Sử dụng tế bào gốc đa chức năng (IPS) từ da chuột, các nhà khoa học thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) do các giáo sư Ito Shoua và Shinya Yamanaka lãnh đạo vừa nuôi cấy thành công tế bào thần kinh thính giác, mở ra triển vọng đem lại khả năng nghe cho những người mắc bệnh khiếm thính do sự giảm thiểu số lượng thần kinh thính giác gây ra.
Các nhà khoa học sau đó đã cấy tế bào thần kinh thính giác vào ốc tai chuột con mới sinh. Sau một tháng, đa số tế bào được cấy phát triển rất nhanh và hình thành các dây thần kinh ốc tai. Thông thường, bệnh khiếm thính là do suy giảm hoặc thiếu loại dây thần kinh này.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy thành công tế bào thần kinh thính giác trên cơ sở lợi dụng tế bào gốc phôi, sau đó cấy vào chuột bị tổn thương thần kinh thính giác và đã cải thiện một phần khả năng thính giác của chuột.
Còn việc nuôi cấy tế bào thần kinh thính giác nguyên bản trên cơ sở tế bào IPS tạo khả năng không cần dùng tế bào phôi và tránh được hiện tượng đào thải.
Robot có hệ thống cơ và xương nhân tạo
Sau nhiều năm nghiên cứu miệt mài, các nhà khoa học thuộc phòng nghiên cứu Robot JSK, Đại học Tokyo, chế tạo thành công loại robot Kojiro được lắp hệ thống cơ, xương và dây chằng phức tạp giống như trên cơ thể người và nhờ đó, có thể chuyển động rất linh hoạt, giống như người.
Tính ra, có hơn 100 cấu trúc cơ và dây chằng của Kojio tạo ra 60 mức độ chuyển động, nhờ đó, cử động linh hoạt hơn các thế hệ robot trước đây, kể cả người máy Asimo.
Vấn đề còn lại là xây dựng bộ não mới cho robot để nó có thể tương tác với người và thực hiện những cử động phức tạp hơn.
Tào Tháo thuộc dòng họ nào?
Tào Tháo là nhân vật lịch sử nổi tiếng ở Trung Quốc và lâu nay nhiều nhà khoa học đã tốn công tìm kiếm để xác định con người này là hậu duệ của dòng họ nào của họ.
Theo truyền thuyết, Tào Tung (cha đẻ Tào Tháo) vốn mang họ Hạ Hầu nhưng sau đó được hoạn quan Tào Đằng nhận làm con nuôi nên nhận họ Tào. Vì vậy, Tào Tháo thực chất là con cháu họ Hạ Hầu.
Nhưng ông Hàn Thăng Dữ, Phó hội trưởng Sử học Trung Quốc, cho rằng, theo những ghi chép trong sử sách còn lưu giữ lại đến ngày nay, có thể khẳng định, Tào Tháo không thuộc dòng họ Hạ Hầu.
Gần đây, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật ngôi mộ được coi là của Tào Tháo để lấy mẫu ADN nhằm xác minh xem ngôi mộ được khai quật ở An Dương, Hà Bắc (Trung Quốc) có thật là mộ của Ngụy Vũ Đế Tào Tháo hay không.
Các nhà khoa học của Trường Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) đã so sánh mẫu ADN các hậu duệ của Tào Tháo với ADN từ bộ xương được tìm thấy trong ngôi mộ thì hoá ra Tào Tháo không phải là con cháu dòng họ Hạ Hầu như mô tả trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. (Trong ảnh là ngôi mộ ở An Dương được cho là của Tào Tháo).
Tóc của Hoàng đế nước Pháp Napoleon xuất hiện ở Australia
Hoàng đế nước Pháp Napoleon Bonaparte qua đời trên một hòn đảo cách xa Australia hàng ngàn kilômét. Thế nhưng gần đây người ta phát hiện ra một nhúm tóc của ông được lưu giữ ở Australia.
Đó là những sợi tóc màu nâu sáng được phát hiện trong một kho ngầm của Tòa thị chính thành phố Sydney (Australia) cùng với một lá thư bí mật khi người ta tiến hành sửa chữa và nâng cấp tòa nhà.
Chưa ai thẩm định được lý do, thời gian và cách thức những báu vật này được đưa tới đây.
Theo bà Margaret Betteridge, người quản lý những thứ được tìm thấy trong tòa thị chính, ban đầu bà không dám chắc những sợi tóc đó là của Hoàng đế Pháp, nhưng lá thư kèm theo lại khẳng định điều đó.
Người viết thư tự xưng là Ned Todd, công dân Scotland, nhận được những sợi tóc này từ một phụ nữ. Anh trai của người phụ nữ đó là thiếu tá William Crockat, túc trực bên giường của Napoleon khi ông qua đời và cắt trộm tóc trên thi thể Hoàng đế nước Pháp khi làm nhiệm vụ túc trực bên linh cữu của người quá cố.
(Theo Lê Thùy Dương // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com