Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thêm hương sắc cho lụa

Ông Hồ Viêt Lý giới thiệu tấm lụa được nhuộm bằng hạt điều tại cửa hàng lụa tơ tằm của Công ty Toàn Thịnh trên đường Lý Tự Trọng, quận1. Ảnh: Tường Nguyên.

Trước sự lấn át của lụa tơ tằm giá rẻ, kém chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc, Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh, quận Tân Bình, TPHCM, đã tìm hướng đi riêng bằng cách nghiên cứu dùng các loại hạt, củ quả để nhuộm lụa, cho lụa có thêm những mùi hương quyến rũ.

Tìm cách hiểu tơ lụa

“Hàng lụa tơ tằm giá rẻ, kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường nội địa đã gây trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Hồ Viết Lý, Giám đốc Công ty Toàn Thịnh, nói với vẻ mệt mỏi khi đề cập đến tình hình kinh doanh của công ty trong những tháng đầu năm 2009.

Để giải tỏa những căng thẳng, lo toan trong giai đoạn sức mua suy giảm trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái, suốt những tháng qua, ông Lý dành nhiều thời gian cho việc tập thể dục, đọc sách. Thỉnh thoảng, ông lại đi từ cửa hàng của công ty đến chợ Bến Thành để xem khu vực bán vải có thêm bao nhiêu mặt hàng lụa tơ tằm giá rẻ, mới lạ.

Chưa thỏa mãn với sự tò mò của mình, ông đã tìm ra tận xứ sở của “áo lụa Hà Đông” ở làng Vạn Phúc, làng La Khê, Hà Đông (Hà Nội) để tận mắt chứng kiến không khí sản xuất của một làng nghề trứ danh. Tuy nhiên, những làng nghề ở đó cũng đang đối diện với tình cảnh khó khăn vì ít đơn hàng.

“Khi đến chợ vải Ninh Hiệp, cách Hà Nội khoảng 16 ki lô mét, dạo một vòng tôi thấy có hơn 90% vải, lụa tơ tằm được nhập từ Trung Quốc bán ký, giá khá rẻ, hàng lại đẹp. Tôi có cảm giác số phận của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm và cả ngành dệt may đang bị một sức ép rất lớn, có khả năng sẽ bị mất sức đề kháng…”, ông Lý trăn trở.

Ông Lý xuất thân từ vùng Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vốn có truyền thống trồng dâu nuôi tằm. “Thuở nhỏ, tôi thường thấy cha sử dụng sợi tơ tằm để đan lờ, đan lưới bắt cá. Sau khi đan xong, ông lên rừng đào một loại củ về nấu chung với lờ, lưới để nhuộm, giúp sợi tơ không bị mục khi ngâm dưới nước lâu ngày”, ông Lý nhớ lại cảm xúc đầu đời dẫn dắt ông đến với nghề dệt lụa tơ tằm.

Vào thập niên 1980, ở tuổi 26, do công việc đưa đẩy, ông Lý lên làm việc tận xứ sở tơ tằm Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Sống ở môi trường này, sự đam mê về lĩnh vực dệt tơ tằm của ông càng có điều kiện phát triển. Sau đó, ông kết hôn với một cô gái địa phương sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Kể từ đó, kiến thức về lĩnh vực tơ tằm của ông được trau dồi thêm và gia đình ông bắt đầu cung cấp tơ dệt lãnh cho khách hàng ở vùng Tân Châu, tỉnh An Giang.

Sau thời bao cấp, vợ chồng ông Lý về TPHCM sinh sống ở làng dệt Bảy Hiền, quận Tân Bình. “Dệt vải thì gần như gia đình nào ở đây cũng làm được nhưng lại bó tay khi muốn thử sức dệt lụa vì quá khó”, ông cho biết. Công việc quản lý, kinh doanh cơ sở dệt vải ông giao cho vợ, còn mình thì “mê mẩn” với những sợi tơ.

Làm sao để hiểu được sợi tơ? Ông sống với câu hỏi đó suốt năm này qua tháng nọ. Cuối cùng, những ẩn số về cách xử lý để sợi tơ đạt độ mềm, dai, khắc phục được những lỗi trên bề mặt vải… đã được ông Lý tìm ra sau 10 năm mày mò nghiên cứu, đi khảo sát nhiều nơi cả trong và ngoài nước.

“Trong 10 năm đó, chi phí dành để nghiên cứu thật khó có thể tính toán cụ thể vì hai vợ chồng cùng đồng lòng, chấp nhận mọi rủi ro”, ông nói.

Năm 1994, cơ sở dệt lụa tơ tằm của vợ chồng ông Lý chính thức vận hành, tạo nên tiếng vang đối với dân trong nghề, nhất là khu vực Bảy Hiền. Công việc làm ăn phát triển, năm 2000, Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh được thành lập.

Thêm hương sắc cho lụa

Sản phẩm lụa tơ tằm của Toàn Thịnh đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn sau khi nhà thiết kế Minh Hạnh chọn để may áo cho lãnh đạo các quốc gia tham dự hội nghị ASEM 5 (năm 2004) và APEC 14 (năm 2006) tổ chức tại Việt Nam. Ông Lý cho biết, từ hai “cơ hội vàng” đó, lụa tơ tằm Toàn Thịnh đã tăng thêm doanh số bán hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước như Anh, Mỹ, Thái Lan và Hàn Quốc, dù số lượng còn nhỏ. Thay vì “thừa thắng xông lên”, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thì Toàn Thịnh lại tiếp tục tập trung nghiên cứu!

Theo giải thích của ông Lý, trong những năm gần đây, nhóm khách hàng thích ăn ngon mặc đẹp, thích chăm sóc bản thân bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng tiêu dùng mới, do đó các nhà sản xuất hàng hóa cao cấp phải lưu ý.

Từ năm 2006, Toàn Thịnh bắt đầu nghiên cứu cách dùng các loại nguyên liệu không gây độc hại cho người sử dụng như lá tre, lá cẩm, trà xanh, nghệ, củ nâu, gấc, củ dền, hạt điều, hạt cà phê... để nhuộm lụa. “Với những sản phẩm này, khi mặc người sử dụng vẫn cảm nhận được mùi hương của nguyên liệu nhuộm, phù hợp với người bị dị ứng da. Đó là lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam trong xu thế mới trước hàng giá rẻ, hàng kém chất lượng”, ông Lý nói.

Cũng theo ông Lý, kể từ tháng 9-2009, khi dòng sản phẩm lụa tơ tằm thân thiện với môi trường được đưa ra thị trường, cũng là lúc Toàn Thịnh tìm được lối thoát trong thời suy giảm kinh tế. “Sản phẩm của Toàn Thịnh đắt hơn hàng Trung Quốc khoảng 15-20% và công ty cũng không nhắm đến việc cạnh tranh về giá. Tôi hy vọng người tiêu dùng trong và ngoài nước vốn yêu thích lụa tơ tằm sẽ càng tin tưởng vào những sản phẩm thân thiện với môi trường”, ông nói với vẻ phấn chấn.

Sản phẩm lụa tơ tằm được nhuộm bằng nguyên liệu thiên nhiên của Toàn Thịnh có giá bán 180.000 đồng/mét (khổ vải 1,5 mét).

Hiện tại Toàn Thịnh cũng đã triển khai kế hoạch mở rộng kênh phân phối ở các thành phố du lịch lớn trên cả nước, trước hết là ở Hội An. Ngoài ra, công ty cũng tiến hành thăm dò nhu cầu của thị trường, hiểu người tiêu dùng đang cần gì để đáp ứng, điều mà doanh nghiệp này chưa bao giờ thực hiện kể từ khi bước chân vô thương trường.

(Theo Tường Nguyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Cậu bé mồ côi thành chuyên gia Y khoa xuất sắc trên đất Mỹ
  • Chuyện về "Ông chủ" tuổi 20 không bằng cấp
  • Ông chủ trẻ xuất khẩu máy bay mô hình
  • Khởi nghiệp với trấu
  • Doanh nhân trẻ & thương hiệu kẹo dừa Thanh Long
  • Theo dấu khải Silk?
  • Doanh nhân ngoại quốc đầu tiên xin nhập quốc tịch Việt Nam: Làm trai năm liệu bảy lo mới hào
  • “Dã tràng” cũng nên chuyện
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao