Tương tự công nghệ cánh tay robot dùng trong chế tạo xe hơi, CyberKnife (ảnh) di chuyển trên khắp cơ thể bệnh nhân để bắn hàng trăm tia phóng xạ đến khối u ung thư từ nhiều góc độ khác nhau với độ chính xác cao. Theo đánh giá của giới chuyên môn, hệ thống xạ phẫu tự động 3 chiều không xâm lấn này là vũ khí công nghệ cao mới nhất trong cuộc chiến chống ung thư hiện nay, thay thế hiệu quả phẫu thuật mở và xạ trị truyền thống.
Thông thường, liệu pháp xạ trị có thể triệt tiêu hoặc làm teo khối u, cho phép bệnh nhân sống thêm vài tháng, thậm chí vài năm. Tuy nhiên, việc sử dụng tia phóng xạ liều cao có thể làm tổn hại các mô khỏe mạnh. Với ưu điểm phát ra các tia phóng xạ mảnh như nét bút chì, CyberKnife cho phép các bác sĩ hướng tia phóng xạ đến khối u với độ chính xác cao hơn mà không ảnh hưởng đến mô xung quanh. Và nhờ vậy, bác sĩ điều trị có thể sử dụng chất phóng xạ liều cao để tấn công khối u từ nhiều góc độ khác nhau. Chưa hết, công nghệ mới này cũng có thể dùng trong điều trị những khối u không thể phẫu thuật.
Điều trị cho bệnh nhân bằng máy CyberKnife tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: benhvien108.vn |
Theo tiến sĩ David Landau, chuyên khoa ung bướu Bệnh viện St Thomas (Anh), một hạn chế nữa của phương pháp xạ trị là khi những khối u nằm gần các tổ chức trọng yếu như mạch máu hay nội tạng quan trọng, những cơ quan này có thể bị thương tổn sau nhiều đợt điều trị. Trong khi đó, máy CyberKnife cho phép xạ trị nhiều dạng khối u khó chạm tới.
CyberKnife được giáo sư John R. Adler thuộc Khoa Phẫu thuật thần kinh và Xạ phẫu ung bướu của Đại học Stanford (Mỹ) phát minh năm 1994. Sau nhiều lần được cải tiến, năm 2001 CyberKnife được Cục Quản lý Dược - Thực phẩm Hoa Kỳ cấp phép lưu hành. Tại Mỹ, ban đầu CyberKnife được dùng trong điều trị u não, sau đó ung thư phổi, tiếp đến là ung thư cổ, đầu, tuyến tụy... Sau gần 10 năm, đến nay đã có hàng trăm trung tâm ứng dụng công nghệ CyberKnife trên thế giới, như ở Nhật, Malaysia, Đức, Anh, Ý... Ước tính hơn 40.000 bệnh nhân toàn cầu đã được điều trị ung thư bằng phương pháp tân tiến này.
Ở Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội là đơn vị đầu tiên mở trung tâm CyberKnife (năm 2006). Tại đây, CyberKnife được ứng dụng trong điều trị các dị dạng mạch (não, tủy sống), các rối loạn chức năng và các khối u (lành và ác tính) ở não, phổi, gan, tụy, tiền liệt tuyến cũng như các tổn thương khác trong cơ thể khi có chỉ định với độ chính xác dưới millimét.
Ưu điểm của CyberKnife: - Không dùng dao mổ - Điều trị những khối u khó chạm hoặc không mổ được - Không ảnh hưởng các mô khỏe mạnh - Không cần khung cố định, định vị - Độ chính xác cao - Ít gây tai biến, biến chứng - Đạt hiệu quả tương tự như phẫu thuật mở - Thời gian bình phục nhanh, có thể điều trị ngoại trú - Không đau, không chảy máu, không cạo tóc (Theo benhvien108.vn) |
(Theo BẢO TRÂM // Cantho Online // Telegraph, Southwest Washington Medical Center, Stanford Hospital)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com