Anh Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất |
Bấy lâu nay, anh Nguyễn Hữu Sơn – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất, ấp ủ giấc mơ, đến ngày xe đạp Việt có “chiến lược phát triển cấp quốc gia”. Bảo anh có phần viển vông hay hoài cổ cũng không ngoa, nhưng anh cười hiền, có đi ắt sẽ đến!
Tôi gặp anh Nguyễn Hữu Sơn ngay sau khi được tin EU bãi bỏ thuế bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp của Việt Nam. Hỏi anh tâm trạng khi hay tin, anh dùng cụm từ “không bất ngờ”. Cách nói chuyện “nhả chữ” của anh khiến người đối thoại có muốn cũng không thể bị cuốn theo niềm vui trước mắt được.
Đừng thấy thắng lợi mà vội chủ quan
- Sau 5 năm bị áp thuế bán phá giá, không ít doanh nghiệp xe đạp khốn khó đến mức phá sản, vậy sao anh lại bình tĩnh đến thế trước tin vui? Phải chăng, với cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Ôtô, xe máy, xe đạp Việt Nam, anh đã tiên liệu được tình hình?
Xe đạp Việt Nam không bán phá giá, đó là thực tế không thể phủ nhận. Vậy nên, việc EU bãi bỏ thuế bán phá giá là điều có thể dự đoán được. Tuy nhiên, quãng thời gian 5 năm qua thật sự là khắc nghiệt đối với các doanh nghiệp. Lần này, để tìm lại sự công bằng cho sản phẩm xe đạp của Việt Nam, chúng tôi ghi nhận một bài học sâu sắc, đó chính là cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các bên, gồm cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Cục Quản lý Cạnh tranh, các cơ quan ngoại giao, cùng với cơ quan đại diện cho doanh nghiệp như Hiệp hội Ôtô, xe máy, xe đạp Việt Nam, VCCI và từ chính bản thân các doanh nghiệp. Vai trò của cơ quan truyền thông cũng có ý nghĩa quan trọng trong thành công có được.
Kết quả lớn nhất từ vụ việc EU bãi bỏ thuế bán phá giá với xe đạp, theo tôi, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà chính là việc giành được niềm tin và sự tôn trọng đối với sản phẩm “Made in Vietnam”.
- Vậy sau những khốn khó đã qua, giờ là lúc phải tính đến việc mở cửa lại thị trường EU. Liệu rằng, có cần tiếp tục khuyến nghị về những bẫy rào cản thương mại với các doanh nghiệp đang nôn nóng lấy lại thị phần đã mất, thưa anh?
Với hầu hết các doanh nghiệp xe đạp đã phải trải qua thời gian dài khốn khó vì thuế bán phá giá thì việc khôi phục ngay thị trường EU là việc không hề đơn giản. Thông thường, phải mất ít nhất một năm để tìm kiếm đối tác, thiết kế sản phẩm, thử nghiệm, tung ra thị trường, xây dựng chiến lược marketing… Tôi không cho rằng có thể có sự đổ bộ ồ ạt của sản phẩm xe đạp vào thị trường EU, nhưng những bẫy thương mại là điều các doanh nghiệp vẫn phải tính đến.
Bài học kinh nghiệm về lần áp thuế bán phá giá vừa qua cho thấy, tự bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải trang bị cho mình tốt hơn nữa những kiến thức cần thiết để hoàn thiện quá trình sản xuất kinh doanh của mình cũng như kỹ năng để tránh bẫy thương mại. Khi hợp tác với các đối tác nước ngoài để xuất khẩu hàng đi cũng phải cẩn trọng, nếu không, có thể chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc không phải do chúng ta làm.
- Đối với “Thống Nhất”, kế hoạch mở mang trở lại thị trường EU sẽ là gì - xuất hàng mang thương hiệu của chính mình hay sẽ làm theo đơn hàng?
Tôi mơ đến một ngày Hà Nội không còn xe máy, chỉ có xe điện leng keng, xe bus chạy nhịp nhàng và… xe đạp ngược xuôi trên phố. Một Thủ đô hiện đại nhưng xanh và thanh bình. |
Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Thống Nhất vẫn luôn xác định không để mình tụt hậu. Chúng tôi đối mặt với cạnh tranh, với thách thức để tiến lên. Cần đầu tư vẫn phải đầu tư, tập trung vào những công nghệ hiện đại. Năm 2009, công ty đã đưa vào hoạt động nhà máy mới tại Cầu Diễn (Hà Nội) rộng 12 nghìn m2 với công nghệ sản xuất liên hoàn tiên tiến giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất từ khâu chế tạo khung, phụ tùng, linh kiện, đến lắp ráp, hoàn chỉnh thành phẩm. Một cơ sở khác tại Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) rộng 21 nghìn m2 cũng đang gấp rút được đầu tư, cho phép sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Ngay những nhà máy được đầu tư từ giai đoạn trước như Viha, Đống Đa, nay cũng đã từng bước được chuyên môn hóa theo loại sản phẩm. Hiện nay, Thống Nhất có khả năng chế tạo, lắp ráp hơn 100 cỡ, loại xe từ thông dụng đến cấu tạo phức tạp. Vì thế, chúng tôi rất sẵn sàng cho việc mở lại thị trường vốn quen thuộc. Nhưng như đã nói, mọi chuyện không thể đốt cháy giai đoạn được, đích đã rõ, việc còn lại là đến đích thế nào thôi!
- “Nghĩ đến xe đạp – Nghĩ về Thống Nhất” đã là slogan quen thuộc tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, với một sản phẩm mang tên riêng trong tiếng Việt, khi xuất khẩu rất khó định danh bởi trở ngại phát âm. Anh có cân nhắc đến việc thay đổi tên sản phẩm hay slogan của mình?
Quả thật, về mặt ngôn ngữ thì đúng là người nước ngoài có gặp khó khăn trong phát âm tên “Thống Nhất”. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn slogan của mình sẽ được khẳng định tại thị trường nước ngoài. Lịch sử thương hiệu “Thống Nhất” đã có từ 50 năm nay và chỉ riêng cái tên thôi đã mang nhiều ý nghĩa. Chúng tôi tự hào là một trong số ít doanh nghiệp chế tạo cơ khí có thể tồn tại và phát triển được vững chắc. Muốn khai phá thị trường mới, slogan ấn tượng là cần thiết, nhưng bên cạnh đó còn nhiều yếu tố quan trọng khác như chất lượng sản phẩm, kênh tiếp thị, bán hàng, đối tác… cần phải làm cho tốt.
Thống Nhất đã được vinh danh “thương hiệu quốc gia” và chúng tôi nuôi niềm tin rằng, tương lai tên “Thống Nhất” sẽ còn được vang lên ở xa hơn và nhiều hơn nữa.
Chiến lược xe “không khói”
- Chắc hẳn niềm tin về tương lai Thống Nhất của anh là có cơ sở. Nhưng không hiểu anh cảm thấy thế nào khi đi ra đường ở chính đất nước mình mà thấy xe đạp nhập khẩu nhiều đến thế?
Nếu chúng ta có được chiến lược cho phát triển loại xe “không khói” này, lợi ích thu được không chỉ là giảm nhập siêu mà còn là yếu tố xã hội, môi trường và văn hóa. |
Tôi vẫn luôn trăn trở vì điều đó. Đất nước chúng ta phát triển nhanh, đó là điều đáng mừng. Nhưng một mặt, chúng ta cũng đang phải trả giá về môi trường, trả giá cho việc coi xe gắn máy và ôtô là thước đo cho sự giàu có và sang trọng. Dường như chúng ta có thể tìm kiếm được con số, hiện có bao nhiêu xe máy, xe ôtô được lưu hành, nhưng không ai có thể thống kê được còn bao nhiêu xe đạp!
Chúng ta ra quyết tâm giảm nhập siêu nhưng lại vẫn phải tốn nhiều ngoại hối để nhập những sản phẩm có thể sản xuất tốt trong nước, xe đạp là một trong những ví dụ!
Rõ ràng, nếu chúng ta có được chiến lược cho phát triển loại xe “không khói” này, lợi ích thu được không chỉ là giảm nhập siêu mà còn là yếu tố xã hội, môi trường và văn hóa.
- Với tôi, chiến lược xe “không khói” nghe rất thú vị. Tuy nhiên, ở cái thời mà ngành nào cũng muốn mình là ngành chiến lược, hẳn anh phải có lập luận của mình?
Thực ra, khi xã hội phát triển đến một mức nào đó, người ta lại muốn quay về với “ngày xưa”. Ở Mỹ, châu Âu, hay một số nước châu Á, ai đi xe đạp đến công sở đều được sự trân trọng của đồng nghiệp vì đó là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Ở nhiều nước, họ phân luồng đường cho xe đạp đi, thậm chí xe đạp được quyền đi lên vỉa hè, vậy nên, khi làm đường, không bao giờ họ xây vỉa hè cao mà thường có độ thoai thoải để xe đạp có thể thuận tiện lên xuống. Họ có những ý tưởng kinh doanh liên quan đến việc cổ súy cho xe đạp như rạp chiếu phim, khán giả vừa xem phim vừa đạp xe; hay vào một quán ăn, nếu bạn đạp xe (chiếc xe được gắn với máy phát điện phục vụ cửa hàng) sẽ được trừ tiền ăn…
Ở Thống Nhất, chúng tôi cũng khuyến khích cán bộ công nhân viên đi xe đạp đến cơ quan. Mỗi người được nhận 10 nghìn đồng cho một ngày đi xe đạp. Thống Nhất còn hợp tác với tập đoàn FPT để phát động phong trào đi xe đạp. Tuy nhiên, có một thực tế, cơ sở hạ tầng của chúng ta kém, những dịch vụ đi kèm để phát triển việc đi xe đạp (những bãi cho thuê xe…) chưa có nhiều, vậy nên, phòng trào này khó mà nhân rộng. Có nhiều người dân Việt Nam hiện nay lựa chọn loại hình thể thao là đạp xe nhưng lại không đủ kiên nhẫn để đạp đi làm cũng vì những bất cập nói trên. Vì thế, tôi mong muốn chúng ta có được một chiến lược cấp quốc gia về phát triển xe đạp trong đời sống cộng đồng để có thể nhân rộng phong trào đi xe đạp.
Nuôi một “giấc mơ”
Xoay quanh chiếc xe đạp, tưởng sẽ chẳng có gì ngoài những con số, những dự định kinh doanh thông thường. Nhưng anh Sơn dường như đã mở một cánh cửa để dẫn chúng tôi quay trở lại cái thời mà anh gọi là “ngày xưa ấy”. Anh nói, mình nuôi một giấc mơ, mơ đến ngày, Hà Nội không còn xe máy, chỉ có xe điện leng keng, xe bus chạy nhịp nhàng và… xe đạp ngược xuôi trên phố. Giấc mơ của anh có phần viển vông hay hoài cổ nếu chỉ nhìn vào thực tại ngay ngoài ô cửa kia thôi. Tôi hỏi, anh có tính đến việc khả năng thành công là rất ít? Trả lời: “Có sao đâu, thất bại chắt lọc nên thành công.
Nếu xe đạp được trao sứ mệnh môi trường, tôi tin giấc mơ về một Thủ đô hiện đại nhưng xanh và thanh bình sẽ không chỉ trong tâm tưởng một cá nhân”.
(Theo Dương Hương // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com