Ở vùng nông thôn từ Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ hay miền Tây sông nước, ca cao đã thật sự trở thành cây làm giàu cho bà con nông dân
Đối với anh Trịnh Văn Thành, ngụ tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cây ca cao đã cho anh một cuộc sống mà trước đây có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Cách đây 7 năm, anh Thành chỉ là một nông dân khốn khó, thu nhập không đủ lo cho gia đình 5 người. Khi cây tiêu bị dịch bệnh chết dần, cuộc sống gia đình anh - vốn chỉ phụ thuộc vào 2 ha tiêu - trở nên vô cùng khó khăn.
Người trẻ thường táo bạo, xốc vác. Thành không cam chịu yên phận mà luôn trăn trở tìm loại cây nào đó trồng xen với tiêu để cải thiện thu nhập. Cơ hội đến với anh khi năm 2001, một dự án trồng ca cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu được triển khai. Thành mạnh dạn tham gia và trở thành tập huấn viên của dự án. Sau một thời gian “tầm sư học đạo”, anh đã am hiểu hết kỹ thuật canh tác ca cao và ra sức vận động, hướng dẫn bà con cùng trồng loại cây này.
Năm 2003, Thành trở thành một tập huấn viên xuất sắc của dự án ca cao. Anh bộc bạch: “Là cây trồng mới nên vận động nông dân rất khó khăn. Tôi lập điểm thu mua để tạo đầu ra cho bà con an tâm. Từ đây, tôi bắt đầu thu mua trái ca cao tươi sơ chế bán cho các công ty”. Là người dám nghĩ dám làm, khi sản lượng thu mua ca cao tăng nhanh, anh đã thành lập công ty và vay ngân hàng 1 tỉ đồng để kinh doanh.
Việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, Thành mở rộng địa bàn thu mua sang Đắk Lắk, Bình Phước, Bến Tre, Đồng Nai... và trở thành một trong những nhà cung ứng ca cao lớn. “Không những lo được cho gia đình mà tôi còn mới mua được một chiếc xe hơi Mercedes. Mỗi tháng, tôi bán trên 20 tấn ca cao trị giá trên 1 tỉ đồng” - tỉ phú ca cao khoe.
Anh Nguyễn Phú Bình bên giàn phơi ca cao của doanh nghiệp mình
Khác với Thành, anh Nguyễn Phú Bình, ngụ tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành - Bến Tre, từng đi xuất khẩu lao động 3 năm ở Đức và về nước năm 2000. Với số vốn tích cóp được, thoạt tiên, anh đầu tư trang trại nuôi bò. Trang trại của Bình từng là một trong những trang trại bò lớn nhất Bến Tre. Thế nhưng 2 năm sau, khi giá bò xuống quá thấp, Bình bán toàn bộ trang trại, chịu lỗ gần 50 triệu đồng.
Đầy hứa hẹn Theo Công ty Cargill, doanh nghiệp thu mua tới70% sản lượng ca cao tại VN, đến năm 2009, nước ta chỉ mới phát triển 14.000 ha ca cao so với 80.000 ha dự kiến trồng đến năm 2020. Tất cả ca cao thu mua tại VN đều được xuấtkhẩu và vì vậy, dù mới bắt đầu nhưng cây ca cao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao rõ rệt cho bà con nông dân. |
Năm 2004, khi vợ Bình tham gia làm tập huấn viên cho dự án ca cao tại Bến Tre, anh lập điểm thu mua để sơ chế rồi bán lại. Những lần sơ chế đầu tiên không đạt yêu cầu nhưng Bình không nản. Sau khi được tư vấn kỹ thuật của nhân viên thu mua, anh mạnh dạn đầu tư 1 thùng ủ 3 ngăn để ủ ca cao và đã thành công. Nắm vững kỹ thuật sơ chế, Bình bắt đầu đẩy mạnh việc thu mua trái ca cao tươi.
Năm 2008, anh thành lập doanh nghiệp, mở rộng địa bàn thu mua ca cao. Doanh nghiệp của anh thu mua 50-70 tấn trái ca cao tươi/tháng vàgiải quyết cho gần 10 lao động thường xuyên với thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm làm ca cao, Bình tâm sự: “Tôi không ngờ có thể làm giàu từ ca cao nhanh đến vậy”.
Cũng ở Bến Tre, anh Nguyễn Hoàng Phương, ngụ tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, được nhiều người gọi vui là “vua ca cao”. Năm 2005, Phương tham gia làm tập huấn viên cho dự án ca cao ở Bến Tre. Anh may mắn được Trường ĐH Cần Thơ tài trợ xây dựng một lò sấy ca cao dùng năng lượng mặt trời. Từ đó,Phương bắt đầu mua ca cao tươi để lên men bán cho công ty thu mua. Sản lượng thu mua ngày càng tăng cao, đến năm 2008, mỗi tháng anh bán 10 -15 tấn hạt và trở thành nhà cung ứng ca cao lớn nhất tại Bến Tre. Hiện doanh thu của anh mỗi tháng lên đến 500-700 triệu đồng. “Vua ca cao” vẫn vững tiến trên con đường làm giàu của mình.
(Bài và ảnh: Lương Văn Lợi // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com