Dù chỉ học hết lớp 9 nhưng Nguyễn Hữu Năm - Thôn Phú Yên, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội đã dành được những danh hiệu khiến nhiều người phải mơ ước. Trong bảng vàng thành tích của cậu có giải nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2004 và rất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận của Trung ương Đoàn về những sáng chế đã được ứng dụng trong thực tiễn.
Hiện nay, với 1 số vốn nho nhỏ, Năm mở 1 xưởng cơ khí và công việc đang ăn nên làm ra. Điều đặc biệt hơn, những sản phẩm từ xưởng cơ khí đó hầu hết là từ óc sáng tạo, sự mày mò nghiên cứu, sáng chế của Năm.
|
"Ông chủ" Nguyễn Hữu Năm |
Từ cậu bé học hành “nửa đường đứt gánh”…
Khi chúng tôi đến nhà Năm thì cậu đang bận rộn với những công việc cơ khí. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác và phải có tay nghề cao đã được Năm thực hiện hết sức thành thạo như 1 người thợ lành nghề. Khi được hỏi về tay nghề thì Năm chỉ cười xòa và nói “Nói thực với anh, từ trước đến giờ chưa có ai truyền dạy cho em những kĩ thuật của công việc này cả. Chủ yếu là em tự học và tự nghiên cứu thôi anh ạ”.
Năm kể lại, lúc còn đi học, nhà Năm rất đông anh em, gia đình lại vô cùng khó khăn cho nên ngoài những buổi tới lớp thì Năm lại phải đi chăn bò. Dù cuộc sống vất vả là thế nhưng Năm vẫn học rất giỏi, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên. Thế rồi cuộc sống vất vả đã không cho Năm được đi học trọn vẹn. Năm 2001, học hết lớp 9, nhà Năm chuyển sang làm đồ gỗ nội thất nên rất cần người làm. Vì thế Năm phải bỏ dở việc học hành để phụ giúp gia đình.
Mặc dù không còn được đi học thế nhưng Năm vẫn tự nghiên cứu sách vở. Những lúc cám cảnh cho thân phận Năm lại nhìn những chiếc ô tô và ước rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ chế tạo được 1 cái gì hữu ích cho cuộc sống như thế.
Không chỉ dừng lại ở mơ ước, Năm quyết tâm thực hiện ước mơ đó. Cũng chính vì thế mà Năm đã mua nhiều quyển sách kĩ thuật về học. Những buổi rảnh rang Năm lại lôi sách ra nghiên cứu và dùng những chiếc bánh răng, đầu từ, đinh vít…mà cậu dành dụm mua được để “chế tạo” ra những thứ trong đầu mình nghĩ. Cuối cùng, sau 1 thời gian thì sản phẩm đầu tiên của Năm cũng đã hoàn thành. Đó là con robot bằng gỗ có các khớp là những chiếc bánh răng từ 1 chiếc đầu Video hỏng. Con robot đó không chỉ đi lại được mà còn làm được nhiều động tác khó khăn như nhấp nháy mắt, xoay vòng. Sản phẩm của Năm được bọn trẻ con trong làng rất khâm phục. Điều đó đã thôi thúc Năm làm một cái gì to tát hơn.
|
Nguyễn Hữu Năm đang cùng công nhân trực tiếp làm việc |
Cho đến “Nhà sáng chế” trẻ
Một ngày vào năm 2004, lúc mà giới học sinh, sinh viên Việt Nam tự hào vì chiếc huy chương Vàng Robocon của Việt Nam thì ở “xưởng chế tạo” Robot của mình, Năm khẽ thở dài vì trong đầu cậu có rất nhiều ý tưởng hữu ích nhưng không hề có 1 cuộc thi nào dành cho 1 đứa chỉ học hết lớp 9 như Năm để cậu có thể đưa chúng ứng dụng vào thực tiễn.
Thế nhưng nỗi buồn đó cũng không tồn tại lâu. Một thời gian sau, qua báo chí, truyền hình Năm có được thông tin Trung ương Đoàn cùng bộ Khoa học công nghệ tổ chức cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên” trên toàn quốc. Thông tin đó đã mở ra cơ hội để Năm có thể khẳng định mình. Thế là cậu đã mày mò nghiên cứu và chế tạo ra con Robot cứu nạn để gửi tham gia cuộc thi. Và trong cuộc thi đó Năm dành giải nhất. Hồi đó ngoài bằng khen, Năm được thưởng 3 triệu đồng trong khi vốn cậu bỏ ra làm con Robot là 4,2 triệu. Có người bảo Năm như thế là phí công nhưng cậu vẫn tự hào. Dành chiến thắng trước những đối thủ được học hành cẩn thận cùng với việc sáng chế của mình đã được ghi nhận và sẽ có ngày được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đó mới là những gì Năm hướng tới khi tham gia cuộc thi.
