|
Tại sao giá xe hơi ở ta lại cao chót vót? Thật dễ để trả lời câu hỏi này, đó là vì giá xe hơi hiện nay vẫn đang phải “gánh” nhiều loại thuế và phí ở mức cao.
Điều đó thì đúng rồi, nhưng ở bài viết này tác giả lại xin tản mạn đôi chút về câu chuyện giá xe qua một góc nhìn khác, cũng một phần là mạo muội để ai đó quan tâm lấy chỗ suy ngẫm.
1. Các bậc tiền nhân từ xưa vẫn răn rằng tiền nào thì của nấy. Trong thời buổi thị trường mở cửa, giao thương được “làm phẳng” như bây giờ, thì lời răn của các bậc tiền nhân càng trở nên uy nghiệm hơn bao giờ hết.
Tạm thời không nhắc đến chuyện cân đường, gói kẹo nữa, vì nó thành thường nhật rồi. Giờ thử nhắc đến thứ hàng hóa xa xỉ hơn như chiếc xe hơi xem câu chuyện này thế nào!
Một bận có anh bạn vong niên gọi điện, bảo “ông đi xem giúp tôi cái BMW đời mới nào hay hay nhé”. “Gớm thật, dạo này làm ăn tốt quá nhỉ, có tiền mua “Bim” cơ đấy”, tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Anh bạn liền nói, “cũng gọi là khá hơn chút thôi, nhưng nhu cầu phải có cái xe thì cố mà mua cái xe tốt tốt, tiền nào của nấy mà. Tôi ngại ham đồ rẻ rồi đến lúc trục trặc chẳng biết kêu ai”.
Ngẫm kỹ càng thấy dân tình bây giờ cũng sành lắm và ngày càng cẩn thận. Cũng là một cái xe BMW, nhưng anh bạn đòi phải dẫn đi mua xe chính hãng, và nhờ mối quan hệ, biết đâu còn được khuyến mãi chút đỉnh.
Cái lý anh đưa ra là thế này: Mua xe bên ngoài chắc chắn rẻ hơn vài nghìn đô, nhưng đổi lại, mua xe chính hãng thì dịch vụ đáng tin cậy. Hễ mình có trục trặc gì, gọi là họ cho người đến xử lý trực tiếp. Chưa nói mua xe “chợ” nhiều khi mua phải đồ lởm. Vì có lần nghe lỏm được chuyện mấy vị kinh doanh xe hơi hay lắp thêm phụ kiện, thiết bị kém chất lượng từ Trung Quốc, Đài Loan để hạ giá.
2. Lại nói về dịch vụ. Tại sao nhiều người cứ cố gom thêm tiền, kể cả phải vay nợ, để mua cho bằng được cái xe có thương hiệu, có uy tín. Chẳng phải là họ sính đồ ngoại hay làm vì làm vẻ ra oai, mà bởi thực chất thương hiệu và uy tín vốn đã gắn liền với dịch vụ tốt, bên cạnh chất lượng sản phẩm tốt.
Đem sản phẩm nọ so sánh với sản phẩm kia, thương hiệu nọ so sánh với thương hiệu kia thì e là không nên. Nhưng ngẫm ra cũng thấy cái lý của mấy ông bán xe giá đắt.
Ở Việt Nam, BMW là thương hiệu xe hơi cao cấp được khối người ngưỡng mộ. Cũng có một thời gian nhiều người bảo “sao mấy ông Euro Auto bán xe đắt thế, cao hơn xe ngoài đến mấy nghìn đô”.
Trước đây có anh bạn cũng nói thế. Giải thích ra thì phản ứng “ông lại bênh họ rồi”. Nhưng khi dùng xe một thời gian, anh bạn mới gật gù tỏ ý là đã “ngộ” ra. “Một bận đi họp trong thành phố (Tp.HCM), thấy khó kiếm chỗ gửi xe quá mới nhớ ra Euro Auto họ nhận giữ xe miễn phí. Thế là gọi, 15 phút sau có nhân viên đến mang xe đi, trước khi về lại gọi họ mang xe đến. Nhỏ thôi, nhưng nó cho thấy là đáng đồng tiền bát gạo”, anh bạn kể.
Theo ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế (nhà phân phối chính thức của Audi Việt Nam), thì giá xe cao bên cạnh chất lượng, mẫu mã còn bao hàm cả hệ thống dịch vụ sau bán hàng vượt trội. Nhà phân phối phải đầu tư chi phí rất lớn vào hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tại showroom cũng như dịch vụ để đảm bảo những yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn Audi toàn cầu. Đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo một cách bài bản, thường xuyên dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Audi.
Chính vì thế, khi anh bỏ tiền mua một chiếc Audi, nếu lỡ trong một cuộc hành trình xa xe có gặp trục trặc hay sự cố gì, hãng sẵn sàng gửi ngay kỹ sư đến tận nơi để xử lý. Rõ ràng khi khách hàng bỏ ra đồng tiền thì họ cần được và phải được đối xử như các "thượng đế".
Ngoài ra, ông Trung cũng cho biết thêm bất kỳ chiếc xe Audi nào được nhập về tại hãng cũng được “thích ứng hóa”. So sánh với xe được “bưng nguyên xi” từ Mỹ hay châu Âu, xe nhập chính hãng có những tính năng, kỹ thuật khác hẳn. Chẳng hạn như hệ thống nhiên liệu, điều hòa, còi xe…của hầu hết các xe Audi đều được thay đổi để thích ứng với điều kiện khí hậu, nhiên liệu, cũng như giao thông tại Việt Nam và chỉ một vài bộ phận như thế cũng khiến cho chi phí sản xuất tăng lên đáng kể.
3. Nếu tạm coi giá xe được các nhà sản xuất hay phân phối đưa ra là mức chuẩn thì ở nhiều trường hợp, người mua xe đang phải chịu cái giá đắt hơn khá nhiều một cách vô lý mà nguyên do lại xuất phát từ chính khách hàng.
Hẳn không ít người vẫn đang bức xúc về chuyện giá xe máy Honda Air Blade, LEAD và cả Yamaha Nouvo LX… lâu nay bị các đại lý đẩy lên cao đến 10-30% so với giá đề xuất của nhà sản xuất.
Rồi đến cả những chiếc xe hơi có giá trị gấp đến hàng chục, hàng trăm lần cũng không tránh khỏi chuyện đó.
Vì sao vậy? Thực tế nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tình trạng đội giá chính là việc thiếu nguồn cung (dù là thật hay ảo). Đã là kinh doanh, trong khi thiếu hàng mà lượng khách mua lại lớn thì người bán khó có thể cưỡng lại việc đẩy giá lên cao để kiếm lời.
Song điều đáng nói ở đây là tình trạng đó không phải một đặc thù đối với thị trường ôtô, xe máy, họa chăng chỉ có ở Việt Nam. Mà nguyên nhân sâu xa hơn là vì các khách hàng thường tự đặt mình vào “thế khó”. Thị trường chứng khoán từng một thời sôi sục vì tâm lý đám đông, thị trường ô tô, xe máy không không ngoại lệ.
Có những thời điểm thị trường khó khăn, không ai chịu đi mua xe. Nhưng lại có những thời điểm (như hiện nay), người dân lại đổ xô đi mua xe cho dù giá xe đang đắt, mua xe phải “xếp hàng” chờ vài tháng. Đây chính là “chỗ dựa” quan trọng để các đại lý tha hồ bắt chẹt khách hàng.
4. Nói đến giá xe đắt thì cũng thử nói đến chuyện giá rẻ. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, xe hơi giá rẻ đang trở thành một xu hướng ngày càng rõ ràng.
Không phải ngẫu nhiên mà mẫu xe 2.000 USD Tata Nano của Ấn Độ được cả thế giới chú ý. Thực ra với đa số người dân, kể cả ở một số quốc gia phát triển, chiếc xe hơi về bản chất cũng chỉ được coi là phương tiện giao thông chứ không phải là thứ trang sức cao cấp. Và khi đó, những tính năng giao thông được đáp ứng đầy đủ trên một chiếc xe thì chiếc xe đó sẽ được lựa chọn.
Quãng đường 10 năm phát triển thực tế là dài so với chu kỳ của một mẫu xe (thường chỉ 5-8 năm). Tuy nhiên, 10 năm giữ doanh số hàng đầu tại thị trường Việt Nam của Daewoo Matiz đã cho thấy một thực tế rõ ràng là xe giá rẻ vẫn có đất, thậm chí là đất lành để phát triển.
Vì sao cách đây 10 năm người dân, doanh nghiệp đua nhau mua xe Matiz? Đơn giản là vì mẫu xe này có mức giá rẻ mà khi đó không có mẫu xe nào cạnh tranh nổi.
Đến nay, khi thị trường đã trở nên phong phú, khách hàng có nhiều sự lựa chọn thì vẫn đang có một dòng chảy riêng khá mạnh mẽ cho xe giá rẻ. Hàng loạt mẫu xe giá thấp mới được tung ra thị trường và ít nhiều đã gặt hái được thành công. Trong đó có thể kể đến mẫy mẫu xe của Lifan, Chery QQ3 (Trung Quốc), Chevrolet Spark, Kia Morning (Hàn Quốc)…
Điểm mấu chốt của những mẫu xe này chính là việc các nhà sản xuất đã tiết giảm được nhiều loại chi phí, đơn giản hóa hàng loạt các chi tiết, tính năng được cho là không thực sự cần thiết đối với một chiếc xe… giá rẻ.
Nói như một số người, thì sử dụng đơn giản, vận hành an toàn, che mưa che nắng, tiết kiệm nhiên liệu và không… phá hoại môi trường là những điều kiện tạm coi là cần và đủ đối với một chiếc xe. Và khi giá của chúng rẻ, chúng được lựa chọn là hiển nhiên.
(Theo Đức Thọ // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com