Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng để kiếm tiền, giáo dục để lưu tên tuổi

 Năm 2007, CEO Hoang D. Quan là Việt kiều Mỹ đầu tiên được giao vị trí Tổng Giám đốc của một ngân hàng Việt Nam, ngân hàng Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Cách đây 7 tháng, ông trở thành Tổng giám đốc của công ty quản lý quỹ TLM Capital. 


Tài chính tiền tệ mới chính là mảng mạnh nhất của ông. Nhưng trước cuộc trở lại này, ông đã phải dừng lại gần 5 năm vì stress nặng và vì căn bệnh viêm màng não... Tất cả đều từ sự căng thẳng quá mức, sức lực bị vắt kiệt. Năm 2003, ông quyết định chuyển hướng công việc, rời khỏi ngân hàng Standard Chartered (Anh) và bắt đầu cuộc phiêu lưu mới, đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam. 

Trước khi chuyển nghề, ông đang là một CEO có tên tuổi và đầy lợi thế trong lĩnh vực ngân hàng, vậy lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam có gì hấp dẫn ông đến thế?

Tôi được đào tạo chuyên ngành tài chính tiền tệ tại Mỹ và đã làm việc trong lĩnh vực này cho ngân hàng tại Mỹ, Singapore và Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đã bị stress vì công việc rất nặng, thậm chí còn mắc căn bệnh viêm màng não phải nhập viện. Nằm trong bệnh viện, tôi mới nghĩ đến giá trị của sức khỏe và gia đình.

Làm việc trong lĩnh vực ngân hàng nhiều năm, quá căng thẳng, nó vắt kiệt sức lực của tôi. Chuyển sang lĩnh vực giáo dục, mình sẽ có thời gian cho sức khỏe, gia đình và quan trọng là tôi đang mong muốn có một đứa con. Giờ thì những mong muốn đó đã thành hiện thực. 

Và ở lĩnh vực giáo dục, cụ thể là đầu tư vào hệ thống trường mầm non Sunrise Kidz, ông có thu được thành công như trước không? 

Chúng tôi đang thành công như dự định. Nhưng nếu hiểu thành công ở góc độ tiền thì không. Tôi coi giáo dục như một tiêu chí căn bản nhất của xã hội mà ai cũng phải có, vì thế đầu tư vào đây chỉ là để củng cố cái tiêu chí căn bản đó của xã hội.

Nhưng ở Việt Nam, giới đầu tư từ mười năm qua đã coi giáo dục và y tế là hai lĩnh vực đầu tư kiếm bộn tiền nhất, dễ làm nhất và sự thực thì hầu hết các trường dân lập đều kiếm bộn tiền? 

Đó là quan điểm riêng nhưng không một quốc gia nào thực sự tôn trọng giáo dục mà lại đi coi giáo dục là lĩnh vực để “làm ăn” cả. 

Không lẽ họ làm giáo dục từ thiện, và còn quyền lợi của các nhà đầu tư tư nhân nữa, họ bỏ tiền túi ra là để kiếm tiền chứ? 

Đúng, đầu tư vào giáo dục không phải làm từ thiện, nhưng lợi nhuận kiếm được trong lĩnh vực này không phải là khoản siêu lợi nhuận như một số lĩnh vực khác. Tôi muốn trẻ em Việt Nam được hưởng đầy đủ những giá trị giáo dục theo tiêu chuẩn cao của Mỹ. Nhưng vì nước mình còn nghèo nên nhiệm vụ của tôi là đưa tiêu chuẩn đó đến với các gia đình có mức thu nhập trung bình chứ không chỉ để phục vụ các gia đình giàu có.

Ở lĩnh vực ngân hàng ông đang kiếm được rất nhiều tiền, ông từ bỏ nó để chuyển sang lĩnh vực giáo dục và chấp nhận cách ném tiền ra như vậy mà chưa thu được gì. Xin được hỏi thẳng, ông đang làm việc đó vì cái gì vậy? 

Tại Mỹ và một số nước, có những người thành danh trong các lĩnh vực kinh doanh, sau đó quay sang đầu tư vào giáo dục, không phải để kiếm lời và tất nhiên cũng không lỗ, nhưng họ để lại tên tuổi hàng trăm năm. Tôi cũng muốn thế. 

Các trường tư nhân nổi tiếng ở nước ngoài hầu hết đều có lãi cao, dù người đầu tư không thu nhiều lợi nhuận. Còn với cách thu phí như hiện tại, liệu có thể phát triển mạnh mẽ?  

