Đạo đức kinh doanh vốn là vấn đề “biết rồi – khổ lắm – nói mãi”, nhưng không vì thế mà điều này trở nên nhàm chán. Nhân dịp đầu xuân, trong lúc “trà dư, tửu hậu”, DĐDN đã có cuộc trò chuyện với các doanh nhân về điều tưởng như “nói mãi” này.
1. Chữ Tâm trong kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt ngày nay ?
Ông Phạm Hồng Điệp - TGĐ Cty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec, Chủ tịch Hội DN Trẻ Hải Phòng |
Ông Phạm Hồng Điệp :
Theo tôi, nói tới chữ tâm trong kinh doanh thì nên hiểu là nói đến trục thống nhất xuyên suốt quá trình hành động của doanh nhân, DN. Là ý thức đem lại sản phẩm, dịch vụ tốt nhất đến với người tiêu dùng - những khách hàng đáng quý của doanh nhân, DN. Chữ Tâm phải xuất phát từ tư tưởng hành động của chính bản thân doanh nhân. Như vậy, cần hiểu chữ tâm trong kinh doanh là khái niệm bao trùm, có ý nghĩa rất rộng, thể hiện trong sản phẩm, dịch vụ được người tiêu dùng, xã hội chấp nhận theo đúng nghĩa của nó.
Ngoài ra những người làm ra sản phẩm, dịch vụ đó còn là những gương sáng vì cộng đồng, vì xã hội, là những người kinh doanh chân chính...
Ông Mai Hữu Tín :
Tôi hiểu câu hỏi này theo nghĩa “đạo đức trong kinh doanh”. Hội nhập hay không, cạnh tranh khốc liệt hay không thì yếu tố đạo đức vẫn phải được tôn trọng và tuân thủ nếu một doanh nhân muốn phát triển bền vững.
Đạo đức đó thể hiện bằng rất nhiều cách: tuân thủ luật pháp; đối xử tốt với nhân viên; quý mến khách hàng; giữ đúng và luôn cải tiến chất lượng của sản phẩm, dịch vụ ngày một tốt hơn; có trách nhiệm với xã hội; quan tâm bảo vệ môi trường; tôn trọng đối thủ và không áp dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh như nói xấu, bôi nhọ... coi đối tác và cổ đông là những người bạn, người chủ thật sự của mình... Một DN không có cách hành xử đúng, không tuân thủ các nguyên tắc đạo đức như đã nêu sẽ không thể tồn tại lâu dài được.
Ông Phùng Danh Thắm :
“Tâm” trong kinh doanh là DN phải tuân thủ pháp luật, không buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng cấm, không lừa dối khách hàng và đối tác. Ngay cả những khi gặp khó khăn nhất, một doanh nhân chân chính vẫn phải tâm niệm tôn chỉ kinh doanh không đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc, không bị lu mờ bởi tính thực dụng, đua chen. Chữ “Tâm” kinh doanh còn cần có cả trong văn hóa cạnh tranh. Cạnh tranh là thuộc tính của kinh tế thị trường. DN có thể quảng bá thương hiệu, sản phẩm bằng chất lượng hàng hóa và dịch vụ lành mạnh, tránh cạnh tranh kiểu triệt tiêu, bôi xấu.
Ông Phạm Văn Thê :
Chữ Tâm trong kinh doanh được hiểu là đạo đức trong kinh doanh, là cách ứng xử của tập thể DN đối với khách hàng và đối với cán bộ, công nhân của DN, cao hơn nữa là đối với cộng đồng. Chữ tâm trong kinh doanh được thể hiện bằng việc DN cung ứng cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất và chế độ hậu mãi tốt nhất. Với tôi, người kinh doanh có tâm không chỉ mang đến thành công cho mình, cho DN mình mà còn phải nhân rộng hơn sự thành công cho mọi người, biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích DN lợi ích cá nhân. Và hơn hết, phải biết chia sẻ lợi nhuận của mình cho cộng đồng, coi việc làm từ thiện là nhiệm vụ, là trách nhiệm, là việc làm thường xuyên xuất phát từ lương tâm.
Ông Lê Chí Hiếu :
Chữ Tâm trong kinh doanh thể hiện qua tấm lòng của DN đối với cộng đồng xã hội và lương tâm, trách nhiệm của DN đối với sản phẩm, dịch vụ do mình làm ra. Theo tôi, cần phải học làm người trước khi làm bất cứ nghề gì, vì nghề nào cũng cần một chữ tâm, tâm đối với đời, tâm đối với người, tâm đối với nghề và sau đó mới tính tới những thứ khác.
2. Nhưng còn nhiều DN, doanh nhân không thực sự làm theo ý nghĩa của chữ Tâm ấy. Điều đó có ảnh hưởng tới văn hoá doanh nhân Việt nói chung ?
TS Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư U&I, Đại biểu Quốc hội khoá XII, Phó Chủ tịch Hội các nhà DN Trẻ VN |
Ông Mai Hữu Tín :
Ở đâu cũng có những DN, doanh nhân như vậy chứ không riêng gì VN . Và họ sẽ không thể tồn tại lâu dài.
Ông Phùng Danh Thắm :
Ở đâu cũng có những “hạt sạn” nhưng đương nhiên không sớm thì muộn sạn cũng bị “nhặt” ra. Tức là, nếu kinh doanh thiếu “tâm”, đến một lúc nào đó khách hàng, đối tác cũng sẽ quay lưng. DN có thể có lợi trước mắt nhưng tự hại mình về lâu dài. Để tình trạng kinh doanh thiếu “Tâm” và “Tín” cứ “xâm lấn” dần vào các DN thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư, đến nền tảng văn hóa kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước và lực lượng doanh nhân Việt sẽ thiếu tự tin khi sánh vai cùng doanh nhân các nước.
Ông Phạm Văn Thể :
Hiện nay có nhiều DN, doanh nhân đã không thực sự làm theo ý nghĩa của chữ Tâm ấy. Họ chạy theo lợi nhuận, tất cả vì lợi nhuận mà chà đạp lên lợi ích của cộng đồng. Họ quảng cáo sản phẩm không đúng với giá trị thực để đánh lừa người tiêu dùng, họ tàn phá môi trường, lãng phí tài nguyên để đạt cái lợi trước mắt. Họ làm từ thiện không xuất phát từ cái tâm, chỉ để quảng bá, đánh bóng thương hiệu... Đây cũng chính là mặt trái của cơ chế thị trường.
Ông Lê Chí Hiếu :
Vấn đề quan trọng nhất đối với một doanh nhân là làm ra lợi nhuận cho DN phải xuất phát từ hoạt động kinh doanh hợp pháp và giữ được chữ tín với khách hàng. Tuy nhiên, nếu DN chỉ chăm chăm vào lợi nhuận thì chưa chắc là đạt được nó, nhất là khi sử dụng những âm mưu gian dối, tà đạo. Những hành động đó trước sau gì cũng bị phát hiện và không ai có thể tha thứ cho họ.
Ông Phạm Hồng Điệp :
Xã hội luôn muôn màu sắc. Các tầng lớp doanh nhân cũng có nhiều màu sắc khác nhau. Có những doanh nhân chỉ đưa ra tiêu chí lợi nhuận, bằng mọi cách có nhiều lợi nhuận mà bất chấp đến quyền lợi của người tiêu dùng, chà đạp lên đạo đức kinh doanh và đạo lý con người. Nhưng cũng có những doanh nhân xây dựng cho mình tiêu chí vì xã hội, vì cộng đồng, đặt mục đích lợi nhuận là lợi ích cộng đồng. Có doanh nhân tạo ra lợi nhuận bằng việc tạo ra sự hài hòa giữa người tiêu dùng và môi trường...
Như vậy trong giới doanh nhân cũng có rất nhiều tiêu chí, cách hiểu khác nhau về chữ tâm, về sự hài hòa. Những cách hiểu ấy sẽ đưa đến hành động cụ thể khác nhau của những doanh nhân đó. Vì vậy, cần xây dựng cho các doanh nhân VN ý thức hành động theo trục gắn chặt với chữ tâm, trong mọi hành động của mình. Và xem đó như phương án phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này.
3. Nói đến đặc trưng đạo đức của Doanh nhân VN hiện nay là nói đến đạo lý, triết lý sống của doanh nhân và sự độc đáo riêng biệt mang bản sắc dân tộc. Với tư cách là một doanh nhân, các ông nhìn nhận điều này như thế nào ?
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Thủ Đức House (TP HCM) |
Ông Mai Hữu Tín :
Những chuẩn mực đạo đức nói chung có giá trị, và được thực hành, trên toàn cầu chứ không chỉ riêng với chúng ta. Thực lòng mà nói tôi chưa nhận ra yếu tố nào gọi là bản sắc dân tộc trong doanh nhân VN, dù có rất nhiều doanh nhân đã thành công và xứng đáng được ngưỡng mộ vì trong mọi cố gắng kinh doanh của họ thì yếu tố dân tộc đã là một động lực để họ phấn đấu vượt qua khó khăn và cạnh tranh được với doanh nhân từ các nước phát triển hơn. Rất mong là tinh thần ấy sẽ được các doanh nhân trẻ học tập và lấy đó làm hành trang cần thiết trong quá trình phát triển của mình.
Ông Phùng Danh Thắm :
Trong giới Công - Thương VN, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến đạo đức, triết lý doanh thương của Doanh nhân VN: đem vốn vào làm những công cuộc ích nước lợi dân. Đây chính là triết lý kinh doanh của mọi doanh nhân chân chính. Đối với doanh nhân VN, thì điều đó càng mang ý nghĩa nhân văn, nhân bản sâu sắc hơn. Đây cũng là một đạo lý bắt nguồn từ truyền thống cộng đồng và đã được xây dựng từ hàng ngàn năm của dân tộc.
Ông Phạm Văn Thể :
Con người VN nói chung, Doanh nhânVN nói riêng đa số ảnh hưởng đạo lý, triết lý sống của Phật giáo: Uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, chữ tâm bằng ba chữ tài... Các tư tưởng này giúp doanh nhân định hướng trong phương thức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa DN, góp phần tạo nên chữ “Tâm” trong mỗi doanh nhân. Các nghĩa cử cao đẹp của các doanh nhân trong việc quyên góp, ủng hộ, thăm hỏi các nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào bão lụt... gần đây, nhất là sự ủng hộ cuộc vận động xây nhà cho người nghèo là một minh chứng cho đạo lý “Thương người như thể thương thân”, mang bản sắc riêng của dân tộc VN.
Ông Lê Chí Hiếu :
Nói về đạo đức của doanh nhân VN nói chung, tôi quan niệm rằng tư tưởng cốt lõi cơ bản nhất của doanh nhân theo tinh thần triết lý phương Đông không phải là chữ Tâm hay Tài như mọi người thường nói, mà là chữ Đức. Đức thì mang ý nghĩa là cách thức mà vũ trụ nói chung và mọi hiện tượng trong đời sống nói riêng đang vận hành, Đức không phải chỉ hiểu đơn thuần là lòng tốt hoặc cách sống đức độ. Trong kinh Dịch cũng cho rằng Đức là đặc tính, cách phát triển của một sự vật, nói cách khác nếu coi bản thể vũ trụ là Thể thì Đức là cái Dụng của nó. Như vậy đạo đức trong kinh doanh phải hiểu một cách đầy đủ là cách sống tuân theo quy luật vận hành của vũ trụ (Đức) bằng cách tìm hiểu và tôn trọng bản thể của mọi sự vật (Đạo). Muốn vậy doanh nhân phải là người có trí tuệ, có bản lĩnh, có tấm lòng, có ý chí. Và nhiều tố chất khác nữa mà doanh nhân phải tự rèn luyện và tự trang bị cho mình.
Ông Phạm Hồng Điệp :
Tâm trí các doanh nhân VN đều ghi đậm những trang sử hào hùng dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Mặt khác, các doanh nhân Việt rất biết giá trị xã hội ổn định, môi trường kinh doanh bền vững mà cha ông ta đã đổ biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt mới giữ được. Vì vậy, trong tiềm thức của các doanh nhân Việt luôn có triết lý, và đạo đức kinh doanh mang đậm bản sắc Việt. Đó là gan dạ, vươn lên, đó là tự hào VN, đó là chiến lược thương hiệu Việt trong thế giới phẳng... Doanh nhân VN biết viết nên những kỳ tích mang đậm bản sắc dân tộc để xây dựng đất nước. Điều này đã được minh chứng sống động như kỳ tích vượt qua cơn bão suy thoái tài chính toàn cầu vừa qua.
4. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có chuyện, doanh nhân coi việc làm từ thiện như một cách quảng bá hơn là một nghĩa cử, là chuyện đương nhiên của bản ngã con người. Liệu theo các ông điều này có thể coi là một cách PR cho mình và cho DN ?
Đại tá Phùng Danh Thắm - TGĐ Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng |
Ông Mai Hữu Tín :
Việc này khá phổ biến nhưng tôi không phản đối. Nghĩa vụ lớn nhất của doanh nhân là làm ăn có lãi và đóng thuế. Phần tiền còn lại được sử dụng như thế nào là tùy mỗi người. Nếu tiền đó lại được sử dụng để phục vụ cho xã hội, dù với mục đích gì, với cách làm nào, đều là việc có ích và nên khuyến khích.
Ông Phùng Danh Thắm :
Nếu có hiện tượng PR DN qua hình thức làm từ thiện thì đó là cách nghĩ, cách làm lệch lạc. Tất nhiên nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến ý nghĩa tốt đẹp của việc làm từ thiện.
Ông Phạm Văn Thể :
Theo tôi, việc làm từ thiện phải xuất phát từ cái Tâm của doanh nhân, là nghĩa cử của doanh nhân, dể chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Làm việc thiện là việc làm cả đời, có khả năng và điều kiện là làm, không chờ phải vận động, quyên góp, không cần phô trương, ồn ào. Nếu anh sản xuất kinh doanh không trung thực, gian lận để tìm kiếm nhiều lợi nhuận rồi lại mang một phần lợi nhuận ấy để làm từ thiện để quảng bá, đánh bóng thương hiệu, lăng xê tên tuổi của mình, thì không sớm thì muộn việc làm đó cũng bị phát hiện, bị lên án.
Ông Phạm Hồng Điệp :
Trước hết, việc làm từ thiện của các doanh nhân phải xuất phát từ chữ tâm với cộng đồng, với xã hội của ngay chính bản thân doanh nhân đó, chứ không phải vì hành động muốn PR cho bản thân hay DN của mình. Điều này phải được bản thân các doanh nhân khẳng định và được xã hội công nhận. Đó là nghĩa cử đẹp của người VN (lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng...). Sau đó, từ những hành động thiết thực đó, mới thực hiện việc xây dựng, vun đắp được thương hiệu cho DN, hoặc xây dựng hình ảnh cá nhân doanh nhân đó trong con mắt xã hội. Vì vậy, không thể nói là việc làm từ thiện của các doanh nhân là việc làm PR. Vì, các doanh nhân làm từ thiện cũng chứng tỏ nội lực của họ phải mạnh, đồng thời họ phải có cái tâm với xã hội, với đồng loại...
Nhìn ra các nước khác, chưa đâu có được giới doanh nhân lại có nhiều nghĩa cử cao đẹp như doanh nhân VN với xã hội mình, đối với mảnh đất thiêng liêng mà mình đang sống và làm việc. Điều này thể hiện bản sắc dân tộc rất riêng của doanh nhân VN.
Ông Lê Chí Hiếu :
Mục tiêu của DN là lợi nhuận, vì có lợi nhuận thì mới có kinh phí làm từ thiện. Và lợi nhuận này phải có được từ những hoạt động kinh doanh chân chính thì công việc làm từ thiện mới có ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu quá thiên về các khoản đóng góp từ thiện có thể sẽ làm cho cái nhìn của công chúng bị méo mó. Bên cạnh đó, cũng không ít những DN lợi dụng hình thức này để đánh bóng thương hiệu của mình. Tôi nghĩ, người có Tâm lớn thường không khoa trương cái Tâm của mình và không khoe việc thiện mình làm.
5.Các ông đã xây dựng, phát triển và hoàn thiện chữ Tâm trong kinh doanh, trong văn hóa DN tại DN mình như thế nào ?
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Hội DN Trẻ tỉnh Quảng Ninh - Chủ tịch Hội các nhà DN huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh |
Ông Phùng Danh Thắm:
Gần 20 năm gắn bó cùng Cty Thái Sơn vượt qua rất nhiều thử thách, tôi luôn khởi xướng và xây dựng văn hóa DN, văn hóa kinh doanh. Tôi cố gắng điều hành theo nguyên lý truyền cảm hứng làm việc cho các nhân viên, giúp họ chủ động sáng tạo, say mê trong công việc, đồng thời xem trọng “tâm lệnh” hơn “khẩu lệnh”.
Từ các hoạt động về công tác dân vận; phụng dưỡng suốt đời 5 Bà mẹ VN Anh hùng; công tác xã hội; cứu trợ nhân đạo..., tôi đã thể hiện sự mong muốn mọi người sống biết quan tâm, chia sẻ với cộng đồng. Toàn thể cán bộ, nhân viên công ty được phục vụ bữa ăn trưa, được tặng quà chúc mừng sinh nhật, các cháu là con của cán bộ, nhân viên Cty được khen thưởng, khích lệ khi đạt thành tích Học Giỏi – Cháu Ngoan Bác Hồ. Những lúc đau ốm, bệnh tật người lao động còn được Đảng ủy và Ban TGĐ Cty thăm hỏi và hỗ trợ. Câu Slogan: “Tiên phong là người lính” của Cty Thái Sơn đã nói lên tinh thần làm việc và cống hiến của toàn thể cán bộ, nhân viên – không ngại khó khăn, thử thách, xây dựng DN phát triển gắn liền với sự phát triển đội ngũ các DN quân đội nói riêng và sự phồn thịnh kinh tế của đất nước nói chung.
Ông Phạm Văn Thể :
Ngay từ những ngày đầu khởi sự DN, tôi đã tâm niệm một điều: Giá trị cốt lõi của một DN là “bắt đầu từ con người, tất cả vì con người”. Muốn tạo lập được giá trị này, người chủ DN phải có một chữ Tâm bên cạnh chữ Tài. Bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có mối quan hệ thân thiện, tin tưởng, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo ra một tập thể có sức mạnh và sự gắn kết. Việc chăm lo cho đời sống tinh thần, vật chất cán bộ công nhân, giúp đỡ thăm hỏi, trợ giúp cho những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là việc làm thường xuyên của chúng tôi. Do đó, cán bộ, công nhân yên tâm công tác và gắn bó với DN. Việc ủng hộ, quyên góp để xây nhà tình nghĩa, mái ấm công đoàn, quỹ khuyến học... là việc làm tự nguyện của tập thể cán bộ, công nhân trong DN. Trong kinh doanh, chúng tôi quan niệm: chất lượng sản phẩm xây dựng và dịch vụ là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của DN với phương châm: chất lượng – đúng tiến độ - an toàn – lợi ích khách hàng. Song hành với việc xây dựng, hoàn thiện và phát triển chữ Tâm trong văn hóa DN, từ một Cty xây dựng, đến nay chúng tôi đã xây dựng và phát triển thành một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành nghề với lĩnh vực sản xuất chính là xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng mang thương hiệu: “Tập đoàn Hoàng Hà – Xây nhà hạnh phúc !”.
Ông Lê Chí Hiếu :
Với phương châm “gắn liền mục đích kinh doanh của Cty với lợi ích xã hội”, bên cạnh nỗ lực hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh, tôi cũng rất chú trọng tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện..., khuyến khích và nhắc nhở nhân viên cùng chung tay góp sức với cộng đồng. Tiền bạc chỉ là phương tiện, tâm và đức mới là cứu cánh. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu mới thành lập Cty, chữ Tâm và Đức đó đã thể hiện rất rõ trong Slogan “Cùng bạn nâng cao chất lượng cuộc sống”, chữ Đức được khẳng định ngay từ tên gọi của công ty là Thủ Đức (giữ Đức), nó không chỉ xuất phát từ tên gọi địa danh mà còn từ sự khẳng định hãy giữ Đức làm đầu.
Ông Phạm Hồng Điệp :
Từ khi xây dựng và vận hành Cty, trong tiềm thức, tôn chỉ hoạt động chúng tôi luôn tuân thủ ba tiêu chí:
- Kinh doanh thân thiện với môi trường
- Kinh doanh vì xã hội, vì cộng đồng
- Kinh doanh vì lợi nhuận DN
Theo tôi hiểu thì có làm được điều đó DN mới phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, và luôn tự hào là doanh nhân đất Việt.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com