Mặc dù đã điện thoại liên hệ trước, nhưng khi chúng tôi đến nhà, Viên Văn Ngọc - người được bà con thôn Lâm Trường, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo mệnh danh là triệu phú dế - lại đã "vừa đi có tí việc" như lời cụ thân sinh của ông và mấy công nhân đang miệt mài bên đống đất chuẩn bị cho đóng túi ươm cây sưa giống thông báo...
Một góc trại dế của ông Ngọc. |
Chị công nhân tên Hợi đang hí húi bên một loạt những khay chậu lỉnh kỉnh, ngẩng lên, nói như an ủi "các anh cứ chờ một tí, ông ấy về ngay thôi, có người trong làng điện nhờ ông ấy đến xem cho mấy chậu dế giống vừa gây ấy mà!".
Ngay lập tức chúng tôi bị tiếng ran ran ri ri như một bản hòa tấu các giọng hát của họ hàng cái con nhà dế cất lên từ chồng chậu nhựa xanh, đỏ cỡ đại trong căn lán ước hơn năm chục mét vuông thu hút.
Mỗi cái chậu nhựa này là một chuồng dế đấy - Chị Hợi hóm hỉnh nói khi chúng tôi sà xuống thích thú quan sát. Chị và một công nhân khác đang cho vào các vỏ hộp đó, những nùi nhỏ vải vụn, sau đó bỏ lên trên nùi vải vụn những viên sỏi cuội đã được rửa sạch. Tiếp đó chị rót vào mỗi vỏ hộp đã có vải vụn và sỏi cuội ấy một lượng nước vừa đủ lấp xấp những viên sỏi cuội. Chị bảo, "làm thế để dế khi xuống uống nước có chỗ đậu mà không bị ngã chết đuối". Sau đó, chị nhấc lồng bàn lên, cẩn thận đặt vào mỗi chậu nhựa như thế hai vỏ hộp nước.
Mỗi chậu nhựa quả là một vương quốc tí hon nhà dế. Trong đó, gồm hai chiếc rế tre làm chỗ cho dế đậu, một lớp mỏng rơm khô làm nơi cho dế ẩn, một tấm nhựa nhỏ cỡ bàn tay làm máng đựng cám - thức ăn của dế. Đặt các khay nước xong, chị Hợi lấy cái thìa nhỏ, xúc cám con cò đã được nghiền nhỏ nhẹ nhàng đổ vào từng máng. Mấy chú dế thấy động nhảy lên tanh tách. Mấy chú khác đang mải ăn bị thìa cám đổ trúng vội lao xao bò trốn…nhìn thật vui mắt.
Đó là những chậu nuôi dế nhỡ, dế trưởng thành, hoặc dế bố mẹ. Mỗi chậu là hàng trăm con dế béo mẫm, càng bóng như sừng. Còn ở những chậu nhựa khác, thay vào mấy cái rế tre, là một lớp dày rơm khô, thoạt nhìn thấy im lìm, thế nhưng, khi chị công nhân vén nhẹ lớp rơm lên, thì trời đất! Cơ man nào là dế con bằng cỡ đầu tăm tre, chúng xôn xao bò đen đặc cả đáy chậu. Chị Hợi bảo: Đây là dế vừa nở, chúng tôi chưa kịp tách chuồng cho chúng.
Vừa làm, chị Hợi vừa cho biết, chị vốn dân làm ruộng, hiện nhà có hơn năm sào ruộng cấy hai vụ, đầu tư giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, công cày bừa, làm cỏ bỏ phân rồi cấy gặt, phơi giở… tất tật mọi chi phí xong chả còn bao lăm thóc đổ vào thùng. Vo véo đủ gạo ăn là may. Còn bao khoản chi tiêu, đủ thứ đóng góp, nhà nông chưa biết trông vào đâu.
Từ khi được nhận vào làm công nhân nuôi dế ở nhà anh Viên Văn Ngọc, hằng tháng chị đã có một khoản thu chắc chắn là 1.5 triệu đồng. Khoản tiền này đỡ cho nhà tôi lắm đấy. Không thì, không nuôi nổi các cháu đi học đâu!. Chị bảo thế và nhoẻn cười. Đang mê mải xem dế và nghe chị Hợi nói chuyện, chợt tiếng một công nhân bên vườn ươm sưa giống vang lên cắt ngang "ông Ngọc về rồi đấy!". Ngẩng ra, một chiếc xe máy đang từ từ tiến vào sân.
“Triệu phú dế” có dáng người thấp nhỏ, gương mặt sạm nắng gió, nhưng cái miệng cười thật xởi lởi. Rất nhanh chóng, chúng tôi làm quen, và cũng rất nhanh chóng, khi thấy tôi ngỏ ý tìm hiểu về lũ dế, ông Ngọc nhấc luôn một cái chậu cạnh tôi ra. Mở lồng bàn, tay ông thoăn thoắt gạt lớp rơm, cho chúng tôi xem dế con, rồi vừa nhắc mấy công nhân nhanh tay cho dế ăn, ông vừa nhấc tiếp một chiếc chậu khác, lật lồng bàn, nhấc rế tre, cả trăm chú dế béo mẫm, đều tăm tắp nhảy lên lao xao.
Ông Ngọc đang hướng dẫn kỹ thuật nuôi dế cho khách.
Ông Ngọc bảo: Đây là lứa dế tôi tuyển làm dế bố mẹ, chuẩn bị xuất cho mấy khách hàng ở Nghệ An và Quảng Ninh. Họ hẹn lát nữa đến lấy!. Tay thoăn thoắt nhấc mở lồng kiểm tra, miệng ông nhanh nhảu giới thiệu cùng chúng tôi cung cách nuôi dế.
Trong một chiếc chậu khác ông nhấc ra mấy vỏ hộp sữa chua đựng đầy đất. Đây là nơi để dế đẻ và ấp trứng đấy - vừa nói, ông vừa dùng chiếc que nhỏ xới nhẹ lớp đất trong hộp, cơ man những trứng dế trắng đục trông giống những hạt cỏ chằm may đặc chạt trong đất… Một con dế mẹ có thể đẻ bao nhiêu trứng? Tôi hỏi, ông Ngọc lắc đầu: Chịu đấy! Cho ăn, chăm sóc tốt, nó đẻ rất nhiều, không thể đếm được đâu.
Ngoài cổng nhà ông liên tục rộ lên tiếng xe máy, tiếng người xôn xao. Là khách hàng đấy, hôm nào cũng thế. Chị công nhân đứng bên giải thích khi thấy tôi nhìn ra. Khách đến mua bán, người đến hỏi kỹ thuật đứng ngồi khắp sân nhà. Rồi bắt đầu từ lúc đó, điện thoại di động của Viên Văn Ngọc liên tục đổ chuông. Từ điện thoại cửa ông vọng ra lúc là tiếng phụ nữ ở Nghệ An, lúc là giọng đàn ông giới thiệu ở Bắc Giang hỏi kỹ thuật nuôi dế, rồi tiếng bạn hàng ở Quảng Bình hẹn ngày đến lấy bảy vạn cây sưa giống đã đặt từ trước.
Thấy ông bận rộn, chúng tôi quay ra hỏi chuyện những người khách. Người thì ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái xuống; người thì ở Hải Dương, Nam Định lên; rồi cả những người trong xã trong thôn... Và câu chuyện xoay quanh con dế, xoay quanh cung cách làm ăn thoát đói nghèo của Viên Văn Ngọc trở thành đề tài rôm rả.
Khoảng năm năm về trước, gia đình ông Viên Văn Ngọc, dân tộc Sán Dìu ở thôn Lâm trường, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo được xếp vào diện những gia đình có mức sống nghèo. Chuyện làm giàu của ông Ngọc thật giống như câu nói ”cái khó ló cái khôn”, hay nói cách khác chính là khởi đầu từ sự nhạy bén của một nông dân biết nắm bắt thời cơ, dám nghĩ dám làm. Vào năm 2005, nhận thấy cây gỗ sưa đỏ đang trở thành một loại hàng hóa đặc biệt quý hiếm, ông Ngọc đã tiến hành thu gom hạt sưa trong vùng đem về ươm giống ngay trong vườn nhà.
Mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thành công đã đến với ông sau những thất bại ban đầu. Từ lúc nào, ông Ngọc đã trở thành một trong những người nông dân đầu tiên ở Vĩnh Phúc ươm trồng thành công cây sưa giống. Mặc dù trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2008 đã cuốn trôi của ông số cây sưa giống có trị giá hơn 700 triệu đồng, nhưng ông vẫn không nản chí. Chất lượng cây giống tốt, giá cả hợp lý, cách làm ăn trung thực, tiếng lành nhanh chóng đồn xa. Chẳng mấy chốc, gia đình ông Ngọc trở thành điểm chuyên cung cấp cây giống gỗ sưa đỏ cho thị trường. Gần, là bà con quanh xã, quanh huyện, trong tỉnh Vĩnh Phúc, xa là Nghệ An, Quảng Bình, có cả khách hàng tận nước bạn Lào cũng tìm đến lấy cây sưa giống của ông. Khi cây về với rừng, cũng là lúc cuộc sống gia đình ông Ngọc thoát nghèo, có bát ăn bát để. Bốn đứa con ông lần lượt trưởng thành, ra riêng.
Không chịu dừng lại ở vai trò người cung cấp cây gỗ giống quý hiếm, ông Ngọc tiếp tục tìm kiếm cơ hội làm giàu mới. Một lần xem truyền hình VTV2 giới thiệu mô hình nuôi dế thương phẩm do giáo sư Nguyễn Lân Hùng hướng dẫn, một ý tưởng đã lóe lên trong đầu ông.
Thu hoạch dế thương phẩm.
Qua những mối quen biết, Viên Văn Ngọc tìm về tận Thái Bình mua dế giống. Đưa 300 con dế giống về nuôi, bắt đầu cho công việc mới mẻ và lạ lẫm này, ông Ngọc đã không có được sự ủng hộ, tin tưởng của chính người thân. Nhưng đã quyết là làm, vừa tìm đọc tài liệu hướng dẫn, ông còn khăn gói đi tìm học kinh nghiệm ở người làm trước về kỹ thuật nuôi dế.
Lòng quyết tâm, sự táo bạo, mạnh dạn cùng một đầu óc tính toán sáng suốt đã đem lại cho ông những thành công mới. Lứa dế thương phẩm đầu tiên được xuất đi, đem lại cho gia đình ông một khoản thu nhập bất ngờ.
Bắt đầu nuôi dế từ ngày 17-7-2008, với vốn ban đầu là ba triệu đồng, đến nay, sau hơn một năm, từ con dế ông Ngọc đã thu về hàng trăm triệu đồng. Tháng ít nhất, con dế mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập (trừ hết mọi chi phí) là 35 triệu đồng, đỉnh cao, là vào tháng 8-2009 vừa qua, con dế mang về cho ông 172 triệu đồng tiền lãi.
Vừa cung cấp dế thương phẩm cho các nhà hàng đặc sản trong vùng và Hà Nội, ông Ngọc còn đầu tư mạnh vào việc nuôi, nhân giống rồi cung cấp cho thị trường con dế giống. Hiện tại, ông có hơn 300 chậu dế các loại. Trung bình một kg dế thương phẩm có giá 400.000 đồng - 550.000 đồng mà cung không đủ cầu, một chậu dế bố mẹ giống khoảng 100 - 150 con thời điểm tháng 10-2009 có giá 600 nghìn đồng. Khách hàng Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, Tuyên Quang, Quảng Ninh... đều tìm về nhà ông lấy dế giống. |
Nhà ông thường xuyên có khoảng 10 công nhân làm việc, với mức lương bình quân từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Khách hàng, công nhân, dân làng đều nhận thấy ở ông chủ Viên Văn Ngọc luôn toát lên sự nhiệt tình, chân thành đáng quý. Ông sẵn sàng giới thiệu, tư vấn kỹ thuật cùng kinh nghiệm nuôi dế sao cho đạt hiệu quả cao nhất cho bất kỳ ai có nhu cầu. Để tạo điều kiện cho các hộ nuôi dế khác trong vùng phát triển lâu dài, ông Ngọc còn đứng ra làm đầu mối thu mua bao tiêu sản phẩm. Ông cho biết, người nuôi dế ở Vĩnh Phúc đã thành lập Hội nuôi dế với hơn 200 thành viên tham gia để hỗ trợ lẫn nhau cùng làm ăn chính đáng và lâu dài.
Xuất dế giống cho khách hàng ở Quảng Ninh.
Theo ông Ngọc, con dế có vòng đời ngắn, khoảng 60 - 70 ngày một chu kỳ. Dế dễ nuôi, sinh sản nhiều và nhanh, chi phí ban đầu lại thấp. Dụng cụ nuôi dế đơn giản với chậu nhựa to, rế tre, lồng bàn cùng vài vỏ hộp sữa chua làm máng đựng nước uống, vài tấm nhựa cứng làm khay đựng thức ăn, vài vỏ hộp khác đựng đất tơi ẩm làm nơi cho dế sinh sản.
Việc chăm sóc dế lại không vất vả. Dế vốn sạch sẽ nên nuôi dế không gây ô nhiễm môi trường. Mùa đông lạnh, để chống rét cho dế chỉ cần che chắn kín gió, thắp liên tục một vài bóng điện 50W là ổn. Điều quan trọng là phải luôn giữ nơi nuôi dế sạch thoáng, thường xuyên thay rơm, vệ sinh chậu nuôi dế; cho dế ăn, uống đầy đủ. Nuôi khoảng 55 ngày đã có thể xuất bán dế thương phẩm. Hiện tại, cùng với việc nuôi dế, ông nông dân ham làm giàu này còn tiếp tục kinh doanh cây sưa giống và cây, hoa cảnh. Vườn nhà ông đang trồng thử nghiệm nhiều loại phong lan và hơn 3.000 cây hải đường. Trong đó, hải đường đã đến kỳ xuất bán với giá trung bình 200 nghìn đồng một cây.
Năng động thoát nghèo, luôn nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, Viên Văn Ngọc và gia đình đã được bình chọn là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh rồi cấp quốc gia. Ông được T.Ư hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen, được bà con trong thôn Lâm Trường, xã Đại Đình tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân Đại Đình, là Hội trưởng Hội những người nuôi dế Vĩnh Phúc. Nhưng ông khoái nhất là cái tên: ‘Vua dế” của bà con trong thôn đặt cho...
(Theo LƯU HÙNG MẠNH // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com