Rớt đại học, Lý Quí Trung vào đời sớm. Đến nay, Phở 24 đã có mặt hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng,... rồi vươn ra nhiều nước khác trong khu vực: Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Singapore...
Phở 24 sẽ còn vươn dài cánh tay hơn, với 100 cửa hàng toàn quốc và 300 cửa hàng toàn cầu, trở thành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Việt Nam đầu tiên đem chuông đi gióng xứ người.
Người 'hiện đại hóa' tô phở Việt
Rớt đại học năm 1984, chàng thanh niên 19 tuổi Lý Quí Trung bước vào đời sớm hơn các bạn đồng lứa khi xin vào làm “bồi bàn” rồi tiếp tân tại Khách sạn Đệ Nhất Tp.HCM. Vừa làm vừa học, lại ưa thích trò chuyện với thực khách, cậu thanh niên Lý Quí Trung đã chiếm được cảm tình của một thương nhân người Australia; dịp may đã đến, ông ta đề nghị bảo lãnh Trung sang Australia học tiếng Anh 4 tháng để có vốn ngoại ngữ khá hơn mà tiếp khách. Trung không ngờ đó lại là bước ngoặt của cuộc đời mình.
Tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị nhà hàng & khách sạn tại Đại học Western Sydney, rồi thạc sĩ du lịch tại Đại học Griffith (Australia), Lý Quí Trung trở về nơi từng làm “bồi bàn” nhận chức tổng giám đốc Khách sạn liên doanh Sài Gòn Star để rồi sau đó trở thành thành viên sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn An Nam Group & Phở 24, sau khi đã lấy học vị tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Kennedy, Hoa Kỳ.“Trong 6 năm làm giám đốc khách sạn tôi đã vực khách sạn từ tình trạng khó khăn về tài chính trở thành làm ăn có lãi. Nhiều dịch vụ mới như tổ chức tiệc cưới, karaoke... được mở ra để tăng nguồn thu. Nhưng qua đó tôi cũng cảm nhận ra một điều là mình có khiếu kinh doanh hơn là chỉ làm công việc quản lý một khách sạn”. Anh hồi tưởng lại như vậy. Một thuận lợi cho Quí Trung là hệ thống nhà hàng, quán ăn cao cấp của gia đình đã trở thành cái nền để anh triển khai các kế hoạch của mình. Anh kể, khi những người trong gia đình ngồi lại để bàn kế hoạch phát triển kinh doanh, thì tình cờ mọi người đề cập tới phở. Là một người “mê” phở từ nhỏ, lại mê kinh doanh và làm giàu, anh Trung nhận thấy phải làm một điều gì đó cho phở Việt Nam. Tỷ như có thể “hiện đại hóa” cho phở Việt được không? Hay làm thế nào để phở có một khẩu vị đồng nhất quảng bá cho thực khách nước ngoài. Bởi trước Phở 24, tại Tp.HCM đã có một vài quán phở khá nổi tiếng, nhưng cũng chỉ dừng lại ở cấp độ quán, không tạo được thương hiệu. Nghĩ là làm, anh quyết định tìm hiểu những “bí kíp” trong gia vị phở của 3 vùng miền trong cả nước; rồi tìm hiểu quy trình nấu phở và vấn đề vệ sinh nói chung, trong các quán phở mà anh từng là một thực khách. Nhận thấy đây là thị trường còn bỏ ngỏ, chưa có người nghĩ đến việc phát triển kinh doanh có tầm cỡ và quy mô, nhằm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Lý Quí Trung quyết định “đột phá” vào “lỗ hổng” này.
Làm thế nào để dung hòa hương vị của phở 3 miền để thực khách mọi vùng có thể chấp nhận được là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản; bởi phở đã đi vào văn hóa ẩm thực và cả tâm thức sống của người dân trên từng vùng miền khác nhau của đất nước. Những băn khoăn của “cha đẻ” Phở 24 đã được bù đắp khi 24 thứ gia vị được chắt lọc tinh tế từ khẩu vị 3 vùng miền, được anh “tích hợp” vào bát Phở 24, lần đầu tiên “chào hàng” ở kinh đô của phở, được thực khách Hà thành chấp nhận, dù bước đầu chỉ là “tò mò ăn cho biết”.
Tham gia 'thế giới phẳng'
Đến nay, Phở 24 đã có 10 cửa hàng nhượng quyền tại Hà Nội, trên 30 cửa hàng tại Sài Gòn và nhiều địa phương khác trong cả nước. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2008, Phở 24 sẽ hoàn tất hệ thống 100 cửa hàng nhượng quyền trong cả nước, và trong vòng 5 năm tới sẽ có 300 cửa hàng nhượng quyền ở khắp các châu lục, trở thành một chuỗi hệ thống cửa hàng phở toàn cầu, theo mô hình các tập đoàn fast-food nước ngoài như McDonald’s, Lotteria, KFC... “Ngay từ đầu, Phở 24 đã có tầm nhìn quốc tế. Chúng tôi muốn đưa món ăn này tới nhiều vùng đất xa xôi trên thế giới, theo đó cần có một hương vị đặc trưng riêng mang phong cách chung. Chúng tôi đưa ra những giá trị chuẩn mực và cam kết với những gì đưa ra”. Lý Quí Trung chia sẻ như vậy khi tôi nêu thắc mắc rằng Phở 24 không mặn mà như nhiều khẩu vị phở quen thuộc. Anh cũng cho biết là đối thủ cạnh tranh chính của Phở 24 lại là các chuỗi cửa hàng fast food quốc tế đang bành trướng rất nhanh tại Việt Nam vì cùng đối tượng khách hàng. “Nếu chúng tôi chậm chân thì một ngày nào đó người trẻ Việt Nam sẽ chọn gà rán Kentucky, hamburger... và từ từ cũng sẽ thấy ngon”- Quí Trung thổ lộ tham vọng của mình. Hiện tại, Phở 24 đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, sắp tới, theo anh Quí Trung, là sẽ bảo hộ toàn cầu. Phở 24 được chứng nhận đạt tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm trong nước, chuẩn du lịch của ngành du lịch Tp.HCM. Ngoài ra, 3 năm liền, Phở 24 đạt giải thưởng của Tạp chí The Guide US, một tạp chí có uy tín. Lý Quí Trung ngoài công việc kinh doanh, anh còn làm giảng viên thỉnh giảng cho nhiều trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo du lịch, nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho những sinh viên trẻ muốn tiếp thu một mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam – nhượng quyền thương mại. Anh cho biết, “Tôi đam mê với tất cả những gì tôi đang làm, dù là việc làm ra một sản phẩm mới, một dịch vụ mới trên thương trường hay việc đứng trên bục giảng. Hai công việc này nghe như không có liên quan gì với nhau nhưng lại hỗ trợ thiết thực và đắc lực cho nhau”. Có thể nói, một trong những thành công của Lý Quí Trung và Phở 24 là biết cách làm thương hiệu bài bản ngay từ ban đầu. Trên thực tế, dù khẩu vị Phở 24 chưa được chấp nhận một cách rộng rãi, và giá một tô phở từ 26.000 - 32.000 đồng chưa phải là hấp dẫn đối với đa số người dùng có thu nhập trung bình và thấp; nhưng những bước đi và cách làm thương hiệu của Phở 24 là có tính căn cơ, chuyên nghiệp, hiện đại.
(Theo VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com