Đó là một kế hoạch bài bản và dài hơi. Một tư duy đầu tư chiến lược có thời hạn tối thiểu 20 năm trở lên và vì thế, không vội vàng, không chụp giật từng đồng, tôi muốn đầu tư lâu dài, đầu tư cho một thương hiệu, một tên tuổi cho mai sau. 

Vậy tại sao ông lại quay lại làm CEO cho lĩnh vực ngân hàng và giờ đây đang làm Tổng giám đốc cho Công ty quản lý quỹ TLM Capital trong khi kế hoạch với giáo dục còn chưa xong?

Tôi chưa bao giờ có định rời xa lĩnh vực tài chính, tôi chỉ dành cho mình một thời gian để nghỉ ngơi vì sức khỏe không tốt. Năm 2007, tại cuộc họp với IMF/WB, tôi nhận được lời mời làm CEO cho HDBank. Và khi thời cơ đến, tôi đã chính thức quay trở lại lĩnh vực sở trường của mình.

Vài năm gần đây, khái niệm CEO đang phổ biến hơn, nhưng thực sự vai trò của CEO là gì không phải ai cũng rõ, gọi họ là thế hệ doanh nhân mới có đúng không, thưa ông?

Đúng nhưng không đủ. Nói cụ thể hơn thì trên quốc tế, người ta chỉ quan tâm đến một nhóm nhỏ những người có tiếng nói đặc biệt của một số tập đoàn có khả năng. Đó thực sự là những CEO có vai trò và tiếng nói không chỉ ảnh hưởng đến tập đoàn của mình mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Chẳng hạn, ở Việt Nam, khi nhắc đến các vấn đề thị trường, người ta sẽ nghe xem, ở lĩnh vực cà phê thì ông David Thái nói gì, lĩnh vực bảo hiểm chị Lâm nói gì, và ở tài chính tiền tệ ông Hoàng (là tôi) nói cái gì. Trong tương lai, tôi hi vọng cả lĩnh vực mầm non người ta cũng sẽ nghe xem ông Hoàng nói gì (cười).

Vai trò của một CEO rất lớn, tên tuổi của ông trong lĩnh vực này cũng đã được tôn trọng, vậy ông sẽ thể hiện vai trò của mình ở một công ty quản lý quỹ mới đi vào hoạt động như thế nào khi nó phải đối đầu với hàng loạt các công ty, tập đoàn có trước rất hùng mạnh?

Chúng tôi mới hoạt động hơn sáu tháng và đang quản lý khoảng 10 triệu USD trong khi có nhiều Quỹ khác của trong nước và nước ngoài đang hoạt động trước, quản lý tới cả trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ USD. Nhưng họ hoạt động trước nên họ đang mắc phải những vấn đề khó khăn riêng và không dễ để xử lý còn chúng tôi không hề có “bệnh” đó vì thành lập sau. 

Về cá nhân, trước hết, tôi phải sử dụng đến sở trường của mình trong lĩnh vực ngân hàng, tức là phải tìm cho ra cách để đầu tư trúng nhất, đem lại lợi ích cao nhất. Nhưng điều này lại không dễ. Bạn cũng biết, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ vốn nhiều rủi ro với tất cả các nhà đầu tư. Vì thế, quan điểm của tôi là phải làm sao để bảo toàn vốn và trên cơ sở đó, phải làm cho sinh sôi lợi nhuận ở mức tốt nhất. 

Muốn thế, bài toán là phải quản lý từ các khoản đầu tư để sao cho, nếu có khoản nào bị sụt giảm thì cũng sụt giảm ở mức thấp nhất so với thị trường còn khoản nào thu lợi thì cố gắng thu lợi cao nhất. Từ tổng thể các gói đầu tư sẽ phải đảm bảo sao cho, mức lợi nhuận chung cao nhất so với mặt bằng thị trường, mà tôi dùng một khái niệm cá nhân là “vượt thắng thị trường”. 

Trong lĩnh vực này, có lẽ ở Việt Nam, chưa có ai có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Tôi có hơn mười chín năm làm việc ở nước ngoài và trong nước, tôi đã trải qua tới 5 cuộc khủng hoảng và suy thoái. Đó là kinh nghiệm không sách vở nào dạy được.

Nhưng con đường của ông có lẽ không dễ dàng, nhất là với những đối thủ nặng ký là các quỹ đầu tư của nước ngoài với số vốn khổng lồ và kinh nghiệm cũng không ít. Người ta đã nói nhiều đến sự giật dây hay thao túng thị trường chứng khoán vài năm vừa rồi của họ?

Tôi cho rằng thị trường nào cũng có sự giật dây và thao túng, vấn đề là có thừa nhận hoặc có nắm rõ là ai đang giật dây thị trường hay không. 

Khi một quỹ đầu tư nước ngoài với số vốn lên đến vài tỷ, thậm chí vài chục, vài trăm tỷ USD chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, chắc chắn họ phải thuyết phục được các nhà đầu tư của họ rằng, Việt Nam sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn các thị trường khác ở châu Á. Lợi nhuận bất thường đó ở đâu ra vậy, nếu không phải là sự chi phối và tìm cách khống chế, giật dây thị trường. 

Tuy tổng số giao dịch của thị trường trong nước đã tăng nhanh nhưng vẫn không khó để những quỹ đó thao túng. Bởi thị trường của Việt Nam không chuyên nghiệp, dàn trải trên đa số các nhà đầu tư nghiệp dư và bầy đàn. Càng bầy đàn mà càng nghiệp dư thì càng là miếng bánh béo bở cho những bàn tay phù thủy điều khiển theo ý họ.

Vậy ông làm gì để “thắng” lại những ông lớn như thế trong kinh doanh cũng như thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế, Hàn Quốc và Việt Nam giao tiền cho Quỹ của mình?

Điều này không khó. Xuất phát từ tư thế kinh doanh của chúng tôi khác họ, vì chúng tôi là Quỹ trong nước, sống hay chết đều dựa vào sự lớn mạnh của thị trường này, chúng tôi không thể chụp giật, phù phép để lôi kéo các nhà đầu tư bầy đàn đi theo, rồi chốt hạ và ù té ra khỏi thị trường này được. Họ có thể chốt hạ bất cứ lúc nào và ra đi khỏi thị trường sau khi đã vơ vét lớn, chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư nước ngoài xong.

Chúng tôi thì ý thức rất rõ, thị trường tài chính ở nước cũng là miếng bánh của chúng tôi, của nhiều quỹ khác nữa. Nếu chúng tôi để họ vơ vét và rút ruột thị trường rồi ra đi thì chúng tôi còn gì để tồn tại. Cho nên, quan điểm của tôi là phải bảo vệ bằng được thị trường tiền tệ của Việt Nam.

Ông nghĩ sao về tiềm lực của mình, làm sao chống lại được họ?

Trước hết, chúng tôi phải làm tốt công việc của chính mình là đầu tư đúng, đem lại hiệu quả cao nhất để khách hàng tin tưởng, từ đó, họ và những người khác sẽ rót thêm tiền vào quỹ cho chúng tôi và chúng tôi sẽ lớn mạnh hơn bây giờ. 

Hơn nữa, chúng tôi có lợi thế từ sự liên minh của ba thành viên là Thăng Long Invest, Hadico Finance và Công ty Chứng khoán Meritz của Hàn Quốc nên có sở trường, kinh nghiệm trên các thị trường chứng khoán, bất động sản, chúng tôi lại không có những khó khăn như các quỹ đi trước.

Từ đó, mục tiêu của chúng tôi là trong vòng ba năm sẽ vươn lên, trở thành một trong năm quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam. Ở vị trí đó, chúng tôi sẽ làm được nhiều việc hơn, kể cả việc đối phó với những trò rút ruột thị trường tiền tệ cũng như bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thị trường này. 

Mặt khác, chúng tôi không đơn độc khi muốn bảo vệ sự lành mạnh của thị trường tiền tệ Việt Nam. Dần dần, các nhà quản lý quỹ khác khi phải dựa vào thị trường này để sinh tồn cũng sẽ hiểu ra và cùng hành động như chúng tôi thôi.

Xin ông một câu hỏi cuối, trong 20 năm nữa, lĩnh vực giáo dục hay ngân hàng mà ông đầu tư sẽ trở nên quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông?

20 năm nữa, giáo dục sẽ trở thành lĩnh vực có tên tuổi, nổi tiếng hơn cả trong xã hội, còn ngân hàng sẽ là lĩnh vực giúp tôi kiếm được nhiều tiền hơn cả./.

(TTVH và Đàn ông/Vietnam+)

 

  • Đầu tư cần quyết đoán và có cơ sở
  • Doanh nhân Sài Gòn tiên phong và sáng tạo
  • Chọc trời khuấy nước ở 'ao nhà'
  • Doanh nhân Việt ở nước ngoài: Khát vọng hội tụ
  • Phó tổng giám đốc rời Vinamilk: Trần Bảo Minh và khoảng cách còn lại
  • David Thái và Highlands Coffee
  • "Chiến đấu với chính mình để nhường nhịn người khác"
  • Nguyễn Thành Tâm: Chọn đóng góp ở Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao