Tuổi trẻ của ông trôi qua trong chiến tranh khốc liệt, với một phần cơ thể để lại trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Đất nước được thống nhất, ông lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận kinh tế để vượt qua đói nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thọ đang làm việc cùng công nhân - Ảnh Chinhphu.vn |
Đó là thương binh ¼ Phạm Khắc Thọ ở xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Dũng cảm trong chiến tranh
Khi chúng tôi đến, ông Thọ đang cặm cụi làm việc cùng công nhân bên những chiếc ô tô. Mời khách chén trà nóng, ông vui vẻ kể về những ngày tháng hào hùng khi ông là lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn rực lửa.
Ông Thọ nhớ lại, năm 1970, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ. Sau 6 tháng huấn luyện tại trường 255 ở Sơn Tây, Hà Tây cũ, ông được bổ sung vào Tiểu đoàn 52 của Binh trạm 14 thuộc Đoàn 559, đóng quân ở phía tây tỉnh Quảng Bình.
Tiểu đoàn của ông có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, khí tài, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Công việc vô cùng gian nan và đầy nguy hiểm bởi đoàn xe luôn là mục tiêu bắn phá của kẻ thù. Hàng ngày, hứng chịu hàng chục trận ném bom khiến ông và đồng đội luôn trong tình trạng căng thẳng.
Ông Thọ còn nhớ mãi những giây phút ác liệt mùa khô năm 1971. Khi đó Tiểu đoàn 52 của ông tiến hành vận chuyển vũ khí cho tiền tuyến. Đoàn xe xuất phát từ Quảng Bình, theo hướng tây Trường Sơn, đi qua đường 9 Nam Lào, đến tập kết vũ khí tại một địa điểm ở nước bạn Lào để đơn vị khác vận chuyển tiếp vào chiến trường miền Nam.
Sau khi đi qua những khúc cua nguy hiểm như khúc cua chữ A, khúc cua Bóng đèn… đoàn xe đến trọng điểm Trà Là khi trời tối thì bất ngờ máy bay C130 của kẻ thù ập đến bắn phá dữ dội. Nhắc đến trọng điểm Trà Là, lính lái xe trên đường Trường Sơn đều “giật mình” bởi sự nguy hiểm, một bên là vực thẳm, bên kia là núi dựng đứng. Chỉ cần mất tập trung một chút là xe có thể lao xuống vực hoặc đâm vào núi.
Lúc này, một nửa đoàn xe (hơn 30 chiếc) đã kịp thời vượt qua trọng điểm, nửa còn lại đi sau gặp phải sự bắn phá khốc liệt, trên đường lại không có cây che phủ nên mọi người buộc phải xuống hầm trú ẩn.
“Chúng tôi không thể lên được mặt đất bởi máy bay địch bắn phá suốt đêm. Chỉ cần ló mặt ra khỏi hầm là có thể bị trúng đạn của kẻ thù, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Thế nhưng, chúng tôi lại không thấy run sợ mà chỉ nghĩ phải làm cách nào đó để xe qua được trọng điểm”, ông Thọ nói.
Đến rạng sáng, máy bay C130 của địch ngừng bắn phá để máy bay F4 thay thế đến ném bom. Lợi dụng lúc đó đoàn xe nhanh chóng vượt qua trọng điểm Trà Là. Tuy nhiên, một số đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường này.
Đến tháng 7/1973, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ chở lương thực vào phục vụ chiến trường B3. Từ đường QZ 25 đến thành Quảng Trị, trên đường đi xe của ông chẳng may trúng phải bom mìn của kẻ thù. Lúc đó, ông chỉ kịp nghe thấy một tiếng nổ lớn, sau đó lịm dần. Khi tỉnh dậy thì ông thấy mình đang nằm trong một trạm cứu thương ở thành Quảng Trị, chân trái của ông đã bị cụt, còn chân phải bị gãy xương, trên cơ thể mang nhiều vết thương.
Hòa bình lập lại, ông Thọ trở về quê hương với chiếc nạng gỗ. Hành trang của ông là danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng và Chiến sĩ thi đua được nhà nước phong tặng.
Vượt khó vươn lên trong thời bình
Năm 1976, ông Thọ về quê xây dựng gia đình. Ông lại phải đối mặt với những gian nan, thử thách mới. Cả nhà ông chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, sức khỏe của ông có hạn, nên cuộc sống thật khó khăn, chật vật.
“Tuy tôi bị cụt mất một chân, sức khỏe không được tốt nhưng khi nghĩ đến những đồng đội vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường, tôi nhận thấy cần phải làm điều gì đó xứng đáng với sự hy sinh của họ. Tôi tự nhủ, mình không được đầu hàng trước những khó khăn, thử thách”, ông Thọ nói.
Không trông chờ vào những đồng lương trợ cấp của nhà nước, ông mở một quán sửa xe đạp nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Nhưng gia đình ông vẫn trong cảnh túng thiếu. Điều này khiến ông nung nấu phải làm gì để phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Đến thời kỳ đất nước đổi mới, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mở cơ sở chuyên sửa chữa ô tô, đó là thời điểm năm 1990. Hàng ngày, ông tập tễnh đến các cơ quan, nhà máy trong tỉnh hỏi mua ô tô thanh lý đem về duy tu, sửa chữa lại để bán cho khách hàng có nhu cầu.
Mới đầu, cơ sở của ông nhỏ, chỉ có vài công nhân làm việc. Thấy ông làm việc cẩn thận, khéo léo nên khách hàng tìm đến ngày càng nhiều, cơ sở của ông ngày một phát triển. Năm 2009, cơ sở của ông có tổng lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho gần 20 lao động địa phương.
Khi làm ăn khá giả, ông nghĩ ngay đến các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Ông nhận những con em gia đình thương binh, liệt sĩ nghèo ở địa phương đến học nghề tại cơ sở của mình. Ông không chỉ dạy bảo tận tình mà lo cho các cháu từng bữa cơm, chỗ ngủ.
Tiếng lành đồn xa, con em các gia đình thương binh ở nhiều tỉnh phía Bắc cũng tìm đến ông học nghề. Đến nay, ông đã dạy cho hàng trăm con em gia đình thương binh, liệt sĩ thành nghề. Những cháu nào có hoàn cảnh quá khó khăn, ông sắp xếp việc làm ngay tại cơ sở của mình.
Khi chia tay, ông Thọ nói với người viết: “Nếu bài của anh được đăng, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Đảng và Quân đội đã rèn luyện tôi trở thành anh bộ đội cụ Hồ, có bản lĩnh vững vàng, dám đối đầu với mọi gian nan, thử thách trong cuộc sống”.
(Theo Nguyễn Thắng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com