâu không độc hại
  • Điện thoại "Made in Việt Nam” bao giờ thuần Việt?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị