Nguyễn Thành Tâm là Việt kiều Mỹ, 17 tuổi về Việt Nam lần đầu và cũng là lần đầu học tiếng Việt, sau đó quay lại Mỹ, bảo vệ hai bằng Đại học Y khoa và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.
Anh đã trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của một trong những trường đào tạo thẩm mỹ lớn nhất nước Mỹ, và là cố vấn cao cấp của trường đại học danh tiếng Fullerton (Mỹ).
Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu, vẫn đi trên con đường chính (tiếp tục công việc kinh doanh tại Mỹ), song song đó, Nguyễn Thành Tâm chọn trở về nơi mà anh sinh ra.
Một trong những công việc chính yếu đầu tiên Nguyễn Thành Tâm làm là đưa đại học Fullerton tiến gần hơn đến Việt Nam! Đây là điều kiện tuyệt vời để làm giáo dục tại Việt Nam
Anh thuộc thế hệ Việt kiều mới ở Mỹ - nơi đó, anh đã khởi nghiệp như thế nào?
Khác với nhiều người Việt khác, ở Mỹ, tôi có một đời sống khá sung sướng, bố mẹ làm ăn thành công, tôi được giáo dục cẩn thận, từ khi học đến khi ra trường không phải làm thêm.
Tôi học 4 năm tại đại học Y khoa UC Irvine. Nhưng là học theo bổn phận, chứ tôi đam mê kinh doanh và không thích ngành y. Tôi đã làm bố mẹ... sốc, vì sau khi tốt nghiệp, tôi tặng bằng Y khoa cho bố mẹ và nói: “Con học Y cho bố mẹ, còn bây giờ con sẽ đi theo con đường riêng của con, đó là học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh thay vì học ngành chuyên môn Y khoa.” Cuối cùng tôi chọn học MBA tại đại học Fullerton.
Việc anh học MBA tại Fullerton và trở thành cố vấn cao cấp của Fullerton có mối quan hệ gì với nhau?
Song song với việc học thạc sĩ quản trị kinh doanh của Fullerton, tôi chính thức bước vào thương trường. Đầu tiên, tôi phát triển trường đào tạo thẩm mỹ của gia đình thành cơ sở đào tạo tốt nhất Hoa Kỳ, chứ không chỉ trong phạm vi cộng đồng người Việt hay tiểu bang California. Đồng thời, tôi hợp tác với một số bác sĩ - là những sinh viên học chung ở UC Irvine - mở lớp vật lí trị liệu.
Và một cơ hội tuyệt vời mở ra, khi tôi - với tư cách là cựu sinh viên của đại học Fullerton - được ban lãnh đạo Fullerton mời tham gia Hội đồng Quản trị, sáng lập hội cựu sinh viên Việt Nam đầu tiên tại Mỹ. Họ mời tôi về làm tư vấn hợp tác quốc tế.
Tôi cũng là người hướng dẫn ban lãnh đạo Fullerton khi họ về Việt Nam để hợp tác quốc tế, đồng thời được tiếp đón nhiều lãnh đạo cao cấp trong ngành giáo dục Việt Nam khi họ sang Fullerton.
Anh có những lợi thế gì để được chọn tham vấn và làm cầu nối cho Fullerton khi họ vào Việt Nam?
Trước hết là uy tín của tôi - một cựu sinh viên của Fullerton đang thành công trên thương trường và trong các tổ chức hoạt động xã hội. Điều quan trọng nữa là tôi thuộc thế hệ thứ 2. Thế hệ thứ 2 có nhiều cái lợi như không dính dáng đến chính trị, không có ám ảnh về chiến tranh, và hoàn toàn hợp tác với các bạn trẻ Việt Nam.
Tôi làm việc theo tiêu chuẩn của Mỹ. Tiếng Anh của tôi rất tốt, phát âm như người Mỹ. Lợi thế nữa là, tôi đã về Việt Nam hơn 30 lần, bắt đầu từ năm 1991, nên khá hiểu biết đất nước, văn hóa Việt Nam. Tạo được niềm tin tốt, nên tôi đã được ban lãnh đạo ủy quyền hoàn toàn cho dự án vào Việt Nam của Fullerton.
Điều tôi thắc mắc là, nói đến giáo dục, người ta nghĩ ngay đến Mỹ, Anh, Pháp, Australia... Gần Việt Nam nhất có “điểm nóng” Singapore. Tại sao Fullerton lại chọn Việt Nam - một đất nước không có tên trên “bản đồ giáo dục quốc tế” - để đầu tư?
Fullerton đầu tư dựa trên thời điểm và mối quan hệ. Đây là thời điểm tuyệt vời trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Mỹ, điều đó có nghĩa, đây cũng là điều kiện tuyệt vời để làm giáo dục tại Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đặt giáo dục lên hàng đầu. Ông ấy đã có cuộc tọa đàm về giáo dục, và Fullerton được tham gia thuyết trình. Từ năm 2000, Tổng thống Bill Clinton, sau đó là Tổng thống Bush cũng đã đến thăm Việt Nam.
Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cũng đã sang Mỹ. Tổng lãnh sự và Đại sứ đã đặt ở 2 nước. Doanh nhân 2 nước cũng đã gặp gỡ, những công ty lớn của Mỹ như Intel cũng đã vào Việt Nam và đầu tư không nhỏ.
Người được hâm mộ nhất nước Mỹ - tỷ phú giàu nhất hành tinh Bill Gates - cũng đã đến Việt Nam. Về vấn đề giáo dục, trước đây, kể cả hiện nay, nhiều người nghĩ rất khó xin visa sang Mỹ du học. Nhưng trong cuộc gặp gỡ gần đây, đại sứ Mỹ cho biết cuối năm 2008, có 8000 sinh viên Việt Nam qua Mỹ học, và tỷ lệ sinh viên Việt Nam ở Mỹ đã lên hàng thứ 8.
Trong suy nghĩ của nhiều người, Việt Nam là một đất nước nhỏ bé, thậm chí nhiều người không biết đến Việt Nam hay nghĩ nơi đây vẫn còn chiến tranh. Về giáo dục, cả thế giới biết đến Harvard, Cambridge... nhưng đáng tiếc, chưa một trường đại học bình thường nào ở Mỹ nghe đến trường đại học ở Việt Nam.
Đó là lí do, tất cả các trường đại học bên Mỹ có ý định hợp tác quốc tế, đều nghĩ đến những trường đại học khác. Nhưng ở đại học Fullerton, từ hiệu trưởng đến các khoa trưởng rất yêu thích Việt Nam, họ đã về Việt Nam hơn mười lần, trong khi không đơn giản để mời một hiệu trưởng ở trường đại học lớn như vậy về Việt Nam.
Bỏ qua lợi thế về ngoại giao và những số liệu, thì điều gì ở Việt Nam đã tạo được sự yêu thích - như anh nói - từ các lãnh đạo cao cấp của Fullerton?
Fullerton nằm trong khu đông người Việt Nam nhất tại Mỹ, đó là Quận Cam. Fullerton là trường nổi tiếng về quản trị kinh doanh, và rất nhiều người Việt là cựu sinh viên của Fullerton. Có sự gắn bó chặt chẽ với người Việt như vậy, nên họ biết cá tính và sự chịu thương chịu khó của người Việt. Đó là lí do Fullerton quay về Việt Nam nghiên cứu và phát triển.
Anh có thể cho biết về cơ cấu vận hành của Fullerton tại Việt Nam?
Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc đặt quan hệ với gần 20 trường đại học danh tiếng ở trong nước. Trước mắt là Đại học Ngoại thương Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vì theo quan sát của chúng tôi, chất lượng học tập của sinh viên Đại học Ngoại thương rất cao.
Qua đó, những sinh viên giỏi sẽ được gửi sang Fullerton học. Cũng đã có 25 lãnh đạo cao cấp của Đại học Ngoại thương sang Fullerton tập huấn theo tiêu chuẩn Mỹ.
Chi nhánh của Fullerton Việt Nam sẽ được đặt tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3. Nơi đây sẽ tư vấn, giới thiệu tất cả các chương trình cụ thể của Fullerton ở Mỹ. Đó là bước thứ nhất. Bước thứ hai, sau khoảng 1-3 năm, Fullerton sẽ mở chi nhánh giảng dạy ngay tại Việt Nam.
Vai trò của anh ở Fullerton Việt Nam là gì?
Tôi vừa là người tư vấn chiến lược phát triển, vừa đứng ở vị trí Giám đốc điều hành quản lí toàn bộ hoạt động của Fullerton tại Việt Nam. Nên hành trình đi về giữa Việt Nam và Mỹ tới đây của tôi sẽ dày hơn.
Giờ anh thành thạo công việc kinh doanh ở Việt Nam và nói tiếng Việt... như gió. Nhưng sự trở về, đặc biệt là khả năng nói tiếng Việt của anh bắt đầu khá muộn. Tại sao vậy?
Mãi đến khi tôi 17 tuổi, học xong lớp 12, bố mẹ mới tặng một chuyến về với gia đình và thăm quê hương. Lúc đó chỉ còn bà nội, và đó là cuộc gặp gỡ vô cùng ý nghĩa. Bà cháu nhìn nhau, bà không nói được tiếng Anh, cháu không nói được tiếng Việt. Hai bà cháu quý nhau, thương nhau, nhưng không thể nào tiếp xúc với nhau bằng ngôn ngữ.
Sau chuyến đi đó, trở lại Mỹ, tôi quyết định phải học tiếng Việt, nếu không muốn là người mất gốc. Cũng sau chuyến đi đó, tôi quyết định cố gắng mỗi mùa hè phải về Việt Nam để gần bà nội trước khi bà nằm xuống. Mỗi mùa hè, từ 1991 đến 1998, tôi đều về Việt Nam. Năm 1998 bà nội mất. Quá buồn và đau khổ, tôi không về Việt Nam 2 năm và nghĩ mình cũng không cần tiếng Việt nữa.
Những gì anh nói, cho thấy, Việt Nam trong anh lúc đó chỉ là bà nội?
Đúng vậy. Mục đích chính của tôi trong những lần về Việt Nam từ 1991-1998 hoàn toàn vì gia đình. Mà gia đình lúc đó là bà nội. Nên khi bà qua đời, tôi không còn lý do để trở về.
Lúc đó tôi nghĩ sống ở Mỹ sung sướng hơn, ít nhất thì đời sống cao, vật chất đầy đủ. Mấy năm đầu về Việt Nam, tôi như một người “Mỹ con,” ra đường thấy bụi bẩn là khó chịu, cái gì cũng nghèo nàn, và dính dáng đến tiền, ai cũng muốn xin tiền mình. Tôi nghĩ, sao ai cũng nói mình nghèo và sống về tình cảm, nhưng nói ra lại toàn xin tiền, đâu có thấy tình cảm gì. Trong khi tình cảm thật sự đã mất đi cùng bà nội.
Những gì anh nói không thể khẳng định đó là “chân dung” của Việt Nam. Anh có nghĩ mình đã nhìn Việt Nam bằng một đôi mắt hẹp hòi, phiến diện, mang sự ích kỷ của lối sống tôn thờ chủ nghĩa cá nhân?
Cảm xúc của tôi bắt nguồn từ những gì tôi chứng kiến. Nhưng chỉ ở thời điểm đó. Vài năm sau suy nghĩ lại, chín chắn hơn, hay nói cách khác, trong con mắt của một người trưởng thành, tôi thấy Việt Nam khác, đang có cơ hội vào sân chơi quốc tế. Việt Nam không nghèo đói, mà đã ăn no mặc ấm.
Khi học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh ở Fullerton (2001-2004), tôi có cơ hội gặp một số bạn sinh viên từ Việt Nam sang du học, trong đó có anh em của Hoàng Anh Gia Lai, Hạ Long Plaza... và nhiều anh em doanh nhân trẻ, nhưng họ rất khiêm tốn.
Trong quá trình học chung, tôi không biết họ đến từ nhiều gia đình giàu có ở Việt Nam. Khi khám phá ra là lúc tôi quay về nước, các bạn tiếp đón rất chu đáo và tình cảm. Tôi đã về Việt Nam với một tầm nhìn khác. Thấy được sự hiếu khách và lòng tốt của người Việt Nam, và tôi có niềm tin trở lại.
Từ những trải nghiệm và thay đổi về quan điểm, anh sẽ làm gì ở một “Việt Nam mới” trong “tầm nhìn mới”?
Là một Việt Kiều lớn lên ở Mỹ, đã đi nhiều, chứng kiến nhiều, nhưng tôi thực sự khâm phục các bạn trẻ ở Việt Nam mà mình đã tiếp xúc. Mặc dù nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng họ rất đáng nể. Họ toàn là Tổng giám đốc, Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị trong các công ty lớn. Họ nằm trong top 50 người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán...
Tôi nghĩ mình sẽ còn học hỏi được nhiều từ những bạn trẻ này. Cá nhân tôi, nếu đóng góp ở Việt Nam so với đóng góp ở Mỹ, tôi chọn Việt Nam.
Là người Mỹ thành công có cảm giác khác với người Việt thành công. Hơn nữa, tôi đã có vợ con. Con đầu gần được 2 tuổi, và vợ sắp sinh cháu thứ hai, nên tôi lại nghĩ đến các con của mình. Tôi muốn Việt Nam sẽ có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của các con tôi sau này.
Không chỉ là người bố gương mẫu cho các con, mà tôi còn muốn là người con trai tròn bổn phận. Tôi muốn bố - một người đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong cuộc sống - sẽ tự hào vì những gì tôi làm được ở cội nguồn!
Xin cảm ơn anh và chúc anh sẽ thành công tại Việt Nam!
(Theo tạp chí Đàn Ông)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com