Đón đầu Quy hoạch nhóm cảng biển số 5 (gồm 3 cụm cảng lớn là cụm cảng TP.HCM, cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, cụm cảng Đồng Nai) và việc di dời khu cảng trên sông Sài Gòn, từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, TP.HCM đã nghĩ đến phương án tìm thêm một luồng tàu biển mới để chia tải với luồng Lòng Tàu.
Tuy nhiên, khu vực TP.HCM lúc bấy giờ ngoài tuyến sông Lòng Tàu với độ sâu ổn định khoảng 8m có thể đáp ứng cho cỡ tàu 20.000 - 30.000 DWT thì không còn sông nào đáp ứng được các tiêu chí của một luồng tàu biển. Nhưng khi Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) phối hợp cùng với Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế kỹ thuật cảng (Port Coast) phát hiện ra luồng Soài Rạp tại Hiệp Phước - huyện Nhà Bè thì Soài Rạp chính thức trở thành tuyến luồng thứ hai duy nhất có thể đáp ứng yêu cầu trên.
Khởi đầu bằng những nghiên cứu khảo sát thủy hải văn, địa chất, địa hình, nhóm công tác nhận định rằng luồng Soài Rạp có rất ít biến đổi về mặt hình thái, các đoạn sâu càng ra biển càng rộng hơn và đặc biệt rất ít bồi lắng. Chính vì sự khẳng định này, năm 1999, Cục Hàng hải VN đã cho thả phao dọc theo tuyến cho cỡ tàu 5.000 DWT đầy tải ra vào khu vực cảng trên sông Sài Gòn. Sau một thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, năm 2007, Soài Rạp được chính thức nạo vét thử nghiệm đến độ sâu - 7m có thể đáp ứng được cỡ tàu có tải trọng từ 5.000 DWT đầy tải đến 15.000 DWT giảm tải lợi dụng thuỷ triều ra, vào.
Và qua 1 năm quan trắc cho thấy mức sa bồi trở lại là rất ít. Không dừng lại ở độ sâu - 7m, những ngày cuối tháng 4 này, Port Coast cũng như IPC đang chuẩn bị cho công tác khởi công giai đoạn 2 của việc nạo vét với độ sâu âm 12m để có thể đón tàu 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT vơi tải lợi dụng triều ra vào. Với độ sâu này, khu cảng TP.HCM có thể đón nhận những nguồn hàng lớn hơn nhiều so với dự báo trong quy hoạch.
Vì theo quy hoạch nhóm cảng số 5 được Chính phủ duyệt năm 2005, dự báo nhu cầu nguồn hàng thông qua hệ thống cảng khu vực TP.HCM kể cả giai đoạn di dời sẽ đạt 26 triệu tấn đến năm 2010 và 35 triệu tấn đến năm 2020. Nhưng chỉ 2 năm sau dự báo, lượng hàng hoá thông qua các cảng trong khu vực này đã lên đến con số 50 triệu tấn/năm, vượt xa so với dự báo ban đầu nên việc tìm một luồng tàu mới để chia tải với tuyến sông Lòng Tàu là một bước quyết định khá đúng đắn.
Tuy Soài Rạp được đánh thức để phục vụ cho luồng tàu biển nhưng nếu TP.HCM chú trọng đến việc phát triển vận tải hàng hoá cũng như hàng khách bằng vận tải thuỷ nội địa thông qua tuyến luồng này thì việc khơi thông luồng là không thừa. Vì so với sông Lòng Tàu, nếu đi theo sông Soài Rạp từ phao số 0 thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào đến Cát Lái sẽ rút ngắn khoảng 10km và về đến Hiệp Phước sẽ rút ngắn hơn 20km.
Song song với việc nghiên cứu, nạo vét luồng Soài Rạp, trong 5 năm qua, TP.HCM cũng đã đầu tư mở rộng vùng không gian phát triển đô thị, xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư mới tại khu vực quận 7 và Nhà Bè, tạo nên một hệ thống dự án nối kết nhau mở rộng TP.HCM về hướng Nam, Đông Nam và ra Biển Đông. Việc đưa luồng Soài Rạp vào hoạt động tiếp tục nạo vét là một bước quan trọng cho tiến trình di dời các cảng biển trong nội đô TP.HCM, đánh dấu bước chuyển mới trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng thời phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và cảng container ở TP.HCM.
TheoGTVT
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com