Thành công từ cuộc thi đầu tiên đã thôi thúc Năm tiếp tục sáng chế sản phẩm để thi lần tiếp theo vào năm 2006. Thế nhưng giữa bộn bề công việc của gia đình đã không thể cho Năm nhiều thời gian nghiên cứu và sáng tạo. Cũng vì thế nên khi tham gia dự thi Năm chỉ gửi bản thiết kế mà không gửi sản phẩm đi kèm. Ở cuộc thi đó, sáng chế “Van cân bằng chống lật xe ô tô” chỉ dành được giải khuyến khích do thiếu sản phẩm.
Đến năm 2007 cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên” vẫn được tiến hành nhưng Năm đã 20 tuổi và hết độ tuổi tham dự cuộc thi. Chính lúc đó Năm mới có ý định tự mình lập nghiệp và đưa những sáng chế của mình vào ứng dụng trong cuộc sống.
|
Với sự đam mê nghiên cứu, sáng tạo cơ khí - Nguyễn Hữu Năm đã trở thành ông chủ khi mới 22 tuổi. |
Và trở thành ông chủ tuổi 20
Đầu năm 2007, với kiến thức cơ khí của mình, Năm quyết định mở xưởng sản xuất máy móc cơ khí. Ý định là thế nhưng để thực hiện được là rất khó. Để có thể sắm vài chiếc máy tiện, hàn, đục cũng đã ngốn hơn 100 triệu, trong khi gia đình chỉ hỗ trợ được vỏn vẹn 28 triệu. Cuối cùng Năm cũng xoay được đủ số tiền để lập nghiệp bằng cách đưa ra những mô hình khả thi để kêu gọi các cổ đông đầu tư. Những sáng kiến như máy soi trục đứng, van cân bằng thủy, máy cuốn gầm, đục cơ…của cậu đã thuyết phục được không ít nhà đầu tư. Khi có được 1 số vốn kha khá thì một mình Năm lại lận lội lên tận Hải Phòng, Sơn La…để tìm mua thiết bị sản xuất vừa ý.
Tháng 4 năm 2008, khi mà hoạt động kinh doanh sản xuất của Năm vẫn chưa hoạt động được một cách trơn tru vì thiếu vốn lưu động thì một tin vui đã đến với cậu. Thời gian đó Năm được Trung ương Đoàn xét cho vay vốn dành cho đoàn viên làm kinh tế. Với số tiền 90 triệu vay được Năm đã đầu tư vào cơ sở sản xuất của mình.
Đến bây giờ, sau hơn 2 năm mở xưởng sản xuất cơ khí của mình thì Năm đã trả hết nợ, xây dựng được nhà xưởng khá khang trang với hơn 10 công nhân làm việc. Công việc cơ khí nặng nhọc và phải làm liên tục vì có rất nhiều đơn đặt hàng đã khiến Năm trông già hơn cái tuổi 22 của mình. Quệt mồ hôi trên trán, cậu tâm sự với chúng tôi: “Hiện nay em đang thiết kế 2 mẫu máy soi trục đứng và đục thủy lực để kịp tham dự hội chợ triển lãm máy móc 2009. Ngoài ra, em còn đang nghiên cứu để sản xuất ra nhiều loại máy móc phù hợp với mọi nghành nghề để phục vụ nhu cầu của tất cả bà con. Hiện nay ở nước ta có rất nhiều máy móc phải nhập từ nước ngoài, giá cả thì đắt mà nhiều khi lại còn không phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Vì thế em sẽ tìm tòi để sản xuất những chiếc máy mang nhãn hiệu Việt Nam, vừa rẻ, vừa tiện lợi. Điều đó em nghĩ sẽ không còn xa nữa, chỉ ngay sau khi em gây dựng được thương hiệu cho những sản phẩm của mình”. Năm nói đầy vẻ tự tin dù cậu biết phía trước mình đang là vô vàn những khó khăn.
Vội vàng đưa đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ bắt tay chúng tôi để từ biệt, lập tức Năm lại trở lại với máy đục, máy khoan…thân thuộc của mình. Trời trưa nóng như lửa đốt. Mồ hôi vẫn rơi trên khuôn mặt mới chỉ hơn 20 tuổi nhưng khuôn mặt đó vẫn ánh lên vẻ rạng rỡ. Không rạng rỡ sao được khi những gì mà chàng trai “thất học” đã làm được khiến không ít người phải mơ ước, thán phục.