Người Việt Nam sang học tập, nghiên cứu, lao động ở các nước thuộc Liên Xô cũ rất sớm. Nhưng người Việt giàu lên ở Nga, Ucraina… chỉ từ năm 1989 đến nay. Đặc biệt, từ năm 1989 - 1997 là khoảng thời gian ở Nga, Ucraina có đến cả trăm người được cộng đồng người Việt phong “soái”, bởi tài sản của học từ vài triệu đến hàng trăm triệu USD.
Khởi thủy nghề buôn của người Việt ở Liên Xô chỉ là bán mấy thứ mang theo người từ Việt Nam sang như là cói, quần bò, áo phông, son phấn... Thế hệ những người Việt tập buôn bán đầu nhận thấy: Nhu cầu hàng ngoại đối với người dân Liên Xô là rất lớn. Cho nên, mỗi người được sang Liên Xô đều gắng mang theo một ít hàng để sang bán lấy tiền mua sắm đồ đạc gửi về nhà. Nhiều năm liền như thế thành quen. Từ năm 1986 trở đi, số lượng công nhân xuất khẩu lao động, thực tập sinh ngắn hạn, đi du lịch từ Việt Nam sang Liên Xô ngày càng tăng. Cao điểm như năm 1990, toàn Liên bang Xô Viết có trên 80 vạn người Việt sinh sống. Để rồi, họ có thời gian rỗi, họ lại tham gia buôn bán hàng hóa để kiếm thêm tiền cải thiện đời sống bản thân và gửi về giúp đỡ người thân. Cứ thế, với một lượng người Việt không nhỏ phân bố khắp các khu công nghiệp từ bờ biển Ban Tích đến tận Xibini và Viễn Đông, trải dài trên 10 ngàn km, người Việt đã hình thành mạng lưới phân phối bán lẻ trên toàn lãnh thổ Liên Xô. Hàng hóa từ vùng Viễn Đông giáp Trung Quốc, cảng Ôđecxa (thuộc Ucraina) và Cảng không ở Matxcơva (Nga), Kiev, Kharcov (Ucraina)… Hai Thủ đô lớn này có các chợ đầu mối của người Việt tập trung tất cả các nguồn hàng sau đó được đưa ra các chợ do người Việt làm chủ. Hàng hóa từ đó theo các nẻo đường mà ngược xuôi lan tỏa trên toàn Liên Bang.
Người Việt khi đặt chân sang Liên Xô đều là những người bình thường chưa ai có tiền bạc nhiều, nhưng bằng nhiều con đường kinh doanh khác nhau, họ đã có được những khối tài sản khác nhau. Về xuất thân, họ có những điểm giống nhau: Có vốn tiếng Nga khá, hiểu biết về xã hội và luật pháp Liên Xô, có năng khiếu kinh doanh… Khi phát hiện thấy Liên Xô là một thị trườngđầy tiềm năng trong việc tiêu thụ các mặt hàng sẵn có ở Việt Nam,bằng nhiều cách khác nhau, họ đã kết hợp với anh em, bạn bè, doanh nghiệp trong nước tập trung hàng rồi xuất khẩu sang Liên Xô.
Những năm 1988 - 1989, nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam đã bắt nối với bạn bè chiến hữu ở Balan và qua đường này để đưa vào Nga một lượng lớn hàng hóa, nhất là thiết bị văn phòng, đồng hồ đeo tay điện tử... ở cửa ngõ phía đông của Liên Xô cũng xuất hiện nhiều "đại gia"qua nhịp cầu giao thương này. Những thành công nhất, giàu có nhất phải kể đến những "đại gia" thầu chợ. Để hình thành lên các chợ đầu mối cần phải có kho bãi tập kết hàng, các kiốt để giao dịch và phân phối. Một số người Việt đã lập tức thuê lại Ký túc xã cũ ít sinh viên ở, các khu nhà tập thể dành cho công nhân trong các nhà máy để làm nơi tập kết và phân phối hàng.
Các địa danh nổi tiếng một thời từng để lại nhiều ấn tượng của những người Việt như Đôm 5, ốp Zin, ốp Giày, ốp Vòng bi... đặc biệt là chợ Vòm, chợ lớn nhất người Việt không chỉ ở Liên Xô cũ mà cả Đông Âu. Ở thời điểm có giá nhất, mỗi kiốt ở những vị trí có giá chuyển nhượng từ 150 - 200 ngàn USD là chuyện bình thường. Có những khu chợ có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kiốt. Quản lý những trung tâm thương mại như thế này là những người giàu có bởi giá họ thuê lại của người Nga không phải là cao và hàng tháng chủ các kiốt phải đóng một khoản tiền lớn cho Ban quản lý để trang trải các khoản chi tiêu. Ngoài các ông chủ đặt hàng, đánh hàng, ông chủ lập chợ, quản lý chợ còn có những nhóm người Việt năng động hơn, bài bản hơn, hoạt động phù hợp với luật pháp của nước sở tại hơn. Đó là những nhóm người lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngay trên đất nước họ đang sống. Đại diện cho lớp người này là các ông bà Phạm Nhật Vượng, Trần Minh Sơn, Võ Minh Phúc, Lê Viết Lam, Lê Minh Đức, Nguyễn Thị Hằng…
Sau khi gặt hái được những thành công từ việc lập chợ và quản lý kinh doanh chợ ở Matxcơva, nhóm tri thức trẻ này đã chuyển về TP Kharcow (thuộc Urama), xây dựng nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm mỳ ăn liên Mubuna và lập Technocom. Tập đoàn giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn nhanh tại Ucraina với số vốn pháp định trên 25 triệu USD. Nhà máy với thương hiệu Mubuna từng được đề nghị bán lại với giá trên 70 triệu USD này tạo việc làm cho hơn 3.000 người chủ yếu là người bản địa với mức thu nhập cao hơn nhiều so với các nhà máy khác ở Kharcov.
Bên cạnh những “đại gia" làm ăn lớn với quy mô bài bản, có luật sư vệ sĩ tháp tùng, di chuyển trên những chiếc xe ôtô sang trọng và an toàn còn có những người nông dân Việt Nam làm vườn ở trên đất Nga, Ucraina... Họ thuê đất xứ người để làm trang trại. Những hạt giống cây quý từ Việt Nam được mang sang như mùi tầu, húng láng, rau muống cho đến riềng, sả được trồng trong nhà kính.
Học tập, lao động, mưư sinh ở xứ người, những tấm lòng của những người Việt mãi luôn hướng về quê nhà:
Ngày ăn miếng bánh mỳ NgaĐêm mơ toàn nhớ quê nhà Việt Nam
Đồng tiền kiếm được họ mong muốn được đầu tư ở quê hương để góp phần làm cho nước nhà khởi sắc. Trong 3 triệu người Việt định cư ở nước ngoài, hàng năm có gần 4 tỷ USD được chuyển về đầu tư ở trong nước. Đó là những đóng góp không nhỏ của những người Việt xa xứ. Cộng đồng người Việt ở Liên Xô cũ ít hơn cộng đồng người Việt ở Mỹ, Pháp, Canada, Astraylia rất nhiều nhưng họ đã có những đóng góp lớn cho đất nước về tri thức khoa học và của cải, mặc dầu họ mới chỉ giàu lên ở xứ người khoảng 20 năm lại đây. Những công trình, dự án của họ đã và đang thực hiện tại Việt Nam thật đáng nể. Đó là Trung tâm Thương mại Vincom, Mê Linh Plaza (Hà Nội), Hòn ngọc Việt (Nha Trang – Khánh Hòa) và một số công trình thủy điện đang khởi công, Ngân hàng Thương mại Cổ phần... đang hoạt động có hiệu quả trên lãnh thổ Việt Nam.
Với quan điểm Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời khỏi cộng đống người Việt trong nước, Nhà nước ta đang có chính sách mời gọi, ưu đãi đầu tư đối với những người Việt xa quê. Hy vọng rằng, những người Việt đã từng giỏi làm giàu ở xứ người, nay lại càng có điều kiện làm giàu ngay trên mảnh đất quê nhà thần yêu.
(Theo Báo Thanh tra)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com