Tổng giám đốc của hãng thời trang IVY Mode khá quen thuộc trong cộng đồng mạng với nick name Tủm. Ngoài ra anh còn là một trong những sáng lập viên phong trào "phượt" ở Hà Nội với bí danh Cao Sơn và, gần đây, lại được hâm mộ với cuốn sách "Me Tây".
Doãn Dũng duyệt mẫu thời trang |
Doãn Dũng thành lập IVY khi thị trường tràn ngập thời trang ngoại. Thế mà, chỉ bốn năm sau, IVY chiếm thị phần đáng kể thị trường nội, thách thức không ít thương hiệu thời trang ngoại, nhất là thời trang Trung Quốc. Trong khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm ngành may mặc lao đao, IVY vẫn hầu như không bị ảnh hưởng. Doãn Dũng nói về nguyên cớ dẫn anh đến với ngành thời trang.
Tôi khởi nghiệp từ năm 1996 bằng nghề kinh doanh xe máy. Đến năm 2000, tôi mở thêm ngành nghề kinh doanh nhà hàng. Đến cuối 2005 tôi nhảy tiếp sang lĩnh vực thời trang.
Bảo tôi làm vũ trụ hay máy bay thì chịu. Chứ cái quần cái áo mà cũng để nước ngoài thôn tính thị trường thì kém quá. Khi tôi vẽ ra miếng bánh thị trường, nhiều người trong ngành lắc đầu. Chưa làm đã sợ thì sao mà thành công được.
Tất nhiên khi tôi bắt tay vào thời trang, phải nghiên cứu đối thủ của mình chứ. Đó là những hãng thời trang nước ngoài đã có mặt và tương lai sẽ có mặt ở Việt Nam. Và tôi nhìn ra được khe hở mà tôi có thể lách vào được. Giờ thì rõ ràng sản phẩm của chúng có chỗ đứng trên thị trường. Vững là đằng khác.
Trong khi các hàng dệt may chủ yếu hướng về xuất khẩu, vì sao IVY lại chỉ hướng vào phục vụ thị trường trong nước? Và trong nước cũng chỉ phục vụ chị em tuổi 25-35?
Ngành thời trang và ngành may mặc khác nhau về bản chất. May mặc (chủ yếu là gia công) chắc chắn phải hướng ra nước ngoài là chủ yếu, thị trường nội địa là thứ yếu. Thời trang thì ngược lại vì có muốn vươn ra nước ngoài không phải cứ muốn là được.
Anh có thấy phụ nữ ở tuổi 25 đến 35 đáng yêu hơn cả không? Đùa vui thế thôi chứ phụ nữ tuổi nào mà chả đáng yêu. Tôi lấy lứa tuổi ấy để định hướng cho sản phẩm, chứ thực ra khách hàng của tôi rộng hơn nhiều lứa tuổi ấy.
Doãn Dũng chụp ảnh với người mẫu đang mặc đồ của Ivy Mode |
Theo anh, để vươn ra nước ngoài, cần những yếu tố gì?
Vươn ra nước ngoài cần được hiểu là một thương hiệu của Việt Nam được khách hàng nước ngoài chấp nhận, có hệ thống bán lẻ trực tiếp hoặc nhượng quyền ở nhiều nước trên thế giới. Còn sản xuất thì đâu rẻ, tốt thì ta làm, không cứ gì phải ở Việt nam.
Trên thế giới, một số hãng thời trang lớn thực hiện qui trình như sau: Họ vẽ mẫu, gửi mẫu vẽ đến một quốc gia có ngành gia công cao cấp phát triển (ví dụ như Hongkong). Ở đây, họ sẽ làm từ A đến Z để ra được mẫu như yêu cầu và gửi trả lại.
Hãng thời trang này quyết định mẫu ấy có cho ra thị trường hay không và, nếu sản xuất đại trà, sẽ gửi đến quốc gia nào có ngành gia công thứ cấp rẻ nhất. Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện công đoạn này. Và đây được hiểu là “vươn ra nước ngoài” của may mặc.
Vậy thì cái gì mấu chốt để thời trang có thể vươn ra nước ngoài? Chất liệu vải, phụ kiện, đều có thể đặt gia công (ví dụ Trung Quốc) tại nơi mình muốn tổ chức sản xuất. Yếu tố này không phải là then chốt. Điều kiện cần phải là xuất xứ thương hiệu. Điều kiện đủ là tầm quản lý và xây dựng thương hiệu xuyên quốc gia.
