Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sử vàng ghi tấm lòng vàng!

Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô thời trẻ - tinkinhte.com
Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô thời trẻ
Cách đây 65 năm, trong thủa ban đầu của chính quyền cách mạng còn vô vàn khó khăn, có một nhà tư sản hiến hơn 5.000 lượng vàng để ủng hộ cách mạng kiến thiết đất nước.
 
Nhà tư sản yêu nước được lịch sử ghi công đó chính là cụ Trịnh Văn Bô và gia đình…

Tôi đứng trong khuôn viên biệt thự 34 Hoàng Diệu (Hà Nội) trong buổi chiều gió lạnh để chờ gặp người cuối cùng của thế hệ những nhà tư sản yêu nước năm xưa. Trời lạnh quay quắt, nhưng lạ thay, khu vườn đầy lá vàng rụng vẫn véo von tiếng chào mào về ăn khế, từng đàn chim sẻ ríu rít trên cây hồng xiêm…

Với phong thái nhanh nhẹn, mái tóc bạc phơ, cụ bà Trịnh Văn Bô ra tận thềm đón khách. Cụ rót trà, ân cần bóc kẹo mời khách rồi cũng bỏm bẻm nhai kẹo. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, cụ cười hiền từ: “Chắc tôi làm từ thiện nhiều, nên trời thương ban cho sức khoẻ. Nhờ trời, năm nay tôi 96 tuổi…”

Vừa nhấp chén trà sen thơm man mác mà mình tự tay ướp đãi khách, bà cụ hồi tưởng:  “16 tuổi, tôi đã biết ướp trà cho thân sinh tiếp khách”. Thì ra, phụ thân của cụ bà Trịnh Văn Bô là nhà giáo Hoàng Đạo Phương, thành viên trường Đông Kinh Nghĩa Thục lẫy lừng một thủa. Cụ còn nhớ như in thân sinh mình đã dặn dò: “Việc nước cha chưa làm tròn, giờ cha đã già, sau này các con ai có điều kiện thì giúp nước thay cha”.

Năm 18 tuổi, cô gái phố Hàng Đào Hoàng Thị Minh Hồ về làm dâu nhà họ Trịnh. Lúc đó, hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi đã nổi danh khắp đất Kinh kỳ. Việc thiện nguyện của họ Trịnh cũng đã có từ trước đó. Trong vòng chưa đầy 10 năm, ông bà Trịnh đã bỏ ra mấy chục vạn đồng mua tiểu đại để chôn cất hài cốt khi di dời nghĩa trang Nghĩa Dũng (Hà Nội), ủng hộ những người bị bom Mỹ, Nhật ở Đông Khê, Thất Khê, nạn nhân lũ lụt ở Hưng Yên, mua chăn cho trẻ sơ sinh…

Khoảng năm 1944, con trai cả của cụ tham gia đội hướng đạo sinh “Sói Con” do anh Tạ Văn Lưu làm huynh trưởng. Sau đó, anh Lưu dẫn một người về giới thiệu là anh trai mình, Lưu Văn Thực, là một cán bộ Việt Minh đến làm quen và tuyên truyền cách mạng, nên cả gia đình có cảm tình với Việt Minh từ ngày đó.

Chiều 29/3/1945, một cán bộ cách mạng tên là Cát (bí danh của ông Khuất Duy Tiến) đã đến gặp hai vợ chồng bà và nói chuyện về cách mạng suốt cả buổi chiều. Ông Bô hăng hái nói: “Cho tôi đi theo cách mạng”. Ông Cát từ tốn phân tích: “Hai ông bà ở lại có lợi cho cách mạng hơn, vận động, tuyên truyền, quyên góp ủng hộ cũng là làm cách mạng”. Qua tâm sự của ông Cát, ông bà biết cách mạng đang gặp khó khăn trăm bề, tiền mua tờ báo 5 xu cũng không có. Ông bà quyết định bán 17 hòm tơ với giá gốc để ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương, tương đương 25 cây vàng.

Sau lần ấy, bà còn đưa cho một cán bộ Việt Minh khác là ông Hoàng Hữu Nhân một lần 1 vạn và một lần 2 vạn đồng Đông Dương. Lần khác, bà ủng hộ cán bộ Việt Minh 1,5 vạn đồng Đông Dương để in Báo Đàn Bà… Tổng cộng cho đến trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, gia đình họ Trịnh đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, theo thời giá bấy giờ, 400 đồng/lạng vàng, vị chi họ đã ủng hộ  212,5 lạng vàng.

Trong những ngày Tổng khởi nghĩa, ông Khuất Duy Tiến đã tiến cử ông bà vào Ban vận động Quỹ Độc lập. Hai ông bà đã không ngần ngại tiếp tục ủng hộ Quỹ 20 vạn đồng, tương đương 500 lạng vàng. Ngoài ra, nhờ mối quan hệ sâu rộng, uy tín với giới tư bản Hà Nội, bà Trịnh Văn Bô còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ.

Chính sử ghi lại rằng, khi Chính phủ lâm thời của cụ Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về Hà Nội cướp chính quyền trong tay giặc, thì ngân khố chỉ có 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, mà lại toàn tiền lẻ, rách nát hoặc bị cắt góc. Trong bối cảnh đó, Tuần lễ Vàng được ấn định, nhằm huy động tài chính, tiền bạc, tài sản của nhân dân phục vụ chính quyền cách mạng non trẻ.

Là thành viên chủ chốt của Ban vận động Quỹ Độc lập, gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã đóng góp 117 lạng vàng và vận động mọi người ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa. Đặc biệt, trong buổi tiệc sau Tuần Lễ Vàng, hai ông bà đã “đạo diễn” việc tổ chức bán đấu giá bức ảnh của Bác Hồ. Cuộc đấu giá kéo dài từ chiều tối đến 1h sáng hôm sau, ai trả bao nhiêu đều ghi vào sổ, dù không mua được vẫn trả tiền để ủng hộ cách mạng và cuối cùng tổng số tiền thu được lên đến 1,58 triệu đồng Đông Dương…

Với vẻ tiêu sái, an nhiên tự tại, cụ kể tiếp. Sau đó, ông Trường Chinh đi đón Bác Hồ về vào ngày 24/8/1945 và ở nhà căn nhà số 48 Hàng Ngang của hai ông bà cho đến ngày 27/9 để viết bản Tuyên ngôn độc lập. Lúc ấy, toàn bộ tầng 2 của căn nhà được bố trí làm nơi ở và làm việc của Bác hồ cùng các đồng chí Thường vụ. Suốt thời gian đó, gia đình họ Trịnh đài thọ toàn bộ chi phí từ ăn uống, tiệc tùng, may mặc, đi lại của biết bao người.

“Cái quý giá nhất của gia đình tôi là đã được chăm sóc và bảo vệ an toàn cụ Hồ cùng Ban Thường vụ trong suốt hơn một tháng”, nhìn bức tranh tư liệu quý giá đã ngả màu thời gian, cụ bà Trịnh Văn Bô chậm rãi nói.

Trong quãng thời gian Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập, cứ đến khoảng 9h đêm, cụ lại châm trà, mang hoa quả lên cho Người dùng. Có bận, cụ Hồ ngưng viết và nói: “Cô chẳng có gì khổ, tuổi đời còn ít, đã có hai con trai, hai con gái, lại có cả cơ ngơi thế này”. Bà lễ phép thưa: “Thưa Cụ, cháu có cái nhục, đó là cái nhục mất nước”. Cụ trầm ngâm khẽ khàng: “Thế thì kiên trì, nhẫn nại, cô nhé!”.

Vào những ngày 26 - 27/8/1945, tức là khi đã ấn định Lễ tuyên ngôn vào ngày 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ ra là cần phải sắm cho mỗi người một bộ quần áo thật tươm lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Đa số anh em, kể cả Bác, từ chiến khu trở về đều mặc những bộ đồ đã cũ sờn.

“Lúc bấy giờ, trong tủ của nhà chúng tôi có rất nhiều vải, tôi lấy ra mấy súc ka ki để may quần áo cho anh em. Ngoài ra, trong tủ cũng có hàng chục bộ quần áo may sẵn mà ông Bô chưa dùng, tôi lấy ra tất cho các anh mặc tạm. Ai mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy, nhưng tầm người như Ông Cụ không hợp bộ nào cả…”, bà Trịnh Văn Bô bồi hồi nhớ lại.

Hôm Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình, cụ bà Trịnh Văn Bô được bố trí đứng sát Lễ đài. Cụ Trịnh Văn Bô xúc động nhớ lại: “Nước mắt tôi lặng lẽ chảy trên má, vì nhìn lên Kỳ đài, không ngờ ông Cụ ở gác hai nhà mình lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dõng dạc đọc Tuyên ngôn Độc lập”.

Cuộc vấn an sức khoẻ cụ Trần Văn Bô đã trở thành một buổi hồi tưởng lịch sử hiếm hoi, với rất nhiều những chi tiết đắt giá mà thế hệ sau như chúng tôi ít được biết đến. Người con trai của cụ phải khẽ khàng nhắc đến 3 lần, cụ mới chịu đi nghỉ. Trước lúc chia tay, cụ Trịnh Văn Bô còn nán lại đọc tặng tôi bài thơ mà cụ lão thành cách mạng Võ Văn Sỹ đã viết tặng gia đình cụ trong chuyến nghỉ mát năm 1988:

“Thật là hiếm thấy cả xưa nay

Tư sản mà làm cách mạng này

Giúp đỡ Việt Minh qua lúc khốn

Chăm nom lãnh đạo những hồi gay

Xá chi tủ két vơi vàng bạc

Miễn được giang san mở mặt mày

Độc lập hoà bình nay trọn vẹn

Đầu hàng giai cấp vẻ vang thay”.

(Theo Hữu Tuấn // Báo đầu tư)

  • Doanh nhân Việt Nam tiên phong trong hội nhập
  • Gương thanh niên lập nghiệp : Nuôi chí 10 năm, thành công vững chắc
  • Khi “chuột” mang gan… “hùm”
  • Hướng đến phân khúc trống khúc
  • Một dự án, nhiều khát vọng
  • Ông chủ trẻ trên chiếc xe lăn
  • Chuyện làm ăn, làm giàu: Ông chủ nhiệm câu lạc bộ thanh long trái vụ
  • Những "đôi đũa lệch": Hạnh phúc hay bất hạnh?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao