Trong khi hàng xuất khẩu đi Mỹ và nhập khẩu từ Mỹ đang đổ về cảng Cái Mép thì hàng châu Âu hãng tàu vẫn sử dụng tàu con (feeder) để vận chuyển đến cảng trung chuyển Hong Kong, Singapore để nối tàu mẹ.
Trong tháng 5, ngoài tuyến tàu trực tiếp từ Vũng Tàu, sẽ có thêm tuyến tàu thứ hai từ Sài Gòn đi Mỹ.
Thêm tuyến tàu trực tiếp đi Mỹ
Mất hơn ba tháng thử nghiệm, hãng Maersk mới mở tuyến tàu mẹ từ Sài Gòn trực tiếp đi Mỹ. Ảnh: TL |
Sau khi thử nghiệm đưa tàu Albert Maersk, trọng tải 8.272 TEU vào vận hành thử tại cảng Saigon Port PSA hồi tháng 2 vừa qua, hãng tàu Maersk dự tính khai trương tuyến vận tải trực tiếp từ Sài Gòn đi Los Angeles, Mỹ vào trung tuần tháng 5 này. Theo giới kinh doanh dịch vụ vận tải, hãng tàu Maersk muốn thử nghiệm độ ổn định của luồng lạch và cầu cảng SP-PSA đáp ứng được mớn nước của tàu trọng tải cỡ 9.000 TEU do có chiều dài lên tới 352m và mớn nước sâu hơn 12m chưa từng xuất hiện tại các cảng biển Việt Nam.
Ngoài hãng tàu Maersk, nhóm các hãng tàu Grand Alliance sẽ đưa thêm tàu container vào khai thác tuyến từ Việt Nam đi bờ tây Mỹ trong tháng 5. Nhóm các hãng tàu Grand Alliance bao gồm NYK,OOCl, Hapag Lloyd cũng đã đưa tàu đi trực tiếp bờ đông nước Mỹ từ năm ngoái
Trong tương lai, sau khi hoàn thành nạo vét lòng sông Thị Vải, những con tàu mẹ có trọng tải lớn sẽ dần thay thế những con tàu feeder nhỏ có trọng tải vài trăm TEU vẫn thường qua lại trên sông Sài Gòn.
Hiện nay, các chuyến tàu đi Mỹ trực tiếp tuy chưa đem lại lợi thế về thời gian vận chuyển do hàng phải hoàn tất thủ tục hải quan trong nội thành rồi di lý ra hải quan Vũng Tàu, song nhà xuất khẩu dễ dàng thuyết phục khách hàng yên tâm do khả năng hàng phải nằm lại cảng chuyển tải sẽ không còn. Các nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới như Gap, Target, Adidas đã rút ngắn được đáng kể thời hạn giao hàng khi quyết định đặt hàng từ Việt Nam. Theo một công ty logistics quản lý đơn hàng cho các nhãn hiệu nổi tiếng này, việc hàng đến sớm hay muộn một ngày đủ để thay đổi cả kế hoạch tiêu thụ tại thị trường Mỹ.
Chưa thể đi thẳng tới châu Âu
Có thể nói cảng nước sâu là xu hướng tất yếu và mở ra những con đường mới trên biển cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam. Song hàng xuất khẩu đi châu Âu vẫn chưa qua cảng nước sâu Cái Mép trong khi tuyến đi Mỹ mở gần một năm nay. Các hãng tàu giải thích, tuyến đi Mỹ do là điểm đầu tiên, hàng trên tàu mẹ chưa nhiều nên mớn nước và luồng lạch không yêu cầu độ sâu đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó tàu mẹ đi châu Âu sau khi gom hàng tại khu vực Đông Bắc Á, Singapore, Hong Kong rồi mới đến Việt Nam nên cần mớn nước sâu hơn. Thông thường cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn phải có độ sâu trên 14m như các cảng trung chuyển trong khu vực là Hong Kong, Yantian (Trung Quốc), Singapore.
Theo ước lượng của hãng tàu MOL, hiện chỉ có khoảng 5% lượng container đi Mỹ được hạ trực tiếp tại Cái Mép. Đây là những doanh nghiệp có nhà máy toạ lạc ở các khu vực lân cận. Các doanh nghiệp này có lợi thế rất lớn về thời gian sản xuất khi thời hạn nhận hàng của hãng tàu có thể trễ hơn. Hiện nay, hãng tàu thôi nhận hàng trong vòng 24 tiếng trước khi tàu chạy. 95% lượng hàng còn lại phải hạ bãi, thanh lý hải quan ở các cảng ICD Phước Long, Tanamexco, Tân Cảng, Cát lái, VICT…trước giờ tàu chạy ba ngày. Một số doanh nghiệp do hàng sản xuất quá cận ngày tàu chạy nên phải lựa chọn dịch vụ feeder thay vì đi tàu trực tiếp.
Trong thời gian qua, để khuyến khích chủ hàng làm quen với cảng Cái Mép, hãng tàu tự thuê sà lan để kéo hàng ra Cái Mép. Biện pháp này cũng là để tránh sự thay đổi quy trình làm hàng đột ngột, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này sắp có khả năng chấm dứt. Theo thông tin từ các hãng tàu, họ đang tính toán khả năng sẽ thu của khách hàng phí vận chuyển đường thuỷ bằng sà lan từ TP.HCM ra Vũng Tàu. Mức phí cụ thể chưa được công bố nhưng dự kiến khoảng từ 80 đến 100 đôla cho container 40 feet mà chủ hàng – các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gánh thêm chi phí này. Tuy nhiên theo tính toán của hãng tàu, chi phí này vẫn rẻ hơn là doanh nghiệp thuê xe vận tải bằng đường bộ ra cảng Cái Mép. Hiện nay giá kéo một container loại 40 feet đi Vũng Tàu khoảng 200 đôla. Theo các doanh nghiệp vận tải container đường bộ, đường ra cảng Cái Mép chưa thông lại bị xuống cấp nên chi phí khó thấp hơn mức này.
(Theo Vũ Hy // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com