Một số nhà thiết kế thời trang có mang bộ sưu tập của mình đi diễn giao lưu ở nước ngoài theo lời mời của một số tổ chức. Đó là một việc nên làm. Ra để biết mình biết người, để người hiểu mình hơn. Nhưng không được phép ru ngủ mình rằng như vậy thời trang của mình đã vươn ra nước ngoài.
Mơ về nơi xa lắm
Theo anh, vì sao VN là đất nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng VN không có hãng thời trang nào có thương hiệu quốc tế? Phải chăng vấn đề thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức?
Anh có thấy, ở châu Âu, có những dòng họ quí tộc không? Đó là những dòng họ cai trị thời phong kiến và rất danh giá. Giai đoạn sau này, khi tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh, dù tầng lớp thượng lưu không còn là độc tôn của tầng lớp quí tộc nữa, dù có nhiều tiền đến mấy, giầu có đến mấy, nếu không xuất thân từ một gia tộc danh giá, anh cũng không có quyền sinh hoạt cộng đồng với họ.
Anh có thể có tiền nhiều hơn họ, có thể học cách ăn nói cư xử quí phái như họ, nhưng mãi mãi anh không phải là họ.
Thời trang cũng vậy, nó có lịch sử và đẳng cấp của nó. Muốn thương hiệu thời trang đạt đến tầm đẳng cấp quốc tế thì điều kiện cần là xuất thân của nhãn hiệu ấy có phải quí tộc không đã.
Khái niệm quí tộc trong thời trang được hiểu là người sinh ra nó là ai và đất nước sinh ra nó là đất nước nào. Rồi mới đến điều kiện đủ là một tỉ thứ đằng sau hỗ trợ nó như tiền bạc, tài năng.
Thực tế cho thấy, châu Á có nhiều cường quốc với hàng ngàn nhãn hiệu thời trang khác nhau, nhưng chưa có một hãng thời trang nào mon men được đến tầm thế giới. Cũng có nhiều hãng thời trang xuất phát từ châu Âu, nhưng chỉ sống được ở châu Á.
Một vài hãng nổi tiếng, có người khai sinh ra là người châu Á, nhưng đất nước khai sinh ra thương hiệu ấy lại là Pháp hay Ý.
Vì vậy, nếu có ai trả lời rằng tôi nghĩ, tôi mong, tôi hi vọng trong tương lai thời trang Việt Nam sẽ có đẳng cấp quốc tế thì đó là quá sức. Cho phép tôi bộc lộ suy nghĩ mà thế nào cũng bị phê phán là có phần bi quan này. Đấy là vĩnh viễn chúng ta không thể trở thành trung tâm thời trang của thế giới nếu hiểu thời trang như xã hội đang hiểu.
Anh có quan tâm tới tính dân tộc trong thời trang?
Tính dân tộc của thời trang là gì? Là áo tứ thân quần ống què ư? Tôi làm thời trang ứng dụng chứ không làm thời trang biểu diễn. Khách hàng của tôi sẽ không chấp nhận một chiếc áo vest lai áo tứ thân. Họ không chấp nhận là tôi không mạo hiểm.
Tính dân tộc của thời trang là chất liệu? Việt Nam là đất nước trồng dâu nuôi tằm dệt vải đấy nhưng sản phẩm làm ra giá thành cao, chất lượng kém. Sự thật đau lòng là, sản phẩm của ta với trình độ công nghệ và gia công hiện nay, để làm ra hàng thời trang cao cấp, chỉ dám dùng làm vải lót.
Để ngành thời trang Việt Nam có thể phát triển lâu dài và bền vững, công nghiệp dệt phải phát triển hơn nữa.
Dù ở vùng trũng của bóng đá thế giới, bóng đá VN cũng vẫn nuôi giấc mơ dự World Cup và thực tế cũng đã giành được những chiến thắng ở tầm khu vực và châu lục. Chúng ta có nên dành cho thời trang niềm tin và sự mơ mộng như bóng đá không?
Mơ ước thì không ai đánh thuế và cũng không nên tiết kiệm. Nhưng tôi làm kinh doanh, nên tôi chỉ nghĩ và thực hiện những cái có thể làm được, không tham bát bỏ mâm anh ạ.
Mốt Việt Nam vẫn chậm hơn thế giới một mùa
Mời hoa hậu Mexico, hay các người đẹp như Thủy Top, Hoàng Thùy Linh, mặc đồ IVY phải chăng là một cách PR (quảng cáo) cho IVY hay là thể hiện đẳng cấp của Doãn Dũng?
Tất nhiên là mời người đẹp nào thì cũng có ý đồ và mục đích nhất định. Hoa hậu Mexico thể hiện cho đẳng cấp thương hiệu. Còn Thủy Top và Thùy Linh tôi chụp cho vụ sale tháng Bảy năm ngoái. Rất thành công. Thỉnh thoảng cũng có thể phá cách một chút nhưng nếu làm thường xuyên lại là vấn đề khác.
Anh thấy thế nào khi trông những bức ảnh tôi nhăn nhở bên cạnh người đẹp? Rõ ràng trông họ đẹp hơn đúng không? Chưa đẹp lắm cũng thành đẹp, vì tôi xấu (cười).
Theo anh mốt Việt Nam có bị tụt hậu so với thế giới?
Thực tình thì ngay từ những năm chống Mỹ, phụ nữ miền Bắc cũng đã có mốt rồi đấy, có điều nó lạc lõng với mốt của thế giới. Sau giải phóng, làn sóng mốt từ miền Nam ảnh hưởng đến miền Bắc.
Thời kì bao cấp, mốt từ nước ngoài ào về theo đường viễn dương. Mốt của Việt Nam có xu hướng chung của thế giới, nhưng chậm đến hàng chục năm.
Đến bây giờ mốt của ta đi cùng với khu vực, vẫn chậm hơn thế giới khoảng một mùa.
Chúng ta hay được nói đến thời trang thông qua người mẫu. Hình như chúng ta biết đến những người mẫu nổi tiếng, đẳng cấp nhưng lại không đi liền với các mẫu trang phục cũng nổi tiếng và đẳng cấp. Phải chăng yếu tố người mẫu chân dài được coi trọng hơn yếu tố mốt? Mốt tôn vinh người mẫu hay người mẫu tôn vinh mốt?
Lại phải so sánh nước ngoài với ta để thấy rõ sự khác nhau. Ở nước ngoài (có ngành thời trang phát triển), các hãng thời trang danh tiếng làm nên thương hiệu cho người mẫu. Họ tìm kiếm và đào tạo, đưa người mẫu lên đỉnh vinh quang và phục vụ cho họ. Đó là quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Ở ta thì khác một chút. Làm nên thương hiệu người mẫu là các cuộc thi và xì căng đan chứ không phải các hãng thời trang. Tôi cũng đang thai nghén qui trình tuyển chọn và xây dựng thương hiệu cho người mẫu nhưng cũng thấy chông chênh quá.
Vì vậy bây giờ tạm chấp nhận qui trình ngược kia vậy. Tức là tôn vinh người mẫu trước, rồi người mẫu chi phối ảnh hưởng đến sản phẩm, chứ mốt lại là của thế giới rồi. (cười)
Thời trang Việt Nam cần chọn vũ khí gì để cạnh tranh với thời trang quốc tế?
Đáng mừng là khách hàng Việt không quay lưng với thời trang Việt nếu thời trang Việt đáp ứng được nhu cầu của họ. Điển hình là hệ thống cửa hàng thời trang Made in Vietnam. Họ tự tin giới thiệu hàng được sản xuất ở VN bằng tên của cả hệ thống cửa hàng.
Thời trang là mốt, là thay đổi. Vũ khí đầu tiên để tạo lợi thế cạnh tranh và có thể chiến thắng trong cuộc đối đầu với thời trang nước ngoài chính là sự năng động. Nước xa không chữa được lửa gần. Ta đang ở gần, phải có lợi thế hơn họ chứ.
Thứ hai, không thể đi ngược, đi lệch với xu hướng thời trang thế giới như ngày xưa được. Nắm bắt được xu hướng, biến nó thành cái của mình và được khách hàng chấp nhận. Nói thì dễ, nhưng làm được lại không dễ tẹo nào.
Ai làm được thì người đó sẽ thắng.
Cảm ơn anh.
(Theo Phùng Nguyên // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com