Chị Nguyễn Thị Lan Dung - Giám đốc Công ty TNHH Gia Long |
Cô gái miền xuôi “bươn” miền ngược
Cô gái quê Thái Bình là con út trong một gia đình nông dân có 7 người con. Có lẽ như người xưa vẫn nói, “giàu con út, khó con út”, cái nghèo của gia đình quanh năm gắn mình với đồng ruộng đã đưa bước chân chị lên tận Hà Giang xa ngút ngàn. Đó là năm 1986, cô thôn nữ những tưởng yên phận làm nghề may ở HTX mua bán Xín Mần với một gia đình nhỏ đầm ấm, nhưng số phận đã tạo nên những bước ngoặt cho cuộc đời chị. Chị tâm sự: “Năm 1989-1990 tôi chuyển sang làm ở Công ty thương nghiệp huyện Xín Mần. Giai đoạn này được xem là nhiều biến động nhất trong cuộc đời tôi từ khi trưởng thành”. Cái thời thương nghiệp không còn đại diện cho sự sung túc mà còn đó là những chất chồng khó khăn của thời hậu bao cấp, khi nền kinh tế chuyển dịch sang tự hoạch toán kinh doanh. Nhưng thời thế đã giúp chị có một quyết định làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình: “Khổ chẳng đã của quá trình chuyển đổi giao thời, tôi đành “mất tiền – mua thất nghiệp”. Đến năm 1999, tôi xin nghỉ tự túc nhưng vẫn phải tự lo tiền nộp bảo hiểm xã hội” - ánh mắt chùng xuống với những hồi ức, chị tiếp -“Năm 2000 tôi thành lập doanh nghiệp. Cái tên Gia Long là do anh Đàm Văn Bông, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần lúc đó gợi ý, tặng cho. Cái tên bắt nguồn từ giai thoại vua Gia Long về đỉnh 2000 ở Bản Díu (Xín Mần) như vừa hư, lại vừa rất thực. Có phải nhờ thế mà doanh nghiệp của tôi đã vượt được qua bao sóng gió cho đến ngày nay...”.
Vượt vũ môn qua ải “đại công trường”
Ánh nắng chiều hắt trọn qua khung cửa sổ căn nhà sàn nơi chị và tôi đang ngồi trò chuyện. Cảnh tranh tối, tranh sáng của buổi chiều miền cao càng trở lên tĩnh lặng theo dòng hồi tưởng của chị.
Những năm đầu thành lập Công ty TNHH Gia Long, cũng là lúc tỉnh Hà Giang nở rộ thời xây dựng hạ tầng cơ sở hay còn lại là giai đoạn phát triển “Đại công trường”. Trong xu thế chung lúc đó, Công ty Gia Long cũng tập trung vào xây dựng cơ bản, làm đường, xây nhà, xây khách sạn. Tuy nhiên, thịnh vượng chưa được bao lâu thì “đại công trường” ở Hà Giang đã biến thành “đại công nợ” và Gia Long cũng không nằm ngoài vòng xoáy bi kịch đó khi mà vốn đầu tư vào rất nhiều công trình không quyết toán được. Rồi vốn cấp mới không có, công trình không còn, thêm vào đó là vốn vay từ ngân hàng “lãi mẹ, đẻ lãi con” đổ vào đầu công ty. Đi kèm vốn cắt, vốn chậm thanh toán, đầu tư giảm là lúc khách sạn, nhà hàng cũng... kinh doanh ế ẩm. Mọi việc kinh doanh chững lại và tưởng như tất tật con đường ra vào của đồng vốn đều bị đóng kín? "Cảm giác như mọi cánh cửa đều đã đóng lại trước mắt mình. Cho dù mình có quay phía nào thì cũng không thoát được, chỉ còn lại một con đường duy nhất là phá sản, vỡ nợ..." - chị cười nhẹ.
Nhưng, cái còn lại để giúp chị đứng lên giữa những thất bại đó là tình người, là sự gắn bó, động viên của cán bộ công nhân viên trong công ty.“Cũng may tôi luôn sống và làm việc bằng hết cái tâm của mình, nên khi Gia Long khó khăn như thế mà cán bộ nhân viên không ai bỏ đi”, chị xúc động nhớ lại.
Bản lĩnh và cống hiến
Bóng chiều đã đã co lại thành một vệt dịu trên sàn nhà. Người miền cao vẫn có thói quen nhóm lửa khi ánh nắng sắp tàn để xua cái lạnh của vùng cao nguyên đá. Câu chuyện của chị đã nhuộm thêm sắc vui của ánh lửa vừa cơi... với chị, 10 năm hoạt động là 10 năm chị và Công ty Gia Long đồng cam cộng khổ với người dân nơi đây. Có lên Xín Mần mới thấy, dân trí thấp, kinh tế địa phương nghèo nàn, địa hình phức tạp, đường xá đi lại khó khăn. Mỗi công trình đường sá của Gia Long trên địa bàn là một sự quyết tâm, thậm chí có cả chút liều lĩnh. Đó là sự can đảm của chị khi dám mạnh dạn đầu tư vào xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế vùng sâu, xùng xa. 60 đầu điểm, là con số mà chị đã góp phần xây dựng mạng lưới giao thông cho nông thôn. Có những đầu điểm khó khăn, địa hình chênh vênh, không có nước, không có doanh nghiệp nào dám nhận nhưng chị đã đứng ra nhận, như đầu điểm xây dựng đường ra mốc 172. Khi cả huyện không có lấy một nơi ăn nghỉ, để mỗi khi huyện có cán bộ lên công tác phải gửi vào nhà dân. Có đám cưới, đám xin, hội nghị họp hành phải huy động mọi người đi mượn bàn ghế, bát đũa trong dân.
Vững chân trong địa hạt xây dựng cơ bản, chị mạnh dạn đi đầu xây dựng khách sạn Gia Long để giải quyết nhu cầu ăn, nghỉ, hội họp cho địa phương mỗi khi cần. 10 năm trước Xín Mần không có xe máy, mãi đến năm 2003 mới có thì phải đi hơn 40 cây số ra Hoàng Su Phì để mua xăng. Mọi hoạt động sản xuất, đi lại đều cần xăng dầu mà lại không có điểm mua, tỉnh cũng đã nhiều lần vận động các đơn vị kinh doanh xăng dầu đặt điểm kinh doanh nhưng không có đơn vị nào dám nhận. Cũng chỉ bởi họ ngại địa hình quá phức tạp, vận chuyển đi lại xa xôi khó thu hồi vốn và kinh doanh có lãi. Chị lại mạnh dạn dẫn đầu đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Kinh tế địa phương nghèo nàn người dân ngoài trồng ít ngô, nuôi vài con gà đem ra chợ bán họ chẳng biết làm gì hơn. Trình độ lao động sản xuất thủ công cộng với dân trí thấp, dân đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Gắn bó gần hai mươi năm với huyện Xín Mần, thấy củ dong riềng được người dân nơi đây trồng nhiều, chị quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng xưởng sản xuất miến dong. Chị tâm sự “Nói thật, nếu chỉ nghĩ đầu tư để sinh lãi thì chắc chẳng ai dám đầu tư, nhưng chị muốn giúp người dân tộc ở địa phương phát triển kinh tế, muốn biến sản phẩm chính của người dân làm ra thành hàng hóa để họ lấy đó làm mô hình, tự vận động sáng tạo kiến thức trong phát triển lao động sản xuất”.
Huyện Xín Mần với đặc điểm rừng già nguyên sinh, bãi đá cổ Nấm Dẩn và Thác Tiên Đèo Gió được nhà nước công nhận di tích quốc gia. Tuy sẵn có tiềm năng du lịch nhưng chưa được đầu tư khai thác quảng bá nên chưa phát triển. Khi chị mạnh dạn đứng ra nhận đầu tư và khai thác, nhiều người đã cười chị, có lẽ họ cười là bởi họ không hiểu được ước mơ của chị. Chị bảo “Xín Mần ngay sát với Bắc Hà mà sao khách du lịch đến với Bắc Hà nhiều thế!?”. Chị mạnh dạn đầu tư cũng chính bởi mong muốn đưa Xín Mần trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng như Sa Pa, như Bắc Hà của Lào Cai.
Xín Mần là quê hương thứ hai
Tôi cứ thắc mắc, có bao giờ chị có ý định rời khỏi Xín Mần, Hà Giang không? Giả dụ như là để về với nơi chôn rau cắt rốn của chị? Hoặc không nữa thì xuống ở một nơi phồn hoa đô hội hơn và chỉ giữ lại Xín Mần như một nơi lưu giữ hồi ức, để một lúc nào đó quay về như một người khách du lịch?
Chị không thể, tôi biết nhưng vẫn thắc mắc, khi mà có đến 90% lợi nhuận chị lại tiếp tục đầu tư để tạo cơ hội sống tốt hơn cho người dân nơi đây. Những đóng góp của chị trong việc tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân không chỉ được người dân biết, mà lãnh đạo các cấp của huyện Xín Mần và của Tỉnh Hà Giang đều ghi nhận. Và chị là niềm tự hào của người dân Xín Mần, Bông hồng vàng tiêu biểu trong cộng đồng doanh nghiệp xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa....
Vệt nắng đã không còn, bóng đêm đã dần buông, khí trời đã bắt đầu mang cái lạnh đặc trưng của vùng núi đá. Câu chuyện của chị chỉ như tiếng thở nhẹ giữa hùng vĩ mây trời mà khiến cho người ta khó quên được...
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com