Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyên gia laser y học Trần Công Duyệt: "Làm khoa học không có điểm dừng"

 Với PGS.TS, bác sĩ Trần Công Duyệt, mỗi ngày thật bận rộn với những ca phẫu thuật và công việc nghiên cứu. Vậy mà, những khoảng thời gian giải lao ít ỏi sau các ca mổ, lại thấy ông chong đèn nghiền ngẫm hàng chục cuốn tài liệu quốc tế dày cộm, tìm tòi thêm những kỹ thuật mới trong y học. Bởi với ông, làm khoa học thì không có điểm dừng.
 
Luận án tốt nghiệp từ chiến trường

“Giờ tôi vẫn say mê lao vào nghiên cứu kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nan y bằng laser, chỉ có khám phá kỹ thuật cao mới làm tôi cảm thấy thanh thản trong cuộc sống dù con đường khoa học không hề dễ dàng. Chỉ tiếc là mình tuổi đã già, quỹ thời gian phục vụ nghiên cứu khoa học không còn nhiều nữa.” - Nguyên Đại tá, Bác sĩ Trần Công Duyệt - chuyên gia đầu ngành về ứng dụng kỹ thuật laser y học của Việt Nam thổ lộ như vậy khi ông vừa bước ra từ phòng phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bằng kỹ thuật laser.

Đang sôi nổi trò chuyện với chúng tôi về những tiến bộ ứng dụng kỹ thuật laser y học, bác sĩ Trần Thế Duyệt chợt bâng khuâng khi nhắc về quá khứ: “Những năm tháng của cuộc chiến đã lùi sâu vào dĩ vãng nhưng những địa danh Cam Lộ - Hương Hóa - Đường Chín - Khe Sanh tại chiến trường Quảng Trị cùng những ký ức gian khổ mà hào hùng của cuộc chiến như những bức tranh sống động không thể phai mờ trong trí óc tôi.”

Năm 1967, khi đang học năm thứ 5 Trường Đại học Y khoa Hà Nội, chàng sinh viên trẻ Trần Công Duyệt quyết định đi B phục vụ công tác cứu thương. Ông được phân công về Sư đoàn 304 đóng tại Thanh Hóa, sau đó đơn vị nhận nhiệm vụ vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Điều khích lệ ý chí của ông khi ấy là dù chưa tốt nghiệp trường y nhưng đã được bộ đội gọi là bác sĩ và thực hiện vai trò của một bác sĩ quân y thực thụ.

Là bác sĩ còn trẻ, nhưng xông xáo, ông được bố trí trong đội phẫu thuật tiền phương, cấp cứu thương binh ngay trên trận địa. Có những lúc, đội phẫu thuật của ông đặt cách trận địa chiến đấu chỉ vài trăm mét. Cuộc chiến ác liệt, các chiến sĩ bị thương đa dạng nên việc cấp cứu thực sự khó khăn, nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn cố gắng khắc phục. Điều khiến bác sĩ Trần Công Duyệt an lòng là rất ít thương binh chết trên tay ông vì đội cấp cứu của ông thực hiện rất tốt công tác sơ cứu ở tuyến cơ sở.

Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ, ông được bầu làm đại đội trưởng quân y. Sau chiến dịch Khe Sanh, năm 1968, bác sĩ Trần Công Duyệt được nhận Huân chương hạng 2 và phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, được ra miền Bắc báo cáo điển hình cùng nhiều anh hùng khác. Cùng thời gian này, ông nhận thêm niềm vui là Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội quyết định cấp bằng tốt nghiệp đại học cho ông. Lúc này, bác sĩ Trần Công Duyệt thực sự nhận ra giá trị của quãng thời gian lăn vào tuyến lửa chiến đấu. Thực tế chiến đấu đã mang lại cho ông nhiều bài học và chiến đấu tại chiến trường đã cho ông một "tấm bằng tốt nghiệp" thứ hai quý giá.

Ngay sau đó, ông lại tiếp tục trở lại chiến trường Quảng Trị phục vụ chiến đấu. Tên tuổi ông trở nên nổi tiếng nhờ tinh thần phục vụ tận tâm và cứu chữa được nhiều ca khó. Đồng đội ông kể lại, trước mỗi trận chiến, Sư đoàn thường đưa vị bác sĩ này ra biểu dương để động viên, làm điểm tựa tinh thần cho chiến sĩ trước giờ xung trận. Năm 1974, ông bất ngờ nhận được giấy triệu tập đi du học ở Nga. Cuộc đời chiến sĩ - bác sĩ Trần Công Duyệt trở thành nhà khoa học bắt đầu từ đây.


Đi tiên phong ứng dụng laser y học

Là chuyên gia đầu ngành về ứng dụng laser y học, bác sĩ Trần Công Duyệt là người tiên phong ứng dụng và nâng trình độ phẫu thuật TVĐĐ và trị các tổn thương bẩm sinh (bớt đỏ, bớt đen…) bằng laser của Việt Nam không thua kém gì trình độ y học thế giới.

Trong gần 11 năm, từ 1-6-1999 đến 31-3-2010, bác sĩ Trần Công Duyệt cùng các cộng sự của mình đã thực hiện phẫu thuật bằng laser chữa thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cho 4.152 bệnh nhân, ca thiệp 7.777 đĩa đệm (trung bình 1,87 đĩa cho một bệnh nhân). Trong đó, số lượng bệnh nhân về cơ bản khỏi bệnh đạt tỷ lệ 80,5%. Riêng các ca chữa các bớt đỏ, bớt đen thì rất nhiều nhưng chưa có thống kê cụ thể. Thành công này có ý nghĩa xã hội rất to lớn, mang lại hạnh phúc cho nhiều người vì lâu nay những căn bệnh này vẫn được xem là nan y. Nhưng đây là kết quả của cả một quá trình khổ luyện không mệt mỏi của nhà khoa học mang trong mình chất lính.

Năm 1980, về nước với tấm bằng Tiến sĩ khoa tim mạch của Nga, bác sĩ Trần Công Duyệt đầy trăn trở trước mong muốn, kiến thức thì có nhưng các phương tiện phẫu thuật của các bệnh viện trong nước quá lạc hậu. Năm 1985, ông tìm ra con đường riêng là tập trung nghiên cứu công nghệ laser và những ứng dụng của nó trong y học. Ông xin vào làm việc trong Viện khoa học Việt Nam và Viện công nghệ quốc gia để thực hiện hoài bão của mình. Ban đầu, chỉ là ứng dụng laser công suất thấp chữa bệnh viêm nhiễm bề mặt da (nha chu, nhọt ống tai, viêm bờ mi…). Từ năm 1994, ông mạnh dạn đưa vào ứng dụng laser CO2. Không ngừng học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bác sĩ Trần Công Duyệt qua Nhật Bản tìm đến giáo sư Masashi Marumo học chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser qua da. Sau đó học thầy Narong Nimsakul người Thái Lan phương pháp thẩm mỹ bằng laser.

Hiện nay, chỉ có Trung tâm Vật lý Y sinh học thuộc phân viện Vật lý Y sinh học (nay đổi tên là Viện ngoại khoa Laser) là nơi đầu tiên thực hiện phương pháp giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser qua da. Phương pháp này có nhiều ưu điểm nổi bật so với phương pháp mổ hở nhiều rủi ro như: chỉ thực hiện gây tê trong phẫu thuật, không gây xơ dính thần kinh, không để lại sẹo, thời gian hạn chế vận động ngắn, độ an toàn cao, có thể thực hiện đối với các bệnh nhân bị tim mạch, gan, thận, tiểu đường.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Trần Công Duyệt tự hào và mãn nguyện vì đã giúp “cải sinh” được nhiều cuộc đời nhờ ứng dụng thành công kỹ thuật trị bệnh bớt đen, bớt đỏ. Ông cho biết, nhiều bệnh nhân là nữ tuy tuổi đã cao nhưng đã nhận tôi làm bố nuôi vì biết ơn bác sĩ chữa bớt trên mặt xóa bỏ mặc cảm với xã hội suốt bao nhiêu năm.

Hiện nay, tâm nguyện của bác sĩ Trần Công Duyệt là chuyển giao những công nghệ laser y học cho thế hệ trẻ. Ông đã đào tạo, huấn luyện trên 1.000 bác sĩ biết sử dụng và điều trị bằng công nghệ laser, hướng dẫn nhiều luận văn tiến sĩ về ứng dụng laser y học, tham gia hội đồng chấm luận văn tiến sĩ về laser.

Bác sĩ Trần Công Duyệt sinh ngày 15-10-1942 tại Đức Thọ - Hà Tĩnh.

Chức vụ hiện nay: Chủ tịch Hội Laser y học và Laser ngoại khoa TP Hồ Chí Minh; Trưởng ban Phía Nam Tạp chí Y học Thực hành - Bộ Y tế.

Nơi công tác hiện nay: Phân viện Vật lý Y Sinh học - Viện KH-CN Quân sự (Bộ Quốc phòng).

41 năm là bác sĩ quân y. Được tặng thưởng 13 huân, huy chương các loại.


(Theo Bài và ảnh: NGUYÊN TUẤN/nhandan)

  • Trang trại gà rừng
  • Giám đốc nông dân
  • Những chàng trai trên "cổng trời"
  • Chuyện làm ăn, làm giàu Dũng "cơ khí"
  • Thoát nghèo nhờ nuôi giun quế
  • Nghị lực người thương binh trên mặt trận kinh tế
  • Nghị lực phi thường của một ông chủ tật nguyền
  • Tham vọng “canh tác” thị trường Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao