Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Kiếm' hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi thỏ

Nhờ nuôi thỏ, năm 2008, trang trại thỏ của ông Nguyễn Huy Quang cho thu nhập trên 100 triệu đồng, năm 2009 là 180 triệu đồng và năm 2010 này sẽ là cao hơn nhiều khi số lượng thỏ nuôi theo dự định sẽ tăng lên gấp đôi.

 
Anh Phặm Đăng Huy ở Hạ Hòa (Phú Thọ), khách hàng đến mua thỏ giống ở trang trại của ông Quang
 
Trò chuyện với cán bộ Phòng Nội vụ Trấn Yên về những điển hình làm kinh tế giỏi của huyện, tôi thực sự ấn tượng với ông Nguyễn Huy Quang một người nuôi thỏ quy mô lớn ở thôn Lương Môn xã Lương Thịnh. Nuôi thỏ không phải là quá mới mẻ, song nuôi thành hàng hóa, thu nhập cả trăm triệu đồng thì quả là chưa nhiều ở Yên Bái! Với ý nghĩ ấy tôi quyết tâm “mục sở thị” mô hình kinh tế khá đặc biệt này.

Từ lần hồi chuyển đổi cây, con

Rời thành phố Yên Bái theo quốc lộ 32 chỉ chừng mươi cây số, không khó để đến được “đại bản doanh” của ông Quang “thỏ” (biệt danh mọi người gọi ông) trên một khu đất bằng phẳng và gần như biệt lập. Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều thỏ đến thế, gần nghìn con thỏ được nuôi trong nhiều dãy chuồng kê san sát. Còn chủ của trang trại ấy - ông Nguyễn Huy Quang lại là một người không cam chịu thất bại. Sinh năm 1953, trước ông sinh sống làm ăn ở Tà Chải (Bắc Hà, Lào Cai), 43 tuổi về lập nghiệp tại mảnh đất Lương Thịnh, với hướng phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp.

Trên diện tích gần 5.000 m2, ngày đầu ông trồng 400 gốc cam, với 8 sào mía. Không thể thiếu lấy ngắn nuôi dài ông nuôi thêm lợn, gà vừa có thêm thu nhập lại có nguồn phân bón để trồng trọt. Đã có thời điểm ông thu 10 tấn cam/ vụ, nhưng rồi cam rớt giá, ông phá bỏ cam. Năm 2006, cũng mảnh đất ấy ông chuyển sang trồng 200 gốc táo. Giống táo lê, quả to ăn giòn mà ngọt. Trồng táo chỉ năm trước năm sau đã cho thu hoạch mỗi vụ đã từng thu được 3 tấn táo với giá 10 nghìn đồng/kg, số tiền không phải là nhỏ (nhưng sau này ông cũng phá bỏ táo để chuyên tâm trồng cỏ nuôi thỏ). Sau này ông mở rộng mô hình nuôi gà đẻ trứng và gà thương phẩm tới vài nghìn con, rồi thêm 500 con ngan Pháp, 150 con vịt đẻ trứng…

Năm 2005, đang say với mô hình nuôi gia cầm và thu lời lớn thì tai hoạ ập xuống gia đình ông bởi dịch cúm gia cầm mang tên H5N1. Khi các món ngan quay, gà luộc trong mâm cỗ của các đám cưới, hỏi, tiệc tùng được thay thế; thịt gia cầm ế ẩm, cho không đắt cũng là khoảng thời gian ông điêu đứng nhất trong làm ăn với thiệt hại khoảng 180 triệu đồng. Ôn lại chuyện cũ mà ông cứ lắc đầu quầy quậy:“Ngày ấy bi quan lắm cô ạ! Tưởng không thể đứng lên mà làm lại được!”. Rồi nhờ bạn bè giúp đỡ cho vay mượn tiền vốn mà ông vực dậy được sau thiệt hại nặng nề ấy và tiếp tục bắt tay thử nghiệm nuôi trên 100 con dê. Chỉ được 2 năm ông nghiệm ra rằng nuôi dê mà nuôi nhốt thì không thể thành công. Ông lại tiếp tục mày mò, chuyển đổi và bén duyên với nghề nuôi thỏ.

Đến say và làm giàu từ nuôi thỏ

Mua thỏ giống ở trang trại của ông Quang, người chăn nuôi không chỉ được tặng tài liệu, tư vấn kỹ càng mà còn được cấp giống cỏ về trồng

Bây giờ thì ông đã là chủ của một trang trại nuôi thỏ công nghiệp quy mô lớn. Mỗi ngày trang trại tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức lương trung bình 2 triệu đồng/tháng. Trong đó, lao động chính được trả tới 3 triệu đồng, không kể tháng tháng lại được ông thưởng thêm cho vài trăm nghìn động viên. Ông nói, cái duyên đến với con thỏ là nhờ một người bạn làm khuyến nông giới thiệu. Ban đầu ông mua 7 con thỏ giống Niu-di-lân về nuôi thử, năm 2008. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho đi dự tập huấn 15 ngày về kỹ thuật nuôi thỏ ở Sơn Tây, tận mắt thấy các mô hình nuôi thỏ thành công ở tỉnh bạn khiến ông ngày càng say với loài gặm nhấm mắt hồng đáng yêu ấy và chuyển hẳn sang nuôi thỏ.

Cầm trên tay cuốn nhật ký theo dõi chi tiết về lũ thỏ: ngày phối giống, ngày thỏ đẻ, chuồng số bao nhiêu, số lượng thỏ con, số ngày tuổi… mới thấy cách làm việc khoa học và nghiêm túc của ông. Từ việc ông mày mò nghiên cứu đổ bê tông máng nước cho thỏ một cách khoa học, để thỏ dễ uống mà dễ vệ sinh hàng ngày hay thiết kế kiểu chuồng thuận lợi và an toàn nhất cho thỏ trước lũ mèo và chuột; thử nghiệm dùng thuốc kích đẻ của trâu bò tiêm cho thỏ với liều lượng thích hợp để khi thỏ chuyển dạ không quá đau đớn, mất sức cho tới việc sưu tầm những giống cỏ thỏ ưa thích nhất như: cỏ VA06, Jinê, chè khổng lồ, thậm chí trồng cả ngô lấy lá non làm thức ăn cho thỏ đều được ông ghi chép rất tỉ mỉ.

Có lẽ đó cũng là một trong những điều kiện cần thiết để ông thực hiện mục tiêu nhân số lượng thỏ trong trang trại lên 2000 con trong năm 2010 này. Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi thỏ của ông chủ Quang đã được nhiều tổ chức, cá nhân tới tham quan học tập kinh nghiệm và mua giống. Ông đã cung cấp thỏ giống cho vài chục mô hình chăn nuôi ở thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Văn Chấn, huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) và tỉnh Lào Cai.

Với mỗi mô hình nuôi mới ông đều cung cấp tài liệu và theo sát có khi là đến tận nơi, khi qua điện thoại để kiểm tra kỹ thuật chuồng nuôi, thức ăn hàng ngày cũng như tình trạng phát triển bệnh lý của thỏ để nhắc nhở những kinh nghiệm cần thiết. Không ít người lúc mới nuôi còn e ngại về đầu ra của thỏ, song để họ yên tâm, ông không ngần ngại hứa sẽ bao tiêu hết sản phẩm, kể cả việc ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài. Bởi theo ông, việc tiêu thụ thỏ thịt mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thị trường vì hiện tại ông đang bán thỏ thịt cho một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Lục Yên và tỉnh bạn Hà Giang với giá trung bình 55 - 60.000 đồng/kg. Còn vào mùa cưới, mỗi ngày cơ sở của ông lại mổ tới vài tạ thỏ thịt cho các nhà hàng làm cỗ.

Chia sẻ kinh nghiệm

Quả là nuôi thỏ có nhiều thuận lợi, không nặng nhọc, thậm chí người già, trẻ em đều có thể làm được. Thỏ ăn cỏ, ăn lá là chính nên ít tốn kém. Mỗi con thỏ đẻ nếu khai thác triệt để cứ 35 ngày 1 lứa, bởi chỉ 24 tiếng sau khi đẻ thỏ mẹ đã có thể phối giống. Mỗi lứa 1 thỏ mẹ đẻ từ 8 - 10 con, có khi nhiều hơn, bởi thế mà nuôi thỏ rất nhanh đông đàn. Tuy vậy, theo kinh nghiệm của ông Quang thì người nuôi không nên khai thác thỏ mẹ quá triệt để mà cần có thời gian để thỏ mẹ nuôi con và lại sức.

Ông Quang tâm sự:“Nuôi thỏ, trước hết phải có kiến thức về con thỏ. Sau là việc chuẩn bị các điều kiện như đóng chuồng, láng nền, quy hoạch khu chăn nuôi, xử lý chất thải, rồi trồng cỏ… Tùy số lượng, quy mô nuôi nhiều, nuôi ít mỗi mô hình có đầu tư phù hợp. Nếu một người chăn nuôi đầu tư khoảng 10 - 15 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư chuồng trại, mua khoảng 50 con thỏ đẻ (loại thỏ to) thì chỉ sau 3 tháng đã có thể hoàn vốn”.

- Vậy có những mô hình cũng đã nuôi thỏ nhưng thất bại là do đâu ạ?

Đó là những người không có tâm huyết. Ông thẳng thắn. Cũng đã có trường hợp khi đến tham quan mô hình của tôi, họ cũng say sưa, thích thú và đầu tư nuôi nhưng rồi không thành công, bởi họ không chuyên tâm. Làm việc gì không toàn tâm toàn ý thì sao mà có kết quả tốt được? Điều này càng được khẳng định khi nghe cách ông hướng dẫn, phân tích, dặn dò và cả khích lệ với những khách đến mua thỏ giống hôm ấy như: vợ chồng trẻ Nguyễn Đức Phong ở xã Bảo Hưng, là Đinh Văn Kiên ở Hưng Thịnh huyện Trấn Yên hay Phạm Đăng Huy ở Hạ Hoà (Phú Thọ)…

Đồng thời, hướng người chăn nuôi làm ăn một cách có bài bản, biết áp dụng khoa học kỹ thuật dù là trồng cây gì, nuôi con gì. Có lẽ vì thế mà nhiều năm qua ông đã photocopy hơn 4 triệu đồng tiền tài liệu phát cho người chăn nuôi khi đến mua thỏ giống  từ trang trại của mình cũng như phát tặng cho các tổ chức đoàn thể, cá nhân quan tâm khi được đi dự các hội nghị điển hình làm kinh tế giỏi ở xã, ở huyện…

Say và thành công với con thỏ, vừa qua ông đã đăng ký và được cấp giấy phép thành lập Doanh nghiệp mang tên Quang Thanh. Đây là cơ sở để ông mở rộng hơn mô hình chăn nuôi của mình với những dự định còn ấp ủ như: nâng quy mô nuôi thỏ lên 5.000 con, tiếp tục thử nghiệm nuôi nhím và cung ứng sản phẩm thịt thỏ, thịt gia cầm, các loại giống thỏ, gia cầm, giun giống công nghiệp cho người chăn nuôi, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi...

(Theo baoyenbai)

  • Chàng giám đốc 'né'... trường đại học
  • Vương Thùy Hương: Khởi đầu nhỏ cho niềm tin lớn
  • Trở thành tỷ phú từ nuôi... côn trùng
  • Chủ tịch Sacomreal: “Trung thực, trung thành phải được xếp đầu”
  • Nữ sinh khẳng định mình từ 'thương trường vỉa hè'
  • Tổng giám đốc đi lên từ nhân viên khuân vác
  • Kẻ từng 'bóc lịch' trở thành tỷ phú từ tay trắng
  • Chăn vịt kiếm hàng chục tỷ đồng mỗi năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao